Phân tích cảm xúc chủ đạo của bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
Hướng dẫn
Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnhlà bài thơ đặc sắc của Lí Bạch viết về ánh trăng. Vậy, cảm xúc bao trùm bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là gì? Em hãy phân tích dựa trên những dẫn chứng cụ thể?
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích cảm xúc chủ đạo của bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học Trung Hoa. Ông thường viết về trăng với những nỗi niềm nặng trĩu. Một trong những tác phẩm thể hiện rõ điều đó chính là “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”.
- Trả lời câu hỏi “Cảm xúc bao trùm bài thơ là gì”: Đây là bài thơ được viết khi Lý Bạch xa quê hương sống ở nơi đất khách quê người. Có lẽ vì vậy mà cảm xúc bao trùm toàn bộ thi phẩm chính là nỗi nhớ quê hương tha thiết, sâu đậm của chính nhà thơ.
2. Thân bài
– Về nội dung:
- Hai câu đầu: Hai câu đầu tuy thiên về tả cảnh nhưng lại đậm cái tình của con người.
- Câu 1:
+ Chủ đề: “vọng nguyệt hoài hương” quen thuộc.
+ Lúc ánh trăng xuất hiện sáng rõ cũng chính là lúc cảnh vật đã về khuya, đủ thấy được sự trăn trở, thao thức của nhân vật trữ tình.
+ Cái “tĩnh” không những nằm trong nhan đề mà còn được khắc họa bởi không gian duy chỉ có màu sắc mà không có sự xuất hiện của âm thanh.
- Câu 2:
+ Mặt đất phủ sương là một hình ảnh đẹp, đẹp nhưng buồn.
+ Nỗi cô đơn mỗi ngày một dâng lên, càng lúc càng diệu vợi. Ánh trăng như hình bóng của quê hương tràn về, trong lòng nhà thơ dấy lên một nỗi nhớ nhung da diết.
- Hai câu cuối:
+ Hai câu thơ cuối sử dụng biện pháp đối một cách tài tình. Hai tư thế đối lập đã cho thấy khoảnh khắc bối rối trước cảnh vật của nhà thơ
+ Đến câu kết, nỗi nhớ ấy mới chực trào thành tiếng “tư cố hương”. Sức nặng của nỗi nhớ đã đè nén lại ở những câu đầu, bung trào ở đoạn cuối và rồi ngưng đọng lại đó, trở thành nỗi day dứt đối với độc giả.
- Về nghệ thuật:
+ Bố cục bài thơ chặt chẽ, hợp lý.
+ Ngôn từ và hình ảnh thơ khá giản dị, gần gũi nhưng chính cái giản dị ấy đã tô đậm chân tình được gửi gắm bên trong.
+ Cả bài thơ khuyết đi chủ ngữ nhưng độc giả vẫn cảm nhận được cái tôi trữ tình bâng khuâng, thổn thức với nỗi niềm mong nhớ quê sâu sắc, thiết tha của Lí Bạch.
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề: Có thể nói “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” là một bài thơ “vọng nguyệt hoài hương” tiêu biểu nhất của thời đại. Về sau, Lý Bạch vẫn mãi là người lữ khách tha hương. Điều đó càng làm cho hình bóng quê nhà mãi vấn vương, vướng vít trong lòng người thi sĩ, trở thành một miền ký ức sâu nặng ám ảnh mãi không thôi.
Bài viết liên quan đến bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh:
>>Soạn văn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Chương trình Ngữ Văn lớp 7
>>Giới thiệu về tác phẩm Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch
>>Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh để thấy được bức tranh tâm trạng của nhà thơ Lí Bạch
>>Cảm nhận về tình yêu quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
>>Trình bày cảm nghĩ của em về nỗi nhớ quê hương da diết qua bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch
II. Bài tham khảo cho đề phân tích cảm xúc chủ đạo trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học Trung Hoa. Ông thường viết về trăng với những nỗi niềm nặng trĩu. Một trong những tác phẩm thể hiện rõ điều đó chính là “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”. Đây là bài thơ được viết khi Lý Bạch xa quê hương sống ở nơi đất khách quê người. Có lẽ vì vậy mà cảm xúc bao trùm toàn bộ thi phẩm chính là nỗi nhớ quê hương tha thiết, sâu đậm của chính nhà thơ.
“Sàng tiền minh nguyệt quang”
(Đầu giường ánh trăng rọi)
“Vọng nguyệt hoài hương”, nhìn thấy trăng mà nhớ quê hương chính là một trong những tứ thơ quen thuộc trong thơ Đường. các nhà thơ lúc bấy giờ mượn ánh trăng để nói về quê hương như một hình bóng không thể tách biệt. Lý Bạch cũng không ngoại lệ. Hai câu đầu tuy thiên về tả cảnh nhưng lại đậm cái tình của con người. Lúc ánh trăng xuất hiện sáng rõ cũng chính là lúc cảnh vật đã về khuya, đủ thấy được sự trăn trở, thao thức của nhân vật trữ tình. Ánh trăng không chỉ tràn ngập khắp không gian mà còn len lỏi vào căn phòng yên tĩnh. Chỉ trong một câu thơ ngũ ngôn mà Lý Bạch dùng đến hai chữ “minh” và “quang” làm nổi bật lên màu sáng chủ đạo của bức tranh: màu của ánh trăng sáng rực. Cái “tĩnh” không những nằm trong nhan đề mà còn được khắc họa bởi không gian duy chỉ có màu sắc mà không có sự xuất hiện của âm thanh. Không gian càng lúc càng tĩnh lặng, ánh trăng càng lúc càng sáng rõ. Bởi vậy mà nhà thơ ngỡ như:
“Nghi thị địa thượng sương”
(Ngỡ mặt đất phủ sương)
Mặt đất phủ sương là một hình ảnh đẹp, đẹp nhưng buồn. Bởi chăng trăng trong truyền thống của người Trung Hoa chính là biểu tượng của sự viên mãn, sum vầy. Đối với một người xa quê hương như Lý Bạch, nhìn thấy ánh trăng càng tròn đầy, càng sáng rõ thì càng cảm thấy cô đơn. Nỗi cô đơn đó mỗi ngày một dâng lên, càng lúc càng diệu vợi. Ánh trăng như hình bóng của quê hương tràn về, trong lòng nhà thơ dấy lên một nỗi nhớ nhung da diết. Có lẽ màn sương mà Lý Bạch cảm nhận đó không phải là hình ảnh ảo nữa mà ta tưởng chừng như nhà thơ đã nhìn cảnh vật qua một đôi mắt rớm lệ. Nỗi nhớ quê hương làm cho con người ta động lòng trước cảnh vật trong không gian yên tĩnh.
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương)
Nhìn thấy trăng như nhìn thấy bóng dáng quê hương, lại thấy trăng trên kia cũng cô đơn như chính bản thân mình ở hiện tại, nỗi nhớ thương quê lại dâng lên cuồn cuộn. Hai câu thơ cuối sử dụng biện pháp đối một cách tài tình. Hai tư thế đối lập đã cho thấy khoảnh khắc bối rối trước cảnh vật của nhà thơ. Giây đầu tiên thấy ánh trăng sáng rực đẹp đẽ, giây tiếp theo đã cảm nhận được nỗi nhớ, tình yêu quê hương của mình. Đến câu kết, nỗi nhớ ấy mới chực trào thành tiếng “tư cố hương”. Sức nặng của nỗi nhớ đã đè nén lại ở những câu đầu, bung trào ở đoạn cuối và rồi ngưng đọng lại đó, trở thành nỗi day dứt đối với độc giả.
Như vậy, chỉ với một bài thơ ngắn nhưng từng câu, từng chữ đều thể hiện một nỗi nhớ thương quê hương da diết. Bố cục bài thơ rất chặt chẽ, hợp lý. Ngôn từ và hình ảnh thơ khá giản dị, gần gũi nhưng chính cái giản dị ấy đã tô đậm chân tình được gửi gắm bên trong. Cả bài thơ khuyết đi chủ ngữ nhưng độc giả vẫn cảm nhận được cái tôi trữ tình bâng khuâng, thổn thức với nỗi niềm mong nhớ quê sâu sắc, thiết tha của Lí Bạch.
Có thể nói “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” là một bài thơ “vọng nguyệt hoài hương” tiêu biểu nhất của thời đại. Về sau, Lý Bạch vẫn mãi là người lữ khách tha hương. Điều đó càng làm cho hình bóng quê nhà mãi vấn vương, vướng vít trong lòng người thi sĩ, trở thành một miền ký ức sâu nặng ám ảnh mãi không thôi.
Theo Tapchivanhoc.com