Phân tích bài thơ Chiều tối ( Mộ ) của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 12 tuyển chọn
Hướng dẫn
Chiều tối ( Mộ) là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong cuốn Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, bài thơ đã thể hiện được chân dung tinh thần của Người trong hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo nhất. Anh chị hãy phân tích bài thơ Chiều tối ( Mộ) trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.Từ đó nêu cảm nghĩ của em về phong cách nghệ thuật trữ tình của Bác thể hiện trong bài thơ.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích bài thơ Chiều tối
1. Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm: Chân dung tâm hồn của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét trong “Nhật kí trong tù”, đặc biệt là qua bài thơ Chiều tối ( Mộ) củaNgười.
2. Thân bài
– Chiều tối ( Mộ) được sáng tác trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là khi Bác bị chuyển lao từ TĩnhTây đến nhà lao Thiên Bảo
– Bức tranh chiều tối được nhìn qua lăng kính của người tù cổ đeo gong, chân mang xiềng xích
– Không gian chiều tối đi vào thơ văn kim cổ gắn với nỗi buồn man mác:
+ Cánh chim mỏi mệt cũng tìm chốn ngủ sau một ngày chao liệng mệt mỏi trên bầu trời
+ Trong không gian rộng lớn, tĩnh lặng của khoảng không chỉ còn lại đám mây cô đơn lặng lẽ trôi.
– Bức tranh thiên nhiên với đám mây cô đơn, cánh chim mỏi mệt như một sự hô ứng thú vị với hoàn cảnh của người tù với những bước chân mỏi mệt của người tù vẫn phải bước đi trong đơn độc, lạc lõng giữa nơi đất khách.
– Xiềng xích có thể “giam giữ” về tự do nhưng lại chẳng thể ngăn cản được tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống cùng với tinh thần luôn hướng về sự sống của Người
– hai câu thơ cuối của bài, Bác lại hướng ngòi bút đến sự sống của con người lao động vùng sơn cước.
– Cô thôn nữ hiện lên như một điểm sáng ấm áp đẩy lùi cái cô quạnh, lạnh lẽo của khung cảnh rừng núi khi chiều về
– Bức tranh trở nên ấm áp bởi chính sự xuất hiện của sự sống con người, của ánh hồng bếp lửa. Nhịp sống bình dị, đơn sơ nhưng lại có thể thắp lên ngọn lửa sự sống, niềm tin mạnh mẽ trong tâm hồn của người tù
3. Kết bài
Qua bài thơ, ta không chỉ thấy được bức tranh thiên nhiên rộng lớn,sức lan tỏa hơi ấm của sự sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất mà còn cảm nhận chân thực chân dung tâm hồn tuyệt đẹp của Bác- người hết lòng vì dân vì nước và một lòng tin tưởng vào sự sống tốt đẹp trong tương lai.
Bài liên quan đến bài thơ Chiều tối:
>>Phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
>>Bình giảng về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 12 tuyển chọn
>>Bình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh – Bài văn của cô giáo Thu Huyền chuyên văn Nguyễn Huệ
>>Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh để làm nổi bật vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại của bài thơ
II. Bài tham khảo cho đề phân tích bài thơ Mộ
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã phải nếm trải vô vàn những khó khăn, cực khổ. Đã có nhiều lần Người bị bắt giam, chuyển lao từ nhà tù này đến nhà tù khác. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt như thế nào thì vị lãnh tụ vĩ đại ấy vẫn luôn lạc quan và có niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng của dân tộc. Chân dung tâm hồn của người được thể hiện rõ nét trong “Nhật kí trong tù”, đặc biệt là qua bài thơ Chiều tối ( Mộ) của người.
Chiều tối ( Mộ) được sáng tác trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là khi Bác bị chuyển lao từ TĩnhTây đến nhà lao Thiên Bảo. Bức tranh chiều tối được nhìn qua lăng kính của người tù cổ đeo gong, chân mang xiềng xích:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Dịch:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Không gian chiều tối đi vào thơ văn kim cổ gắn với nỗi buồn man mác, bởi đây là thời điểm khá đặc biệt trong ngày, khi bóng đêm buông xuống cũng là khi gia đình đoàn tụ, sum họp, đó cũng chính là khoảnh khắc cô đơn nhất của người lữ khách khi phải xa quê hương, gia đình. Cánh chim mỏi mệt cũng tìm chốn ngủ sau một ngày chao liệng mệt mỏi trên bầu trời, trong không gian rộng lớn, tĩnh lặng của khoảng không chỉ còn lại đám mây cô đơn lặng lẽ trôi. Bức tranh thiên nhiên với đám mây cô đơn, cánh chim mỏi mệt như một sự hô ứng thú vị với hoàn cảnh của người tù với những bước chân mỏi mệt của người tù vẫn phải bước đi trong đơn độc, lạc lõng giữa nơi đất khách.
Qua hai câu thơ đầu tiên, ta cũng cảm nhận được một tâm hồn đầy nhạy cảm, tinh tế của người thi nhân. Trong hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt như vậy nhưng Người vẫn luôn lạc quan, đối diện với tư thế ung dung, lạc quan. Xiềng xích có thể “giam giữ” về tự do nhưng lại chẳng thể ngăn cản được tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống cùng với tinh thần luôn hướng về sự sống của Người:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
Dịch:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng
Nếu như hai câu thơ đầu, Hồ Chí Minh đã gợi ra khung cảnh chiều muộn với sự mênh mông, cô quạnh của rừng núi thì trong hai câu thơ cuối của bài, Bác lại hướng ngòi bút đến sự sống của con người lao động vùng sơn cước. Đó chính là hình ảnh lao động hăng say, khỏe khoắn của cô thôn nữ xay ngô tối, sự xuất hiện bất ngờ này đã chuyển hướng cảm xúc cho bài thơ,. Cô thôn nữ hiện lên như một điểm sáng ấm áp đẩy lùi cái cô quạnh, lạnh lẽo của khung cảnh rừng núi khi chiều về. Cả bức tranh thơ cũng trở nên sinh động hơn, vui tươi hơn.
Bức tranh trở nên ấm áp bởi chính sự xuất hiện của sự sống con người, của ánh hồng bếp lửa. Nhịp sống bình dị, đơn sơ nhưng lại có thể thắp lên ngọn lửa sự sống, niềm tin mạnh mẽ trong tâm hồn của người tù.
Bức tranh thiên nhiên mang đậm màu sắc cổ điển nhưng lại được chấm phá bởi những cảm xúc, tinh thần đầy mới mẻ, hiện đại mà nét đặc sắc mà Hồ Chí Minh đã truyền tải được trong bài thơ này. Qua bài thơ, ta không chỉ thấy được bức tranh thiên nhiên rộng lớn,sức lan tỏa hơi ấm của sự sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất mà còn cảm nhận chân thực chân dung tâm hồn tuyệt đẹp của Bác- người hết lòng vì dân vì nước và một lòng tin tưởng vào sự sống tốt đẹp trong tương lai.
Theo Tapchivanhoc.com