Phân tích nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu
Bài làm
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng luôn trăn trở về nghệ thuật, về cuộc đời. Từ sau 1975, nhận thức được nhu cầu đổi mới của văn học, Nguyễn Minh Châu là một trong những người tiên phong đi đầu trong việc chuyển hướng sáng tác, từ khuynh hướng sử thi của văn học cách mạng, Nguyễn Minh Châu đã chuyển hướng khám phá những vấn đề nhân sinh, thế sự đời thường. Tâm điểm khám phá của ông là con người trong bộn bề của cuộc sống đời thường. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm đặc sắc nhất trong giai đoạn sáng tác này. Ngay từ phần nhan đề, Nguyễn Minh Châu không chỉ hé mở được tình tiết đặc sắc của tác phẩm mà còn chứa đựng được những tuyên ngôn, quan niệm nghệ thuật sâu sắc.
Với quan niệm “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng lớp lịch sử.”,Nguyễn Minh Châu đã hướng ngòi bút đến phản ánh đời sống con người không chỉ ở hình thức, diện mạo bên ngoài mà còn ở chiều sâu bản chất bên trong. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa ban đầu được in trong tập Bến quê, xuất bản năm 1985, sau đó nhà văn Nguyễn Minh Châu đã lấy tên “Chiếc thuyền ngoài xa” là tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn được in năm 1987.
“Chiếc thuyền ngoài xa” là nhan đề giàu ý nghĩa biểu đạt, trước hết đó chính là hình ảnh thực mà người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng bắt gặp trên bãi biển trong buổi tác nghiệp chụp bộ ảnh lịch ngày Tết. Cũng từ hình ảnh này, Phùng đã nhận thức được nhiều triết lí về cuộc đời, hiểu được bản chất của cuộc đời vốn đa diện, phức tạp ngoài kia.
Hơn thế nữa, nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” còn là ẩn dụ đặc biệt về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ và con người.Đó là chiếc thuyền có thực ngoài đời, là không gian sinh sống của cả gia đình hàng chài. Nhìn từ xa hình ảnh con thuyền đẹp như bức tranh thủy mặc với những bóng người ngồi im phăng phắc trên thuyền. Thế nhưng sự thật đầy nghịch lí bên trong con thuyền ấy lại khiến cho người ta phải bất ngờ, xót xa. Bi kịch của gia đình người đàn bà hàng chài bắt đầu từ những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh, vì quá khổ mà người chồng vốn hiền lành trở nên bạo tàn, vô tình khi trút lên người vợ những trận đòn roi để giải tỏa những uất ức, áp lực của cuộc sống. Những hoàn cảnh riêng ấy nếu như chỉ nhìn từ ngoài xa người ta chỉ thấy vẻ thơ mộng, đẹp đẽ. Từ đó nhà văn Nguyễn Minh Châu đặt ra vấn đề về tầm nhìn của người nghệ sĩ, để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực, hoàn thành nhiệm vụ của người nghệ sĩ chân chính thì bản thân người nghệ sĩ cần phải gắn bó với cuộc sống con người để thấu hiểu, để nhận biết được những góc khuất của cuộc sống, dẫu xù xì, xấu xí.
Hình ảnh con thuyền ngoài xa còn biểu tượng cho sự cô đơn, đó là sự cô đơn của con thuyền nghệ thuật trên đại dương bao la của cuộc sống, sự cô đơn của con người trong cái rộng lớn, vô thường của cuộc đời. Giữa nghệ thuật và cuộc đời vốn có khoảng cách, trách nhiệm của người nghệ sĩ là kéo gần khoảng cách ấy, nghệ thuật phải phản chiếu được bóng dáng của cuộc đời ở chiều sâu bản chất chứ không phải cái hình ảnh đẹp đẽ nhưng không thực bên ngoài.
Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” giàu sức gợi và chứa đựng được nhiều thông điệp sâu sắc vì nó không chỉ truyền tải đến người đọc câu chuyện về một cuộc đời, một số phận mà còn gửi gắm bao thông điệp đáng quý về nghệ thuật và cuộc đời.