Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
Hướng dẫn
Đề bài: Bà cụ Tứ là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất trong truyện ngắn Vợ nhặt, bà cụ Tứ hiện lên với vẻ ngoài “bủng beo u ám” nhưng lại là người mẹ giàu yêu thương, hiểu biết. Anh chị hãy phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân để thấy rõ nét chân dung của nhân vật này.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm và nhân vật: Tác phẩm Vợ nhặt không chỉ tái hiện không gian đầy dữ dội, ám ảnh của nạn đói mà còn khám phá và khẳng định vẻ đẹp đáng quý của con người được ẩn sâu trong cái bề ngoài xơ xác, thảm hại. Ta có thể thấy rõ nét điều này qua nhân vật bà cụ Tứ trong truyện.
2. Thân bài
– Bà cụ Tứ là người sống trong xóm Ngụ cư, chồng mất sớm chỉ còn lại bà và người con trai lớn sống nương tựa
– Khi anh Tràng bất ngờ dẫn theo một người đàn bà và giới thiệu là vợ của mình thì bà cụ Tứ đã rất ngạc nhiên, sững sờ, bà không dám tin vào những điều mình vừa nghe thấy
-Trước sự xuất hiện của người con dâu mới bà cụ Tứ bị đặt vào thế đã rồi, bà hoàn toàn bị động trước mọi chuyện. Tuy nhiên sau những giây phút ngỡ ngàng, bà cụ Tứ đã bắt đầu đánh giá được sự việc, bà vừa mừng, vừa tủi.
– Đối với người con dâu mới bà cụ Tứ đón nhận bằng tình thương, sự cảm thông sâu sắc của người mẹ.
– Trước hạnh phúc của hai con, bà mừng nhưng cũng chất chứa bao nỗi lo, liệu chúng có nuôi nổi nhau trong cái thời kì đói khát này không,
– Trong truyện ngắn vợ nhặt, khi chứng kiến sự xuất hiện của người con dâu mới bà cụ Tứ đã trải qua những diễn biến tâm lí vô cùng phức tạp, đó là sự bất ngờ, vui mừng, lo lắng nhưng sau tất cả, bà cụ Tứ vẫn cố vui và cố gắng vun ven cho hạnh phúc của các con.
– Bà động viên các con bảo ban nhau làm ăn, rồi nghĩ về những chuyện tốt đẹp trong tương lai “Rồi may ra ông trời cho khá…”
3. Kết luận
Theo dõi những diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, ta có thể cảm nhận được ở người đàn bà này tình yêu thương con sâu sắc, là một người giàu hiểu biết và luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
Bài liên quan đến tác phẩm Vợ nhặt:
>>Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
>>Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài
>>Phân tích sức mạnh của tình thương yêu con người qua đoạn trích Mị cứu A Phủ và Tràng đối với cô vợ nhặt
II. Bài tham khảo
Kim Lân là nhà văn có sở trường về đề tài nông thôn, nông dân, trong những tác phẩm của mình, ông không chỉ hướng ngòi bút của mình đến hiện thực cuộc sống mà còn đi sâu khám phá đời sống tinh thần của người nông dân. Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân viết về cuộc sống tù túng, ngột ngạt của người dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tác phẩm không chỉ tái hiện không gian đầy dữ dội, ám ảnh của nạn đói mà còn khám phá và khẳng định vẻ đẹp đáng quý của con người được ẩn sâu trong cái bề ngoài xơ xác, thảm hại. Ta có thể thấy rõ nét điều này qua nhân vật bà cụ Tứ trong truyện.
Bà cụ Tứ là người sống trong xóm Ngụ cư, chồng mất sớm chỉ còn lại bà và người con trai lớn sống nương tựa. Con trai bà cụ Tứ là anh Tràng tuy đã đến tuổi lập gia đình nhưng gia cảnh nghèo hèn, lại trong giai đoạn dữ dội nhất của nạn đói nên việc lấy vợ, lập gia đình là một việc khó có thể thực hiện trong thời điểm hiện tại. Do đó khi anh Tràng bất ngờ dẫn theo một người đàn bà và giới thiệu là vợ của mình thì bà cụ Tứ đã rất ngạc nhiên, sững sờ, bà không dám tin vào những điều mình vừa nghe thấy, đôi mắt cũng nhòe đi: “ bà lão hấp hãy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dung là lão thấy mắt mình nhoèn thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay sang nhìn con mình không hiểu”.
Có thể nói, trước sự xuất hiện của người con dâu mới bà cụ Tứ bị đặt vào thế đã rồi, bà hoàn toàn bị động trước mọi chuyện. Tuy nhiên sau những giây phút ngỡ ngàng, bà cụ Tứ đã bắt đầu đánh giá được sự việc, bà vừa mừng, vừa tủi. Bà cụ Tứ mừng vì cuối cùng con trai của mình cũng đã có vợ, có gia đình nhỏ nhưng lại tủi vì làm mẹ mà không lo nổi cho con.
Đối với người con dâu mới bà cụ Tứ đón nhận bằng tình thương, sự cảm thông sâu sắc của người mẹ. Trước hạnh phúc của hai con, bà mừng nhưng cũng chất chứa bao nỗi lo, liệu chúng có nuôi nổi nhau trong cái thời kì đói khát này không, bà cũng hiểu được người đàn và kia vì đi đến đường cùng mới phải lấy đến con mình “Có gặp khó khăn, đói khổ người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ…”, bà lo lắng về tương lai đói khổ, hạnh phúc mong manh của con trai.
Có thể thấy trong truyện ngắn vợ nhặt, khi chứng kiến sự xuất hiện của người con dâu mới bà cụ Tứ đã trải qua những diễn biến tâm lí vô cùng phức tạp, đó là sự bất ngờ, vui mừng, lo lắng nhưng sau tất cả, bà cụ Tứ vẫn cố vui và cố gắng vun ven cho hạnh phúc của các con.
Bà động viên các con bảo ban nhau làm ăn, rồi nghĩ về những chuyện tốt đẹp trong tương lai “Rồi may ra ông trời cho khá…” bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này để cho bữa cơm gia đình thêm vui vẻ. Buổi sáng đầu tiên con dâu về nhà, bà dậy sớm cùng con quét dọn, lo cơm nước, niềm vui của người mẹ thể hiện trong chính khuôn mặt tươi tỉnh, hành động nhanh nhẹn “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa”.
Theo dõi những diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, ta có thể cảm nhận được ở người đàn bà này tình yêu thương con sâu sắc, là một người giàu hiểu biết và luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai. Vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ đã đẩy lùi được cái u ám, dữ dội của nạn đói, thắp lên ánh sáng của niềm tin, tình người.
Theo Tapchivanhoc.com