Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến của học sinh giỏi
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
+ Tác giả: là nhà thơ lớn thế kỷ XIX, nổi tiếng về thơ Nôm, sáng tác về tình yêu quê hương, đất nước, bạn bè, gia đình…
+ Tác phẩm: nằm trong ba bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, tiêu biểu nhất trong miêu tả cảnh thu.
2. Thân bài:
Hoàn cảnh ra đời bài thơ: cáo quan về quê, đất nước bị thực dân xâm lược.
Bức tranh mùa thu trong lành, tĩnh lặng: sáu câu thơ đầu
+ Dưới nước: Ao thu, sóng biếc, chiếc thuyền bé, lá vàng.
+ Trên bờ: Ngõ vắng, trúc xanh.
+ Trên cao: Trời xanh trong.
Người đi câu thật sự không đi câu, mà đang suy nghĩ về thế sự: hai câu thơ cuối.
+ Cá đớp động lại chẳng câu được, phân tâm, suy nghĩ.
+ Phân tích những động từ “Hơi gợn tí”, “khẽ đưa vèo”, “đớp động”; những từ chỉ trạng thái “lạnh lẽo”, “lơ lửng”.
3. Kết bài:
+ Nghệ thuật gieo vần tử vận “eo”.
+ Sự quan sát và cảm nhận tinh tế của Nguyễn Khuyến làm nổi bật lên tình yêu quê hương, đất nước của ông.
Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu
Bài văn tham khảo
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của tế XIX, ông sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, kho tàng thơ ca mà ông để lại cho đời rất lớn, trên 800 bài với nhiều thể loại nhưng chủ yếu vẫn là thơ. Theo Xuân Diệu từng nói “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm”, thơ Nôm của Nguyễn Khuyến nói lên tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè, phản ánh cuộc sống khổ cực, chất phác hay châm biếm, đã kích thực dân xâm lược, thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân. Trong thơ Nguyễn Khuyến nổi bật nhất là chùm ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh.
Câu cá mùa thu (Thu điếu) là bài thơ được đánh giá là tiêu biểu nhất trong việc miêu tả cảnh thu. Mùa thu của Thu điếu là “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”.
Thu điếu được Nguyễn Khuyến viết vào thời gian ông từ quan về quê. Như Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết trong Cảnh nhàn:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Nguyễn Khuyến bất mãn, bế tắc trước thế sự của đất nước mà từ quan về quê, như nhiều bậc thi nhân, ông tìm đến nơi thanh tịnh, vắng vẻ để hưởng thú tiêu dao ở đời, sống lối sống thanh cao, tao nhã. Câu cá chính là một thú vui tao nhã của các bật thi nhân xưa và khi câu cá Nguyễn Khuyến đã quan sát, cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp mùa thu để viết nên những bài thơ mùa thu đặc sắc, đậm nét đặc trưng của mùa thu Bắc Bộ.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Bức tranh mùa thu được miêu tả thật đẹp với: một cái ao nhỏ, nước trong ao lạnh lẽo mà trong veo thấy tận đáy, trên mặt ao thì tĩnh lặng, chỉ có lăn tăn vài gợn sóng theo cơn gió nhẹ. Thoáng chốc lại có một chiếc lá vàng đung đưa theo gió rồi bay vèo lên mặt ao. Nguyễn Khuyến đã dùng con mắt quan sát tỉ mỉ và sự cảm nhận tinh tế để thu về hết vẻ đẹp của mùa thu Bắc Bộ, chỉ vài câu chữ đã thể hiện hết những nét đặc trưng của mùa thu vừa tĩnh lặng lại trữ tình.
Với không khí mát mẻ, trong lành của mùa thu như thế thì việc ngồi câu cá trên một chiếc thuyền “bé tẻo teo” thật sự là thú vui tao nhã, không gì có thể sánh bằng, sự tĩnh lặng và những cơn gió nhẹ sẽ dễ dàng làm người ta thư giãn và an nhiên hơn.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Bầu trời mùa thu trong xanh, hòa cùng với màu xanh của những ngõ trúc vẽ nên bức tranh làng quê thanh bình, trong trẻo và mát lành, từ đó có thể thấy được tình cảm của Nguyễn Khuyến dành cho làng quê của mình, ông yêu thích sự bình yên và thưởng thức cái xanh trong, mát lành của mùa thu.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Cảnh đẹp là vậy nhưng có vẻ như ngày đi câu hôm nay của Nguyễn Khuyến không mấy thành công, vì ông buông cần câu đã lâu mà chẳng thấy câu được con cá nào. Tuy nhiên, không phải trong ao không có cá, mà dưới chân bèo kia cá vẫn đớp động đấy thôi. Chứng tỏ rằng thực chất Nguyễn Khuyến đi câu mà chẳng phải câu, người đi câu lại không chú tâm vào việc đi câu. Nguyễn Khuyến đi câu giữa một không gian đẹp và thanh tịnh tuy vậy ông lại rất phân tâm, ông hết nhìn quanh quất khắp không gian từ mặt nước, đáy hồ đến ngõ vắng phía xa rồi nhìn lên tận trời cao, mây xanh. Hết nhìn quanh Nguyễn Khuyến lại như suy nghĩ điều gì mà những tiếng động nhỏ thôi cũng làm ông giật mình. Những cụm từ như “hơi gợn tí”, “khẽ đưa vèo”, “đớp động” cho thấy từng âm thanh nhỏ cũng làm Nguyễn Khuyến phải phân tâm, việc không tập trung vào câu cá chính là nguyên nhân dẫn đến một ngày câu không thành công của ông.
Hay thật sự mục đích của Nguyễn Khuyến không phải là đi câu, ông chỉ muốn tìm cho mình một chỗ tĩnh lặng để suy ngẫm về nhân tình, thế thái, chính vì vậy mà suốt buổi câu ông như “lạnh lẽo”, “lơ lửng” hờ hững với những chú cá đớp động kia. Có thể hiểu được tấm lòng của Nguyễn Khuyến, ông là một người yêu nước, thương dân trước cảnh đất nước rơi vào tay thực dân, ước muốn trị quốc bình thiên hạ của ông không thành, bất lực mà từ quan về quê nhưng cảnh nhà, việc nước vẫn canh cánh trong lòng. Đối lập với vẻ thanh tịnh, yên vắng của cảnh thu là đáy lòng đầy vướng bận, lửng lơ, gợn sóng của nhà thơ.
Qua bài thơ có thể thấy được sự tài tình của Nguyễn Khuyến trong việc sử dụng từ ngữ và cách gieo vần tử vận. Tử vận ở đây chính là vần “eo”, một vần khó gieo, khó nối tiếp vậy mà Nguyễn Khuyến có thể sử dụng trơn tru, xuyên suốt cả bài thơ. Điều đó chứng tỏ được vốn từ phong phú và cách sử dụng linh hoạt của ông.
Trong bài thơ cảnh thu làng quê Bắc Bộ được miêu tả chi tiết và trọn vẹn. Từng mảnh ghép từ dưới nước lên bờ đến trời cao được ghép lại tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh và trữ tình của mùa thu. Qua đó thấy được sự quan sát và cảm nhận tinh tế của Nguyễn Khuyến, cũng thấy được tình yêu nước, yêu quê hương sâu sắc của ông. Đứng trước cảnh đẹp thanh tao, trong trẻo như vậy đáy lòng ông vẫn vướng bận việc nước nhà mà không thể hết lòng tận hưởng, canh cánh nỗi lo về thế sự nước non làm cho cảnh mùa thu càng thêm đặc sắc, pha vào đó thêm sự u tịch, ảm đạm cho cảnh vắng vẻ của mùa thu.