Cảm nhận về tình yêu quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
Hướng dẫn
Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là bức tranh tâm trạng đầy sống động, tinh tế của nhà thơ Lí Bạch, trong đó tình yêu quê hương được thể hiện một cách rõ nét. Bằng những dẫn chứng thực tế, em hãy phân tích tình yêu quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.
I. Dàn ý chi tiết cho đề cảm nhận về tình yêu quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả và bài thơ, tình yêu quê hương của tác giả: Đối với mỗi con người chúng ta, ai cũng có quê hương của riêng mình, và nỗi nhớ quê hương chính là một nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, đối với Lý Bạch – người thi nhân xa quê từ trẻ tới cuối đời thì tình yêu quê hương lại càng dâng trào mãnh liệt hơn
2. Thân bài
- Phân tích bức tranh thiên nhiên khơi gợi nỗi nhớ quê hương trong tác giả: Cả con người và cảnh vật đều như đang say dưới ánh trăng, trong đêm thanh tĩnh, không gian vắng lặng sâu thẳm như vậy, ánh trăng chính là chủ thể của bức tranh, ngoài màu sắc của ánh trăng, không có thêm âm thanh hay màu sắc nào khác
- Tình cảm của tác giả với ánh trăng: Với người thường, ánh trăng chiếu xuống mặt đất là chuyện bình thường, nhưng đối với Lý Bạch, hiện tượng ấy tạo ra cảm hứng mãnh liệt cho ông, làm cho hình tượng thơ sống động hơn. Trăng và người đã giao hòa và thấu cảm với nhau, cùng hòa quyện làm một, tư thế nhìn trăng của nhà thơ rất tự nhiên
- Nỗi nhớ quê thương của tác giả tuôn trào: Trong giây phút ấy, nhà thơ đã gửi trọn lòng mình cho trăng rồi bỗng cảm xúc trào dâng, tuôn trào ra, đê đầu nhớ về quê cũ đầy tha thiết. Trăng vốn là biểu tượng của quê hương, của sự đoàn tụ và sum vầy, nhưng trong hoàn cảnh của tác giả đang một mình nơi đất khách quê người, ánh trăng ấy khiến ông không khỏi xót xa
- Cảm xúc của tác giả khi nhớ về quê hương: Ông cúi đầu vì ông thực sự cảm thấy xót xa với thân phận người xa xứ, nơi quê hương ông sinh ra với những kỉ niệm đẹp đẽ bây giờ chỉ còn lại trong kí ức, không có cách nào trở về được nữa
3. Kết bài
Khẳng định tình yêu quê hương của tác giả: Tình yêu quê hương trong lòng ông được trào dâng và bộc lộ mãnh liệt, sống động, khiến người đọc cũng phải trân trọng nâng niu những tình cảm từ đáy lòng của nhà thơ.
Bài viết liên quan đến bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh:
>>Soạn văn Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Chương trình Ngữ Văn lớp 7
>>Giới thiệu về tác phẩm Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch
>>Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh để thấy được bức tranh tâm trạng của nhà thơ Lí Bạch
>>Trình bày cảm nghĩ của em về nỗi nhớ quê hương da diết qua bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch
II. Bài tham khảo cho đề cảm nhận về tình yêu quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
Đối với mỗi con người chúng ta, ai cũng có quê hương của riêng mình, và nỗi nhớ quê hương chính là một nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, đối với Lý Bạch – người thi nhân xa quê từ trẻ tới cuối đời thì tình yêu quê hương lại càng dâng trào mãnh liệt hơn. Bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” đã bộc lộ rõ tình yêu quê hương đó.
Mở đầu bài thơ, tác giả mở ra trong mắt người đọc bức tranh về một đêm thanh tĩnh huyền ảo tràn ngập ánh trăng:
“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương”
Ánh trăng bao trùm cảnh vật, len lỏi vào nơi đầu giường nơi tác giả đang một thân một mình nơi đất khách quê người. Cả con người và cảnh vật đều như đang say dưới ánh trăng, trong đêm thanh tĩnh, không gian vắng lặng sâu thẳm như vậy, ánh trăng chính là chủ thể của bức tranh, ngoài màu sắc của ánh trăng, không có thêm âm thanh hay màu sắc nào khác. Đối với người thi nhân như Lý Bạch, ánh trăng không phải là vật vô tri vô giác, ánh trăng như biết nơi nhà thơ dừng chân và tìm đến bên tác giả như một người bạn tri âm tri kỉ. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng và dưới ánh trăng huyền ảo ấy, nhà thơ đã liên tưởng rằng mặt đất phủ sương. Với người thường, ánh trăng chiếu xuống mặt đất là chuyện bình thường, nhưng đối với Lý Bạch, hiện tượng ấy tạo ra cảm hứng mãnh liệt cho ông, làm cho hình tượng thơ sống động hơn. Trăng và người đã giao hòa và thấu cảm với nhau, cùng hòa quyện làm một, tư thế nhìn trăng của nhà thơ rất tự nhiên:
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”
Trong giây phút ấy, nhà thơ đã gửi trọn lòng mình cho trăng rồi bỗng cảm xúc trào dâng, tuôn trào ra, đê đầu nhớ về quê cũ đầy tha thiết. Trăng vốn là biểu tượng của quê hương, của sự đoàn tụ và sum vầy, nhưng trong hoàn cảnh của tác giả đang một mình nơi đất khách quê người, ánh trăng ấy khiến ông không khỏi xót xa. “Ngẩng đầu” nhà thơ bắt gặp ánh trăng ngày nào trên núi Nga Mi, đó như là sự gặp gỡ lại người bạn cũ, rồi bỗng chốc tác giả “cúi đầu” trĩu nặng dòng cảm xúc xuống để cho những hoài niệm về quá khứ, nhớ thương đang trổi dậy trong lòng. Liệu có phải nhà thơ như đang phủ nhận thực tại trở về quá khứ? Nhưng không, tác giả vẫn nguyên vẹn tấm lòng thương nhớ quê hương da diết khôn nguôi. Không gian và cảnh vật lại càng làm cho nỗi nhớ thương ấy buồn càng thêm buồn, sầu thêm sầu. Ông cúi đầu vì ông thực sự cảm thấy xót xa với thân phận người xa xứ, nơi quê hương ông sinh ra với những kỉ niệm đẹp đẽ bây giờ chỉ còn lại trong kí ức, không có cách nào trở về được nữa.
Bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” được viết bằng chính tình cảm chân thực, dòng cảm xúc tuôn trào trong tâm thức của tác giả. Tình yêu quê hương trong lòng ông được trào dâng và bộc lộ mãnh liệt, sống động, khiến người đọc cũng phải trân trọng nâng niu những tình cảm từ đáy lòng của nhà thơ.
Theo Tapchivanhoc.com