Nét độc đáo trong bài thơ “Hầu Trời”
Gợi ý
Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939) người làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì, Hà Tây) được coi là nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ XX. Điệu hồn mới mẻ, cái Tôi lãng mạn bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương, ưu ái trong thơ vãn ông đã chinh phục thế hệ độc giả mới đầu thế kĩ XX. Tản Đà có lối đi riêng, vừa tìm về với ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc, vừa có những sáng tác độc đáo tài hoa. Bài thơ “Hầu trời” in trong tập “Còn chơi” xuất bản lần đầu năm 1921. Nét độc đáo của bài thơ là sự tự biểu hiện một cách mạnh dạn của Tản Đà cái Tôi cá nhân, một cái tôi ngông, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khát khao được khẳng định mình giữa cuộc đời.
Hoài Thanh và Hoài Chân trong bài “Cung chiêu anh hồn Tản Đà” đã viết những lời trân trọng: "… Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn 20 năm trước, đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mỏ đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa”. Tản Đà được coi là gạch nối của hai thế hệ bởi trong thơ ông, người ta đã nhận ra những dấu hiệu cách tân, sáng tạo vượt ra ngoài khuôn sáo cũ:
“Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một phút trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”.
Và đặc biệt là sự xuất hiện và khẳng định một cách mãnh liệt cái Tôi cá nhân ngang tàng, ngạo nghễ khác biệt với cái Tôi phi ngã thời trung đại. Là một nhà nho tài tử, Tản Đà coi trọng tài tình, dám sống theo bản ngã theo cái tôi của mình, có cá tính khác người. Tản Đà tự nhận mình là “ngồng” và ông sống theo cái chữ ngông đó. Ngông khi nói về bản thân mình, khẳng định tài năng của mình:
“Sông Đà, núi Tản đúc nên ai
Trần thế xưa nay được mấy người?”
Ngông với khát khao bồi lại tấm địa đồ rách, với ý tưởng không giống ai:
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi”.
Ngông ngay cả với những thất bại của chính bản thân mình:
“Vùng đắt Sơn Tây này một ông,
Tuổi chưa bao nhiêu văn rất hùng,
Sông Đà núi Tản ai hun đúc,
Bút thánh câu thần sớm vãi vung…
Bởi ông hay quá ông không đỗ,
Không đỗ ông căng tốt bộ ngông!”
Cái Tôi cá nhân đã tạo cho Tản Đà một “giọng điệu phóng túng riêng” khiến cho người ta có thể dễ đàng nhận diện. Đó cũng chính là những gì ta gặp trong “Hầu trời”. Cái Tôi cho ta thấy bản lĩnh của một người dám sông là chính mình và tự tin với những gì mình có.
Ngay từ tựa đề bài thơ đã mang lại cho người đọc sự độc đáo, mới lạ. Đối tượng được Tản Đà hướng đến ở đây là trời chứ không phải bất cứ thứ gì khác. Trời là sản phẩm của trí tưởng. Đó là vị đại diện cho sức mạnh siêu nhiên tối cao nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vậy mà Tản Đà lại đưa ra ý tưởng mình được Trời gọi lên để hầu trời, để đọc thơ mình cho trời nghe. Thật là một ý tưởng ngông chỉ có thể có ở Tản Đà mà thôi. Với tài hư câu nghệ thuật độc đáo và có duyên, Tản Đà dựng lên câu chuyện kể về một giấc mơ, mơ thì tất nhiên là không có thực nhưng nói câu chuyện mơ mà lại tự nhiên như một câu chuyện thực vậy. Theo như lời ông kể thì việc lên hầu trời có nguyên nhân:
“Trời nghe hạ giới ai ngâm nga
Tiếng ngâm vang cả sông Ngận Hà
Làm Trời mất ngủ
Trời đương mắng
Có hay lên đọc trời nghe qua”.
Những tiếng thơ của Tản Đà có sức mạnh đến mức có thể bay lên tận trời, làm trời phải để tâm mà mời lên trên thiên đình để đọc thơ cho Trời và các chư tiên nghe. Đã có ai được hưởng niềm vinh hạnh ấy như Tản Đà? Và buổi đọc thơ diễn ra thật suôn sẻ cho “diễn giả”. Thi sĩ rất cáo hứng và có phần tự đắc: “Đương cơn đắc ý đọc đã thích”; thậm chí còn không ngần ngại mà tự nhận: “Văn dài hơi tốt ran cung mây”, “Văn đã giàu thay lại lắm lôi”. Một cách cụ thể và có phần khoe khoang, thi sĩ đã minh chứng cho nhà trời bằng hàng loạt “Những áng văn con in cả rồi” của mình, từ Khối tình, Khôi tình con; Thần tiên, Giác mộng; Đài gương, Lên sáu… Ông đưa ra những minh chứng có thật để chứng minh một cách đầy thuyết phục cho nhà trời. Những bài thơ ấy hay đến mức khiến cho “Trời nghe, trời cũng lấy làm hay” không những thế còn khen rất nhiệt thành: “văn thật tuyệt”, “chắc có ít”, “đẹp như sao băng”… Các chư tiên nghe thơ thì rất xúc động, tán thưởng và hâm mộ: “Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi”; “Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày”; “Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng”; “Đọc xong mỗi bài đều vỗ tay”. Như vậy là tài năng cửa thơ ca của Tản Đà không phải là nhà văn tự nâng lên cho mình mà ông đã để cho những người nhà trời tự thẩm định và khẳng định. Tác giả chỉ kể vậy, để cho những lời nhận xét đánh giá được đưa ra từ những nhân vật nhà trời của ông nhưng qua đó ta cũng nhận thức được nhiều điều: Tản Đà rất ý thức về tài năng thơ của mình và cũng là người táo bạo, dám đường hoàng bộc lộ cái tôi, một cái tôi rất cá thể chỉ có ở riêng Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Không chỉ dừng lại ở đó, Tản Đà còn có một ý định táo bạo, xưa nay chưa từng có:
“Văn đã giàu thay lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
“Anh gánh lên đây bán chợ Trời”.
Từ “gánh” ở đây chỉ có tác dụng nhấn mạnh sự hấp dẫn của thơ văn Tản Đà ở chợ Trời, hấp dẫn đến mức phải gánh, tức là mang lên với số lượng rất nhiều, thì mới đủ cho các chư tiên trên trời. Đem văn mình ra bán trên chợ Trời đã là ngông lắm rồi đằng này lại còn dám lớn tiếng khẳng định nó sẽ là một thứ hàng bán chạy đặt trong hoàn cảnh “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” thì bản lĩnh của Tản Đà thật khác thường, đáng nể. Đó chính là nét bản ngã, là tính cách, là nét độc đáo trong tâm hồn lãng mạn của nhà thơ.
Không ngần ngại, trong khi lớn tiếng khẳng định tài năng của mình trước cuộc đời, Tản Đà cũng lên tiếng tố cáo, phê phán thứ xã hội dở Tây dở Ta khiến cho nhiều giá trị trong cuộc sống bị đảo lộn thời ông đang sống. Tản Đà coi mình là một “trích tiên” – một ông tiên bị đày xuống hạ giới vì “Trời định sai con một việc này/ Là việc thiên lương của nhân loại/ Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Người trích tiên ấy tự nhận mình bị đày xuống hạ giới vì tội ngông nhưng lại tự mình khẳng định: cái ngông đó chẳng qua là vì nó đối lập lại với cả xã hội bất công; vì ông đang phải đi làm cái công việc là tìm lại thiên lương vốn đang bị mai một của con người (Hai chữ ’’thiên lương” thằng Hiếu nhớ/ Dám xin không phụ trời trông mong). Một điều đáng buồn là xã hội đó chỉ chú ý chạy theo đồng tiền còn tri thức và văn hóa bị coi nhẹ. Ấy thế nên tác giả mới ngao ngán trước cảnh “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Không tìm được người tri kỉ nơi trần thế, ông phải mang văn lên tận trời. Cũng may, ở đó ông tìm được tri âm.
“Ngông” vốn là một sản phẩm của xã hội, đặc biệt là xã hội phong kiến Á Đông, “cái xã hội bị Khổng giáo úp chụp lên cái vung, om cho ngạt thở” (Xuân Diệu). Những người có cá tính độc đáo, khác người trong xã hội lễ nghi chặt chẽ thường được coi là ngông. Trong văn chương, ngông thường biểu hiện thái độ của người nghệ sĩ tài hoa, có côt cách, có tâm hồn, không muốn chấp nhận sự bằng phẳng, đơn điệu, nên thường phá cách, tự đề cao, tự phóng đại cá tính của mình. Vào đầu những năm 20, khi thơ phú nhà nhơ đã tàn cuộc mà thơ mới vẫn chưa ra đời, Tản Đà là nhà thơ đầu tiên trong ván học Việt Nam đã dám khẳng định bản ngã đó: “Chủ nghĩa Ịãng mạn, với cá thể, đã bật nứt ra trong văn học Việt Nam trong đầu những năm đầu thế kỉ XX bằng Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu” (Xuân Diệu).
Bằng thể thơ thất ngôn bát cú trường thiên khá tự do, giọng điệu thoải mái tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, sống động, hóm hĩnh Tản Đà đã mạnh dạn tự biểu hiện cái Tôi cá nhân, một cái tôi ngông, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khẳng định giữa cuộc đời. Trong hoàn cảnh xã hội và văn học thời bấy giờ, với bản lĩnh của mình, ông xứng đáng được coi là gạch nối của hai thế hệ, của hai thời đại…
Hocvanvanhoc.com