Bình giảng về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 12 tuyển chọn
Hướng dẫn
Đề bài: Mộ (Chiều tối) là một trong những bài thơ đặc sắc nhất được in trong cuốn “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, tác phẩm thể hiện rõ nét chân dung của người chiến sĩ thiết tha yêu đời. Anh chị hãy bình giảng về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh để thấy được những đặc sắc về nội dung của bài thơ này.
I. Dàn ý chi tiết cho đề bình giảng bài thơ Chiều tối
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: Chiều tối là bài thơ số 31 của tập Nhật kí trong tù, đây cũng là một trong những bài thơ đặc sắc nhất thể hiện được tài năng, tâm hồn của Bác – người chiến sĩ cách mạng có tấm lòng cao cả, giàu yêu thương.
2. Thân bài
– Mở đầu bài thơ Bác đã mở ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên rộng lớn, vắng lặng khi chiều tà.
– Trong không gian rộng lớn của vùng sơn cước, hình ảnh cánh chim mỏi mệt, đám mây cô đơn đã điểm xuyết, mang đến những cảm xúc đầu tiên cho bài thơ.
– Hình ảnh cánh chim mỏi mệt càng gợi ra cái rộng lớn, trống vắng của không gian, dấu hiệu để nhận biết thời gian.
–> trạng thái này của cánh chim cũng tạo nên sự hô ứng với tình trạng của người tù trên đường chuyển lao.
– Đám mây cô đơn nhẹ trôi trên không gian rộng lớn của bầu trời cũng như chính tâm trạng cô đơn của người tù trong không gian rộng lớn của vùng sơn cước.
– Bên trong bức tranh thiên nhiên là những cảm nhận đầy độc đáo về sự sống, cũng thể hiện được tâm hồn tinh tế, tấm lòng giàu yêu thương Bác.
– Hình ảnh cô thôn nữ xuất hiện đã xua đi màn đêm u tối, hoang vắng của vùng sơn cước mà mang đến ánh sáng đầy ấm áp của sự sống.
– Hình ảnh lò than rực đỏ đã xua đi cái lạnh lẽo, u buồn của khung cảnh chiều tối mà mang đến một luồng sinh khí mới làm cho bài thơ như sáng bừng lên, thành công chuyển đổi cảm xúc cho toàn bài thơ.
– Qua bức tranh thiên nhiên và bức tranh về sự sống của con người, độc giả còn cảm nhận được bức tranh tâm hồn đẹp đẽ của Bác.
3. Kết bài
Chiều tối là bài thơ đặc sắc điển hình cho phong cách sáng tác của Hồ Chí Minh. Bút pháp cổ điển kết hợp với tinh thần hiện đại đã mang đến bức tranh chiều tối đầy thành công, ấn tượng.
Bài liên quan đến bài thơ Chiều tối:
>>Phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
>>Bình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh – Bài văn của cô giáo Thu Huyền chuyên văn Nguyễn Huệ
>>Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh để làm nổi bật vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại của bài thơ
>>Phân tích bài thơ Chiều tối ( Mộ ) của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 12 tuyển chọn
II. Bài tham khảo cho đề bình giảng bài thơ Chiều tối
Chiều tối là bài thơ số 31 của tập Nhật kí trong tù, đây cũng là một trong những bài thơ đặc sắc nhất thể hiện được tài năng, tâm hồn của Bác – người chiến sĩ cách mạng có tấm lòng cao cả, giàu yêu thương. Chiều tối vừa mang màu sắc cổ điển lại vừa mang tinh thần hiện đại đầy mới mẻ đã tái hiện đầy sống động bức tranh chiều tối đồng thời mang đến cái nhìn rõ nét về tâm hồn cao cả cùng niềm tin mãnh liệt vào tương lai, sự sống của Người.
Mở đầu bài thơ Bác đã mở ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên rộng lớn, vắng lặng khi chiều tà:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Dịch:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Trong không gian rộng lớn của vùng sơn cước, hình ảnh cánh chim mỏi mệt, đám mây cô đơn đã điểm xuyết, mang đến những cảm xúc đầu tiên cho bài thơ. Có thể thấy cánh chim và đám mây cô đơn là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca xưa để gợi tả nỗi buồn da diết, trầm lắng, do đó khi xuất hiện trong “Chiều tối” nó góp phần làm cho bức tranh thơ mang đậm màu sắc cổ điển.
Hình ảnh cánh chim mỏi mệt càng gợi ra cái rộng lớn, trống vắng của không gian, dấu hiệu để nhận biết thời gian. Cánh chim sau một ngày rong ruổi trên bầu trời cũng đã trở nên mỏi mệt, trạng thái này của cánh chim cũng tạo nên sự hô ứng với tình trạng của người tù trên đường chuyển lao, nó gợi ra những bước chân mỏi mệt cùng với xiềng xích, gông cùm.
Đám mây cô đơn nhẹ trôi trên không gian rộng lớn của bầu trời cũng như chính tâm trạng cô đơn của người tù trong không gian rộng lớn của vùng sơn cước. Bên trong bức tranh thiên nhiên là những cảm nhận đầy độc đáo về sự sống, cũng thể hiện được tâm hồn tinh tế, tấm lòng giàu yêu thương Bác.
“ Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
Dịch:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Những hình ảnh xuất hiện trong hai câu thơ sau của bài thơ tuy bình dị nhưng lại gợi ra những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Hình ảnh cô thôn nữ xuất hiện đã xua đi màn đêm u tối, hoang vắng của vùng sơn cước mà mang đến ánh sáng đầy ấm áp của sự sống. Người con gái ấy đang trong công việc lao động hàng ngày – xay ngô tối mang đến hơi ấm của một cuộc sống đời thường, bình dị nhưng yên vui, an nhiên giữa vùng sơn cước.
Hình ảnh lò than rực đỏ đã xua đi cái lạnh lẽo, u buồn của khung cảnh chiều tối mà mang đến một luồng sinh khí mới làm cho bài thơ như sáng bừng lên, thành công chuyển đổi cảm xúc cho toàn bài thơ. Qua bức tranh thiên nhiên và bức tranh về sự sống của con người, độc giả còn cảm nhận được bức tranh tâm hồn đẹp đẽ của Bác – người chiến sĩ cách mạng có tình yêu sâu sắc với cuộc đời, có những rung động đầy tinh tế với sự sống. Trong những hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo nhất Bác vẫn luôn ạc quan, yêu đời và thể hiện niềm tin mãnh liệt vào ánh sáng hạnh phúc của tương lai, vận mệnh tốt đẹp của đất nước khi cách mạng thành công.
Chiều tối là bài thơ đặc sắc điển hình cho phong cách sáng tác của Hồ Chí Minh. Bút pháp cổ điển kết hợp với tinh thần hiện đại đã mang đến bức tranh chiều tối đầy thành công, ấn tượng.
Theo Tapchivanhoc.com