Trình bày cảm nghĩ của em về nỗi nhớ quê hương da diết qua bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch
Hướng dẫn
Đề bài: Trình bày cảm nghĩ của em về nỗi nhớ quê hương da diết qua bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả và tác phẩm, nỗi nhớ quê hương da diết qua bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch
- Khi nhắc đến các nhà thơ lớn nổi tiếng của Trung Quốc, chúng ta không thể không để đến nhà thơ Lý Bạch, ông là một nhà thơ nổi tiếng thời đường với những vần thơ lãng mạn, bay bổng, trữ tình gần gũi
2. Thân bài
- Cảm nghĩ của em về đêm trăng thanh tĩnh trong bài thơ: Bài thơ được lấy cảm hứng từ một đêm trăng nơi đất khách quê người và nỗi nhớ quê hương không thể diễn tả thành lời. Khi ánh trăng rọi qua cửa sổ tìm đến nơi đầu giường của thi nhân, cảm xúc bỗng nhiên ùa về miên man, dàn trải theo ánh trăng
- Cảm nghĩ của em vê cách cảm nhận ánh trăng của nhà thơ: Sự len lỏi của ánh trăng cho ta liên tưởng như là sự tìm gặp của những người bạn cũ với nhau, ánh trăng bao trùm cảnh vật trong đêm thanh tĩnh đã khiến cho tâm trạng con người được khơi gợi và trào dâng mãnh liệt
- Cảm nhận của em về cảm xúc của nhà thơ: Từ đó ta cảm nhận được ánh trăng chính là chất xúc tác làm cho cảm xúc của nhà thơ tự bung ra, ánh trăng như chính là ánh trăng mà tác giả thường ngắm trên núi Nga My thuở nhỏ, đó chính là người bạn cũ tri kỉ của tác giả
- Cảm nghĩ của em trước tình yêu quê hương của tác giả: Có lẽ nỗi nhớ về quê hương đã được nhà thơ cất giữ trong sâu thẳm trái tim để tiếp bước trên con đường của mình, thế nhưng trong hoàn cảnh này, bỗng nhiên những hình ảnh về cố hương cứ hiển hiện lên trong tâm trí của ông. Ông đành “cúi đầu” vì chua xót và nghẹn ngào khôn nguôi
3. Kết bài
Khẳng định nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả: Nỗi nhớ sâu kín trong lòng nhà thơ đã được khơi gợi lên dưới ánh trăng đêm thanh tĩnh nơi đất khách quê người. Người đọc từ chính tình cảm của nhà thơ mà cảm được những giá trị tinh tế về tinh yêu quê hương, hoài niệm về những điều xưa cũ, càng đọc thơ càng thấm nỗi lòng nhà thơ.
Bài viết liên quan đến bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh:
>>Soạn văn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Chương trình Ngữ Văn lớp 7
>>Giới thiệu về tác phẩm Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch
>>Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh để thấy được bức tranh tâm trạng của nhà thơ Lí Bạch
>>Cảm nhận về tình yêu quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
II. Bài tham khảo
Khi nhắc đến các nhà thơ lớn nổi tiếng của Trung Quốc, chúng ta không thể không để đến nhà thơ Lý Bạch, ông là một nhà thơ nổi tiếng thời đường với những vần thơ lãng mạn, bay bổng, trữ tình gần gũi. Tuổi thơ của Lý Bạch được gắn liền với ánh trăng và trong bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” ánh trăng đẹp đã khiến nỗi nhớ quê hương của ông được bùng cháy lên da diết.
Nỗi nhớ quê hương là một chủ đề không có gì mới mẻ trong thơ ca Trung Quốc cũng như Việt Nam, nhưng với chủ đề cũ và thể thơ cũ, dưới ngòi bút của thi nhân Lý Bạch, tình cảm yêu quê hương lại mang những nét riêng biệt. Bài thơ được lấy cảm hứng từ một đêm trăng nơi đất khách quê người và nỗi nhớ quê hương không thể diễn tả thành lời. Khi ánh trăng rọi qua cửa sổ tìm đến nơi đầu giường của thi nhân, cảm xúc bỗng nhiên ùa về miên man, dàn trải theo ánh trăng.
“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương”
Sự len lỏi của ánh trăng cho ta liên tưởng như là sự tìm gặp của những người bạn cũ với nhau, ánh trăng bao trùm cảnh vật trong đêm thanh tĩnh đã khiến cho tâm trạng con người được khơi gợi và trào dâng mãnh liệt. Ánh trăng chiếu rọi xuống mặt đất khiến cho tác giả liên tưởng “ngỡ mặt đất phủ sương”, mặt đất khi đó đang bị bao phủ bởi một lớp sương mỏng trắng. Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả đã vẽ nên một đêm trăng nhẹ nhàng, thanh tịnh, huyền ảo, thơ mộng và lãng mạn. Từ đó ta cảm nhận được ánh trăng chính là chất xúc tác làm cho cảm xúc của nhà thơ tự bung ra, ánh trăng như chính là ánh trăng mà tác giả thường ngắm trên núi Nga My thuở nhỏ, đó chính là người bạn cũ tri kỉ của tác giả.
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”
Có thể thấy, chỉ với hành động “ngẩng đầu”, “cúi đầu” ta cảm nhận rõ tâm trạng và tư thế của nhà thơ khi đối diện với ánh trăng hoàn toàn tự nhiên, giao hòa và mang sự đồng cảm. Từ “cố hương” nghe sao mà tha thiết, nghẹn ngào, tác giả nhớ về quê hương da diết không đơn thuần chỉ là nhớ quê hương mà đó còn là nỗi nhớ về mảnh đất xưa cũ, con người xưa cũ đã bao năm xa cách chưa được gặp lại. Có lẽ nỗi nhớ về quê hương đã được nhà thơ cất giữ trong sâu thẳm trái tim để tiếp bước trên con đường của mình, thế nhưng trong hoàn cảnh này, bỗng nhiên những hình ảnh về cố hương cứ hiển hiện lên trong tâm trí của ông. Ông đành “cúi đầu” vì chua xót và nghẹn ngào khôn nguôi.
Ta cảm nhận được nỗi nhớ quê hương của Lý Bạch da diết và day dứt biết nhường nào, ấy vậy mà trong bài thơ giản dị ấy, nỗi nhớ thể hiện rất nhẹ nhàng, sâu lắng. Nỗi nhớ sâu kín trong lòng nhà thơ đã được khơi gợi lên dưới ánh trăng đêm thanh tĩnh nơi đất khách quê người. Người đọc từ chính tình cảm của nhà thơ mà cảm được những giá trị tinh tế về tinh yêu quê hương, hoài niệm về những điều xưa cũ, càng đọc thơ càng thấm nỗi lòng nhà thơ.
Theo Tapchivanhoc.com