Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Từ ấy để thấy được niềm vui sướng, hân hoan của tác giả Tố Hữu khi được giác ngộ cách mạng
Hướng dẫn
Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Từ ấy để thấy được niềm vui sướng, hân hoan của tác giả Tố Hữu khi được giác ngộ cách mạng.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: Từ ấy là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu viết về lí tưởng cách mạng với giọng điệu say mê, sôi nổi của chàng thanh niên vừa được giác ngộ ánh sáng của Đảng.
2. Thân bài
– Mở đầu bài thơ, tác giả Tố Hữu đã dẫn dắt người đọc đến sự kiện đặc biệt đang rạo rực trong tâm hồn mình, đó là khi tác giả bắt gặp lí tưởng cách mạng.
– khi bắt gặp lí tưởng cách mạng, tâm hồn nhà thơ bừng sáng như nắng hạ, bởi nhà thơ biết đây chính là con đường đúng đắn nhất, là ánh sáng soi đường cho những chặng đường hoạt động cách mạng tiếp theo của mình.
– “Từ ấy” ở đây chính là thời điểm 1938, khi nhà thơ Tố Hữu được giác ngộ cách mạng, ánh sáng chân lí ở đây chính là cách nói ẩn dụ về tư tưởng, chủ nghĩa Mác- Lê-nin.
– “Chói” là hành động chiếu sáng đầy mạnh mẽ, cách sử dụng động từ mạnh nhằm thể hiện chân thực sự xúc động mạnh mẽ
– Để làm nổi bật lên niềm vui sướng tột cùng đó, nhà thơ đã sử dụng so sánh đặc biệt “Hồn tôi là một vườn hoa lá”.
– Hình ảnh khu vườn gợi cho độc giả những cảm nhận về sự sống tràn ngập âm sắc “đậm hương”, “rộn tiếng chim”.
– Các từ ngữ đậm, rộn như mang đến cho khu vườn một sức sống dạt dào, nó cũng là sự rộn rã, phong phú của tâm hồn nhà thơ khi bắt gặp ánh sáng của Đảng.
3. Kết luận
Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn trong khổ thơ đầu, tác giả Tố Hữu không chỉ thể hiện được niềm vui sướng khi được giác ngộ cách mạng mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng đúng đắn mà mình đã lựa chọn.
Bài liên quan đến bài thơ Từ ấy:
>>Trình bày cảm nhận về bài thơ Từ ấy của tác giả Tố Hữu – Văn mẫu lớp 11 tuyển chọn
>>Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy được tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng cách mạng
>>Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao
II. Bài tham khảo
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, theo dõi sự nghiệp thơ văn của Tố Hữu ta như thấy được rõ nét mỗi chặng đường phát triển của cách mạng, của đất nước. Từ ấy là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu viết về lí tưởng cách mạng với giọng điệu say mê, sôi nổi của chàng thanh niên vừa được giác ngộ ánh sáng của Đảng. Điều này được thể hiện trực tiếp qua khổ thơ đầu.
Mở đầu bài thơ, tác giả Tố Hữu đã dẫn dắt người đọc đến sự kiện đặc biệt đang rạo rực trong tâm hồn mình, đó là khi tác giả bắt gặp lí tưởng cách mạng, và trong cảm nhận của nhà thơ, ánh sáng cách mạng cũng như mặt trời chân lí:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
Tố Hữu sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước nô lệ “ Nước mất, nhà tan, đời khổ thế”, ngay từ khi còn trẻ Tố Hữu đã mang trong mình tình yêu nước sâu sắc. Tuy nhiên, trong sự hỗn loạn của thời đại, đứng trước nhiều lựa chọn, Tố Hữu cũng đã từng băn khoăn vì không biết lựa chọn con đường nào cho mình:
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi”
Do vậy, khi bắt gặp lí tưởng cách mạng, tâm hồn nhà thơ bừng sáng như nắng hạ, bởi nhà thơ biết đây chính là con đường đúng đắn nhất, là ánh sáng soi đường cho những chặng đường hoạt động cách mạng tiếp theo của mình.
“Từ ấy” ở đây chính là thời điểm 1938, khi nhà thơ Tố Hữu được giác ngộ cách mạng, ánh sáng chân lí ở đây chính là cách nói ẩn dụ về tư tưởng, chủ nghĩa Mác- Lê-nin. “Chói” là hành động chiếu sáng đầy mạnh mẽ, cách sử dụng động từ mạnh nhằm thể hiện chân thực sự xúc động mạnh mẽ khi chủ nghĩa Mác – Lê-nin chiếu sáng sâu vào tâm hồn và trái tim của nhà thơ trẻ.
Trong đêm trường đen tối, ánh sáng của Đảng như tỏa rạng trong tâm hồn nhà thơ, đồng thời xua đi bóng tôi nô lệ. Người chiến sĩ cách mạng ấy dường như nhìn thấy chặng đường trước mắt như “bùng nắng hạ”. Câu thơ giản dị, không cầu kì hoa mĩ nhưng lại có thể gợi ra sự xúc động bởi chính tình cảm chân thành, sôi nổi của nhà thơ.
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Ở những câu thơ tiếp theo, Tố Hữu đã hướng ngòi bút miêu tả sự hân hoan, sung sướng trong chính tâm hồn của mình. Để làm nổi bật lên niềm vui sướng tột cùng đó, nhà thơ đã sử dụng so sánh đặc biệt “Hồn tôi là một vườn hoa lá”. Hình ảnh khu vườn gợi cho độc giả những cảm nhận về sự sống tràn ngập âm sắc “đậm hương”, “rộn tiếng chim”. Các từ ngữ đậm, rộn như mang đến cho khu vườn một sức sống dạt dào, nó cũng là sự rộn rã, phong phú của tâm hồn nhà thơ khi bắt gặp ánh sáng của Đảng.
Nếu hai câu thơ trên tác giả gợi ra sự kiện đặc biệt thì ở hai câu thơ sau với những so sánh gợi hình, gợi cảm đã nhấn mạnh được vai trò to lớn của lí tưởng cách mạng đối với tâm hồn của người chiến sĩ, với cảm quan nghệ thuật của nhà thơ.
Như vậy, chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn trong khổ thơ đầu, tác giả Tố Hữu không chỉ thể hiện được niềm vui sướng khi được giác ngộ cách mạng mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng đúng đắn mà mình đã lựa chọn.
Theo Tapchivanhoc.com