[Văn mẫu tuyển chọn] Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
– Nhận xét chung
2. Thân bài:
* Giải thích:
– Vô cảm được hiểu nôm na là không có cảm xúc
– Vô cảm là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, vô tâm trước hoàn cảnh của người khác
* Biểu hiện:
– Thấy một người ăn xin tỉnh bơ đi qua, thậm chí họ đã đưa tay xin giúp nhưng vẫn lạnh nhạt không quan tâm.
– Thấy bạn bè gặp khó khăn đã không giúp đỡ lại còn mỉa mai chế giễu.
– Trong việc làm nhóm, luôn tỏ thái độ bất cần, xem như đây không phải là nhiệm vụ của mình.
– Thấy người già đang loay hoay muốn băng qua đường mà vẫn thản nhiên đi qua như không nhìn thấy gì.
=>Dường như, họ đang sống theo quan niệm: “Đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, ích kỉ, thiếu tính cộng đồng.
* Nguyên nhân:
– Cha mẹ chưa có sự định hướng giáo dục rõ ràng cho con trẻ
– Nhà trường chú trọng quá nhiều đến việc giảng dạy kiến thức khiến cho sự giáo dục về đạo đức bị bỏ quên: chỉ chú trọng đến các môn học tự nhiên như Toán, Lí, Hóa mà quên đi những môn học giúp hoàn thiện và nâng cao nhân cách của học sinh như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử,…
– Do bản thân thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại
* Tác hại:
– Con người bị mai một nhân cách, dần đánh mất đi lương tâm của mình.
– Các quan chức nhà nước sẵn sằng giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ, tư túi, tham ô tiền, đã gián tiếp đẩy đất nước đến bờ vực của suy vong, chẳng còn ai lo cho lợi ích chung của cộng đồng dân tộc.
– Chính những ai đang “giữ” cho mình thói vô cảm, thờ ơ trước mọi chuyện đang diễn ra xung quanh mình cũng rất dễ dàng bị mọi người xa lánh, ghét bỏ.
* Phản đề:
– Bên cạnh những người chỉ biết sống vô tâm, thờ ơ trước hoàn cảnh của người khác thì cũng còn rất nhiều những trái tim nhân ái yêu thương luôn sẵn sàng quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những hành động đẹp cần được lan tỏa rộng rãi để nhân rộng lối sống san sẻ yêu thương đến tất cả mọi người
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận
– Rút ra bài học nhận thức cá nhân
Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
Bài làm tham khảo
Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình thương của con người. Có lẽ đó là một nhận định hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở rõ ràng. Thế giới vận hành trên mối tương quan tình cảm giữa con người với con người. Cũng vì vậy hai chữ “vô cảm” đã và đang trở thành bức tường không lối thoát ngăn cách giữa người với người. Càng ngày nó càng trở thành một “căn bệnh” quái ác bủa vây cuộc sống và việc làm nhất thiết ngay lúc này là phải đẩy lùi căn bệnh đó ra khỏi cuộc sống tốt đẹp của con người.
Trước khi đẩy lùi bất kì điều gì thì trước tiên cần phải hiểu cặn kẽ về bản chất và nguyên nhân của nó. Vô cảm được hiểu nôm na là không có cảm xúc.Vô cảm là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, vô tâm trước hoàn cảnh của người khác. Thấy người khác gặp khó khăn nguy hiểm mà vẫn dửng dưng thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra. Đó là thái độ lạnh nhạt, không mảy may xúc động trước nỗi thống khổ của người khác.
Vô cảm là “căn bệnh quái ác”, hiện hữu, tồn tại xung quanh cuộc sống qua những hàng động, thái độ cử chỉ thường ngày. Thấy một người ăn xin tỉnh bơ đi qua, thậm chí họ đã đưa tay xin giúp nhưng vẫn lạnh nhạt không quan tâm. Thấy bạn bè gặp khó khăn đã không giúp đỡ lại còn mỉa mai chế giễu.Bạn bè đi vào con đường sai trái mà vẫn nhẹ bẫng bỏ qua, không khuyên ngăn, nhắc nhở. Thậm chí là trong việc làm nhóm, luôn tỏ thái độ bất cần, xem như đây không phải là nhiệm vụ của mình. Thấy hàng xóm gặp nạn mà coi như không có chuyện gì xảy ra. Thấy người già đang loay hoay muốn băng qua đường mà vẫn thản nhiên đi qua như không nhìn thấy gì. Tận mắt chứng kiến cảnh bạo hành mà không cầm máy gọi cho cơ quan chức năng, ngược lại còn quay phim, ghi âm tung lên các trang mạng xã hội để câu like. Dường như, họ đang sống theo quan niệm: “Đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, ích kỉ, thiếu tính cộng đồng. Họ không biết vui trước niềm vui của người khác, không biết đau trước những nỗi đau của con người, chỉ lo nghĩ tới bản thân mình, sống xa lánh mọi người.
Bệnh vô cảm hình thành trước hết là do những hệ lụy từ phía gia đình và nhà trường. Cha mẹ chưa có sự định hướng giáo dục rõ ràng cho con trẻ, đẩy chúng vào lối mòn tiêu cực: luôn “chăm sóc” cho lợi ích của cá nhân mà không hề bén mảng đến những người xung quanh mình. Nhà trường chú trọng quá nhiều đến việc giảng dạy kiến thức khiến cho sự giáo dục về đạo đức bị bỏ quên. Đặc biệt là thái độ chỉ chú trọng đến các môn học tự nhiên như Toán, Lí, Hóa mà quên đi những môn học giúp hoàn thiện và nâng cao nhân cách của học sinh như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử,…Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân cũng một phần xuất phát từ mỗi cá nhân. Do bản thân thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại. Họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình.
Sống vô cảm quả thực là hành vi đáng khiển trách bởi những tiêu cực mà nó gây ra. Cũng chính vì vô cảm mà con người bị mai một nhân cách, dần đánh mất đi lương tâm của mình. Các quan chức nhà nước sẵn sằng giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ, tư túi, tham ô tiền, đã gián tiếp đẩy đất nước đến bờ vực của suy vong, chẳng còn ai lo cho lợi ích chung của cộng đồng dân tộc. Thậm chí, chính căn bệnh vô cảm là hệ lụy của một thế hệ học sinh tuy giỏi chữ mà nhân cách lại gàn dở. Và như thế, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Chính những ai đang “giữ” cho mình thói vô cảm, thờ ơ trước mọi chuyện đang diễn ra xung quanh mình cũng rất dễ dàng bị mọi người xa lánh, ghét bỏ.
Như vậy, thái độ sống vô cảm trong xã hội hiện nay cần phải bài trừ và loại bỏ. Bản thân mỗi chúng ta cần phải sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người. Hãy biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái! Hãy yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình! Đồng thời, các ngành giáo dục và xã hôi cần phải có những biện pháp để tuyên truyền, giúp đỡ mọi người cùng nhau biết quan tâm, yêu thương, hy sinh và giúp đỡ đồng loại.
Bên cạnh những người chỉ biết sống vô tâm, thờ ơ trước hoàn cảnh của người khác thì cũng còn rất nhiều những trái tim nhân ái yêu thương luôn sẵn sàng quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những hành động đẹp cần được lan tỏa rộng rãi để nhân rộng lối sống san sẻ yêu thương đến tất cả mọi người.
Hãy biết trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương bởi lẽ chỉ có như vậy cuộc sống của chúng ta mới trở nên tốt đẹp hơn, con người gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Dù sớm hay muộn, ai cũng sẽ cần đến sự yêu thương và sẻ chia từ những người xung quanh nhưng nếu chúng ta luôn khăng khăng giữ trong mình thái độ tiêu cực, chỉ muốn vụ lợi bản thân thì chắc chắn lúc hoạn nạn khó khăn sẽ không có cánh tay nào sẵn sàng giúp đỡ bạn đâu! Như vậy, vô cảm là một thái độ tiêu cực trong lối sống thường ngày cần bài trừ ra khỏi xã hội nhanh chóng.
Lê Thị Thư