Vẻ đẹp tâm hồn của Liên qua ngòi bút của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ
Trong truyện ngắn nhà văn luôn chọn một nhân vật để làm điểm nhìn cho tác phẩm của mình. Tất cả những sự kiện tình tiết hay biến cố đều được nhìn nhận và đánh giá qua góc nhìn của nhân vật ấy. Nếu như Nguyễn Thi chọn điểm nhìn qua nhân vật Việt trong truyện ngắn những đứa con trong gia đình thì Thạch Lam chọn nhân vật Liên để nhìn nhận sự kiện tình tiết trong tác phẩm hai đứa trẻ. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Liên – một cô gái vẫn còn rất nhỏ nhưng sớm thấm nhuần được sự cực khổ của miền quê mình.
Chọn Liên là điểm nhìn tác phẩm nhà văn cho thấy dụng ý của mình. Tại sao lại không chọn An một trong hai nhân vật chính của truyện. Điều này cũng rất dễ lý giải bởi vì An còn quá nhỏ thì không thể nào cảm nhận được hết những hiện thực diễn ra. Hay cũng không thể chọn chị Tý hay Bác Siêu vì họ mải mê kiếm tiền và không hiểu hết được những cảm nhận của hai đứa trẻ. Vậy cho nên chỉ có thể là Liên.
Chính cuộc sống và hoàn cảnh gia đinh đã khiến cho Liên có một vẻ đẹp tâm hồn nhất định. Liên trước kia sống ở Hà Nội và có một cuộc sống khá đày đủ nhưng do cha thất nghiệp nên cả nàh phải dọn về quê ngoại sinh sống tại đây Liên được trải qua cuộc sống mưu sinh cho nên sớm hiểu chuyện và cảm nhận được những vất vả của cuộc đời con người. Có lẽ chính vì thế mà Liên hình thành những vẻ đẹp tâm hồn mình một cách hoàn thiện nhất.
Trước hết Liên là một cô gái nhạy cảm. Là một cô gái còn nhỏ và sơm phải bước vào cuộc sống mưu sinh, sống nơi phố huyện nghèo ảm đạm Liên cảm nhận được rất nhiều thứ. Có thể nói chỉ những người có tâm hồn nhạy cảm mới cảm nhận được cái buồn phảng phất của cảnh tượng phố huyện.Cảnh tượng phố huyện cứ hiện lên qua con mắt của Liên, nói cách khác Liên đang dẫn người đọc bước đi cùng dòng thời gian từ cảnh chiều tàn, chợ tàn cho đến đêm tối và đoàn tàu từ hà Nội về.
Cảnh phố huyện khi chiều về với tiếng trống thu không trên cái chòi của phố huyện văng ra để gọi buổi chiều và những hình ảnh của dãy tre làng, mặt trời đỏ rực. Không chỉ có màu sắc mà bức tranh phố huyện nghèo còn hiện lên với những âm thanh như tiếng muỗ vo ve, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng hay nhịp điệu chiều về qua câu văn “chiều, chiều rồi”. Tất cả những điều ấy được nhìn qua ánh mắt của Liên, cảm nhận bằng giác quan của Liên. Phải nói Liên quả thật là một cô gái nhạy cảm lắm mới có thể cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên quê hương đẹp êm ả như ru đến như thế. Không những thế bức tranh ấy giống như một bức họa đồng quê giản dị đơn sơ mộc mạc nhưng lại đậm chất thơ và nhạc. Tuy nhiên bức họa đồng quê ấy cũng mang một nét buồn phảng phất “Liên không hiểu sao lòng mình buồn man mác”. Trước hình ảnh thiên nhiên của phố huyện Liên cảm thấy lòng mình buồn. Tại sao ư? Có lẽ là tại cảnh tượng đó đẹp nhưng nó ấn định cái nghèo, xơ xác, cái tiêu điều trên từng cảnh vật khiến cho tâm trạng của Liên thấy buồn man mác.
Không những thế đến cảnh chợ tàn điểm nhìn Liên lại cho ta thấy được những cảnh tượng của rác rưởi vỏ bưởi vỏ thị. Đặc biệt chi tiết thể hiện rõ sự nhạy cảm của tâm hồn Liên chính là chi tiết Liên cảm nhận được cái mùi âm ẩm bốc lên. Đó có lẽ là mùi của đất cát và đó cũng chính là mùi quê hương.
Đến đêm tối về Liên cảm nhận được những hột sáng, khe sáng leo lắt phát ra từ đèn của bác phở Siêu hay ngọn đèn chị Tý. Nhưng những ánh sáng ấy cũng không thể nào xua tan đi được bóng tối. “Tối hết cả. đường từ nhà ra sông”. Thế nhưng tâm hồn liên vẫn cứ ngập tràn trong ánh sáng của “những ngôi sao ganh nhau lấp lánh”. Và cứ thế “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát” đã thể hiện sự nhạy cảm trong tâm hồn liên.
Hay khi ánh đèn của xe lửa về, Liên cảm nhận được sự sang trọng trong những toa có điện sáng trưng và những người lố nhố trên đó. Nó khiến cho Liên được an ủi và nhớ về những kỉ niệm khi còn được sung túc. Phải nói liên nhạy cảm lắm thì mới có thể lấy niềm vui từ ánh sáng của chiếc xe lửa để nhớ lại những kí ức đẹp của tuổi thơ.
Không chỉ là một cô gái nhạy cảm Liên còn là một cô gái giàu lòng yêu thương con người. Cụ thể là chị thấy hình ảnh những đứa trẻ nghèo lang thang lom khom nhặt nhạnh những mảnh nứa mảnh tre còn sử dụng được. Nhìn thấy chúng Liên thương lắm nhưng hoàn cảnh của Liên cũng chắng hơn gì chúng nó. Liên thương bà cụ Thi điên nên đã rót đầy cốc rượu cho bà. Đó chỉ là một cử chỉ nhỏ để Liên xót thương cho số phận một người đàn bà đã già mà không nơi nương tựa. Không chỉ vậy Liên còn thương cho mẹ con chị Tý sáng vất vả mò cua bắt tép chiều tối về lại dựng quán nước bán tới tận đêm. Liên thương gia đình bác Sẩm hát dong nhưng chưa hát vì không có khách hay bác Siêu dọn gánh hàng nhưng cũng chưa ai ăn vì theo Liên thì phở của bác là một món quà xa xỉ tại nơi phố huyện nghèo này. Có lẽ chính hoàn cảnh đã khiến cho Liên đồng cảm với những số phận con người ấy.
Vẻ đẹp tâm hồn còn được thể hiện qua khoảnh khắc cố thức đợi đoàn tàu từ Hà Nội về. Cụ thể là nét đẹp của một cô bé sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn nhớ về quá khứ và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Nếu như những người dân trong phố huyện đợi đoàn tàu về để kiếm thêm vài đồng mưu sinh thì chị em Liên đợi đoàn tàu về để hưởng lấy thứ ánh sáng mà phố huyện này không có. Đoàn tàu như thắp sáng cho niềm tin về một tương lai đầy ắp ánh sáng hi vọng ấy. Đoàn tàu cũng gợi nhắc cho Liên về một quá khứ với ban đêm đi chơi bờ hồ được ăn những cốc kem xanh đỏ mát lạnh.
Nói tóm lại truyện ngắn hai đứa trẻ nổi bật lên hình ảnh nhân vật Liên với những nét đẹp tâm hồn đáng quý. Dù sống trong nơi bùn lầy nước đọng, sống trong khốn khó và mưu sinh nhưng bóng tối, nghèo khổ của phố huyện không làm giảm đi sự mộng mơ lãng mạn nhạy cảm của một cô gái mới lớn cũng như lòng thương người và khát khao về một tương lai tươi sáng. Trái lại nó còn làm cho những nét đẹp tâm hồn ấy sáng lên mạnh mẽ dạt dào hơn.
Nguồn: Kênh văn mẫu