Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm
Hướng dẫn
Một thứ quà của lúa non – Cốm viết về một món ăn, một thứ quà truyền thống gắn liền với văn hóa truyền thống – cốm. Anh chị hãy phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Thạch Lam và tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm: Bài tùy bút “Một thứ quà của lúa non – Cốm” nằm trong tập tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam, được xuất bản năm 1943. Bài văn đã viết về một thứ quà, một món ăn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, dân giã và đậm đà hương vị quê hương, đó chính là cốm
2. Thân bài
-Cảm nghĩ về nguồn gốc, nguyên liệu làm cốm: Mở đầu bài văn, tác giả không phô ra ngay vẻ đẹp và hương vị của cốm mà từ từ dẫn dắt người đọc đến với nguồn gốc, nguyên liệu làm nên thứ quà của lúa non này: “Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên mặt hồ,…, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời”.
-Cảm nghĩ về giá trị của cốm: Là một đất nước khởi nguồn bằng nền nông nghiệp lúa nước, cốm đã là sản vật gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc ta, chứa đựng giá trị tinh thần đời sống văn hóa của Việt Nam
-Cảm nghĩ về cách thưởng thức và hương vị của cốm: Cốm không chấp nhận những gì là phàm tục, chính vì vậy khi thưởng thức, cần ăn một chút một, nhẹ nhàng nâng niu, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, có như vậy mới cảm nhận trọn vẹn hương vị đất trời có trong cốm
3. Kết bài
Ý nghĩa của tác phẩm: Có thể nói, để có thể viết được những câu văn như vậy, tác giả đã có sự rung cảm thật sự, bài văn đã thể hiện lòng yêu mến chân thành của tác giả đối với món quà mang đậm hồn quê hương, đất nước.
Bài viết liên quan đến tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm:
>>Giới thiệu về tác giả Thạch Lam và tác phẩm Một thứ quà của lúa non – cốm
>>Phân tích hương vị cốm qua bài Một thứ quà của lúa non – Cốm
>>Cảm nhận của em khi đọc bài Một thứ quà của lúa non – cốm
>>Phân tích cái hay ở văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm
>>Giới thiệu về tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm của tác giả Thạch Lam
II. Bài tham khảo
Bài tùy bút “Một thứ quà của lúa non – Cốm” nằm trong tập tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam, được xuất bản năm 1943. Bài văn đã viết về một thứ quà, một món ăn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, dân giã và đậm đà hương vị quê hương, đó chính là cốm. Bằng tình cảm trân trọng, tác giả đã phát hiện và tôn vinh những nét đẹp văn hóa dân tộc được ẩn chứa trong thứ quà đặc biệt ấy.
Mở đầu bài văn, tác giả không phô ra ngay vẻ đẹp và hương vị của cốm mà từ từ dẫn dắt người đọc đến với nguồn gốc, nguyên liệu làm nên thứ quà của lúa non này: “Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên mặt hồ,…, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời”. Có thể giải thích nguyên liệu làm cốm bằng một câu đơn giản và ngắn gọn rằng cốm được làm từ lúa non, nhưng không tác giả đã tạo ra cả một đoạn văn giàu nghệ thuật với những hình ảnh, từ ngữ đẹp đẽ, trau chuốt lạ thường.
Dường như tác giả đã vận dụng tối đa khả năng của các giác quan để cảm nhận nguồn gốc thiên nhiên thuần khiết, trong sạch và thanh cao của cốm. Tìm hiểu về cách làm ra cốm, tác giả không đi quá sâu vào vấn đề này mà chỉ nói những chi tiết nổi bật: “Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được,…các cô gái làng Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy…”.
Ở vùng đất Hà thành, có rất nhiều làng nghề làm cốm, nhưng đặc sản nhất và nổi tiếng nhất vẫn là cốm làng Vòng, cốm ở đây nổi tiếng dẻo và thơm nhất. Mỗi độ thu sang, người ta lại nhớ đến cốm Vòng, lại trông ngóng những cô gái hàng cốm với quần áo gọn gàng, gánh hai đầu hàng cốm cong vút như thuyền rồng đi nhịp nhàng, uyển chuyển.
Bằng tất cả sự trân trọng và yêu mến đối với cốm, tác giả đã làm nổi bật giá trị của cốm: “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước,…, làm cho lòng nhẹ nhõm và phơi phới”. Là một đất nước khởi nguồn bằng nền nông nghiệp lúa nước, cốm đã là sản vật gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc ta, chứa đựng giá trị tinh thần đời sống văn hóa của Việt Nam. Cuối cùng tác giả bàn đến cách thưởng thức cốm, vì cốm là thức quà thanh nhã nên “nó không phải là thức quà của người vội,…, cũng như trời sinh ra cốm nằm ủ trong lá sen…”.
Cốm không chấp nhận những gì là phàm tục, chính vì vậy khi thưởng thức, cần ăn một chút một, nhẹ nhàng nâng niu, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, có như vậy mới cảm nhận trọn vẹn hương vị đất trời có trong cốm. Chẳng quá đáng khi tác giả khuyên những người mua cốm rằng: “Chớ có thọc tay hay mân mê thức quà thần tiên ấy,…, và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm”.
Có thể nói, để có thể viết được những câu văn như vậy, tác giả đã có sự rung cảm thật sự, bài văn đã thể hiện lòng yêu mến chân thành của tác giả đối với món quà mang đậm hồn quê hương, đất nước. Từ một món ăn dân giã truyền thống tác giả đã đề cập đến những đièuu sâu xa trong cuộc sống.
Theo Tapchivanhoc.com