Phân tích hương vị cốm qua bài Một thứ quà của lúa non – Cốm
Hướng dẫn
Thức quà nổi tiếng gắn với văn hóa ẩm thực của Việt Nam – Cốm được nhà văn Thạch Lam miêu tả đầy sinh động cả về hương vị và màu sắc trong tác phẩm Một thứ quà của lúa non – cốm. Em hãy phân tích hương vị cốm qua bài Một thứ quà của lúa non – Cốm.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả và tác phẩm: Tác phẩm “Một thứ quà của lúa non – Cốm” của nhà văn Thạch Lam được rút từ tập bút kí “Hà Nội băm sáu phố phường”, bài tùy bút đã nói về một món ăn văn hóa cổ truyền của người Việt Nam nói chung và người Hà Thành nói riêng – đó là cốm
2. Thân bài
-Hương vị cốm bắt nguồn từ nguyên liệu làm cốm: Sau khi nói về nguyên liệu làm ra cốm – một món quà của quê hương thanh nhã và tinh khiết, từ chính nguyên liệu làm ra cốm mà tạo nên hương vị đặc trưng của cốm, đó là sự thuần khiết, “nhuần thấm cái hương thơm của lá”, của vừng sen trên hồ mà cơn gió mùa hạ mang lại
-Hương vị cốm còn ảnh hưởng từ cách chế biến: Hương vị của cốm có được trọn vẹn, đủ đầy và chuẩn xác hay không phụ thuộc phần lớn vào cách chế biến cốm. Đây được coi là một bí mật gia truyền rất được “trân trọng và khắt khe giữ gìn”, và nổi tiếng gắp đất Hà thành chỉ có cốm làng Vòng mới là đặc sản chính hiệu, bàn tay của những cô gái làng Vòng đã khéo léo, tâm huyết làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy
-Hương vị cốm còn tùy vào cách thưởng thức cốm: Khi thưởng thức cốm, nếu ăn cùng một quả hồng thì đó mới là trọn vẹn hương vị, sự kết hợp giữa một thứ thanh đạm với một thứ ngọt sắc, “hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”.
3. Kết bài
Ý nghĩa của hương vị cốm: Có thể khẳng định cốm để nguyên chất vẫn là ngon và đầy vị nhất. Ngày nay, tất cả những cách thức chế biến cốm dưới các dạng khác nhau đều chỉ làm cho cốm bớt đi mùi thơm và chất dẻo vốn có mà thôi.
Bài viết liên quan đến tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm:
>>Giới thiệu về tác giả Thạch Lam và tác phẩm Một thứ quà của lúa non – cốm
>>Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm
>>Cảm nhận của em khi đọc bài Một thứ quà của lúa non – cốm
>>Phân tích cái hay ở văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm
>>Giới thiệu về tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm của tác giả Thạch Lam
II. Bài tham khảo
Tác phẩm “Một thứ quà của lúa non – Cốm” của nhà văn Thạch Lam được rút từ tập bút kí “Hà Nội băm sáu phố phường”, bài tùy bút đã nói về một món ăn văn hóa cổ truyền của người Việt Nam nói chung và người Hà Thành nói riêng – đó là cốm. Bằng những ngôn từ giản dị, mộc mạc và gần gũi, tác giả đã không chỉ cho chúng ta tìm hiểu về nguyên liệu làm cốm mà cho ta cảm nhận được hương vị của cốm.
Sau khi nói về nguyên liệu làm ra cốm – một món quà của quê hương thanh nhã và tinh khiết, từ chính nguyên liệu làm ra cốm mà tạo nên hương vị đặc trưng của cốm, đó là sự thuần khiết, “nhuần thấm cái hương thơm của lá”, của vừng sen trên hồ mà cơn gió mùa hạ mang lại. Nó còn có mùi thơm mát của bông lúa non ta ngửi thấy khi đi qua những cánh đồng xanh rì, những hạt thóc nếp đầu tiên làm cong cong cái thân lúa còn xanh tươi. Bên cạnh đó nó còn “phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ” được kết tinh trong hạt ngọc của trời, giọt sữa trắng thơm ấy được nắng ấm hong cho dần đông lại. Quả thật là Thạch Lam có sự quan sát rất tỉ mỉ, tinh tế và cách cảm nhận tài hoa, cách viết cũng rất nhẹ nhàng, đầy chất thơ, dường như tác giả đang rung động trước màu sắc và hương thơm dịu ngọt phảng phất ấy.
Hương vị của cốm có được trọn vẹn, đủ đầy và chuẩn xác hay không phụ thuộc phần lớn vào cách chế biến cốm. Đây được coi là một bí mật gia truyền rất được “trân trọng và khắt khe giữ gìn”, và nổi tiếng gắp đất Hà thành chỉ có cốm làng Vòng mới là đặc sản chính hiệu, bàn tay của những cô gái làng Vòng đã khéo léo, tâm huyết làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy. Cốm mang trong mình “hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam”.
Quả đúng vậy, hương sen, hương đồng nội rồi hương của hạt lúa nếp non, tất cả đều là những thứ giản dị, mộc mạc nhất, chân quê nhất trên mảnh đất Việt Nam này. Từng hạt cốm đã gói trọn vẹn những tinh túy của những hương vị đó, giữ trọn vẹn và trao gửi trọn vẹn tới người thưởng thức cốm. Khi thưởng thức cốm, nếu ăn cùng một quả hồng thì đó mới là trọn vẹn hương vị, sự kết hợp giữa một thứ thanh đạm với một thứ ngọt sắc, “hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”. Và ngay trong cách thưởng thức ta cũng cần ăn chút ít một “thong thả và ngẫm nghĩ” có như vậy ta mới cảm nhận được “thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ”. “Cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lị cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ”. Hương vị cốm quý giá và tinh hoa như vậy, chúng ta nên kính trọng, nhẹ nhàng mà nâng đỡ, vuốt ve.
Có thể khẳng định cốm để nguyên chất vẫn là ngon và đầy vị nhất. Ngày nay, tất cả những cách thức chế biến cốm dưới các dạng khác nhau đều chỉ làm cho cốm bớt đi mùi thơm và chất dẻo vốn có mà thôi. Chẳng dễ gì để giữ lại những cái xưa cũ, cổ truyền mãi nhưng đó là điều mà chúng ta cần phải trân trọng, bởi hương vị của cốm chính là hương vị của quê hương Việt Nam.
Theo Tapchivanhoc.com