Đề bài: Phân tích bút pháp lãng mạn trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Bài làm
Nhà văn Nguyễn Tuân vẫn được xem là một bậc thầy về ngôn ngữ. Các sáng tác của ông có một sức hút vô cùng đặc biệt chính bởi ông sử dụng những từ ngữ đắt giá. Những sáng tác của ông rất giàu tính nhân văn và mang lại nhiều giá trị cho người đọc thông qua việc tìm kiếm cái đẹp trong cuộc đời. Con người dù cho phải sống trong một khoảng không chật hẹp, nhiều bộn bề, nhiều thứ phải lo toan nhưng con người vẫn phát huy được hết những nét đẹp của mình.
Trong số các sáng tác của Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù chính là tác phẩm thể hiện rõ nét phong cách sáng tác của ông. Tác phẩm này được xây dựng với những tình huống truyện đặc sắc, phát huy được sức mạnh của nghệ thuật tạo hình. Câu chuyện xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa viên quản ngục và Huấn Cao, hai con người ở hai cực đối lập nhau nhưng lại có chung một tình yêu với cái đẹp. Không gian của câu chuyện là cảnh ngục tù chật hẹp, ở đó có những người như Huấn Cao phải chuẩn bị cho mình tâm lý chuẩn bị ra pháp trường. Vốn dĩ ở vào hoàn cảnh biết mình sắp chết người ta sẽ chẳng còn thiết tha gì nữa. Nhưng Huấn Cao thì khác, ông vẫn hiên ngang, khí phách và cao ngạo để cho thấy cái đẹp trong cốt cách của bản thân mình. Chính trong giờ phút sinh tử, con người càng bộc lộ được cái đẹp của mình.
Phân tích bút pháp lãng mạn trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Tài năng của Nguyễn Tuân trong truyện này còn ở chỗ xây dựng một tình huống truyện độc đáo. Nó tạo nên một cái riêng trong cảm giác của tác giả. Có ai mà ngờ rằng cảnh cho chữ lại diễn ra trong một hoàn cảnh, một không gian như vậy. Người mà sáng hôm sau phải ra pháp trường chịu tội lại bình thản viết chữ tặng cho viên quản ngục, người mà ở thời điểm hiện tại đang làm việc cho triều đình, cho những kẻ ngày mai sẽ đem mình ra xử. Sự sắp đặt này mang đến một giá trị lãng mạn giúp người đọc thấy được một góc nhìn mới mẻ về cái đẹp. Cái đẹp có thể ở bất cứ đâu, kể cả trong ngục tù tăm tối.
Bút pháp lãng mạn của Nguyễn Tuân còn được thể hiện thông qua miêu tả nhân vật. Nhân vật của Nguyễn Tuân không được miêu tả vẻ ngoài đẹp lộng lẫy nhưng lại được miêu tả với đời sống nội tâm đẹp không tì vết. Đó là một tên tử tù nhưng lại được viên quản ngục kính trọng và biệt đãi bởi tài năng viết chữ đẹp. Đó là một viên quản ngục dù làm thuê cho triều đình, sống trong cảnh ngục tù tăm tối nhưng vẫn trọng cái đẹp, biết quý mến người tài. Hình tượng nhân vật của Nguyễn Tuân tuy có được cường điệu hóa một chút nhưng người đọc vẫn cảm thấy hoàn toàn hợp lý. Những dòng chữ miêu tả Huấn Cao, nét chữ nào cũng đẹp và mang đến giá trị cho người đọc khiến người đọc nhận ra đây là một con người tài hoa.
Sự tài hoa ấy khiến cho Huấn Cao không sợ cường quyền. Ông tỏ ra dứt khoát trong tính cách khi khinh bạc trước sự biệt đãi của viên quản ngục. Sau đó, Huấn Cao khi nhận ra được tấm lòng của viên quản ngục thì đã thay đổi thái độ, đúng với bản chất con người Huấn Cao. Điều này cũng cho thấy Nguyễn Tuân rất hiểu nhân vật của mình.
Viên quản ngục thì hiện lên với một vẻ đẹp của một người có tấm lòng biết trân trọng cái đẹp. Nó thể hiện qua thái độ khúm núm và sự biệt đãi dành cho Huấn Cao. Với bút pháp lãng mạn của mình, Nguyễn Tuân đã để cho các nhân vật hiện lên trong những khoảnh khắc tài hoa. Huấn Cao dù phải chết nhưng cái đẹp mà Huấn Cao để lại cho đời vẫn sẽ mãi trường tồn với thời gian. Viên quản ngục chính là đại diện cho những người sẽ lưu giữ cái đẹp ấy.
Qua bút pháp lãng mạn của mình, Nguyễn Tuân đã tạo dựng nên tính cách nhân vật có những nét đẹp khiến ai cũng phải ngưỡng mộ. Từ tình huống truyện, cách miêu tả, bút pháp sắc sảo của Nguyễn Tuân đã khiến cho tác phẩm của ông có một giá trị to lớn.
Thu Thủy