Hãy nêu quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh
Gợi ý
Sinh thời Bác Hồ không tự nhận mình là nhà văn "Ngâm thơ ta vốn không ham", mà Người chỉ có một ham muốn đến tột bậc "Đó Tổ quốc ta được độc lập, nhân dân ta được tự do và đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Nhưng Bác Hồ là người bạn lớn của văn nghệ: Người nhận thức được sức mạnh kỳ diệu của văn nghệ và vai trò to lớn của nó "Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Vốn là người có năng khiếu đặc biệt về văn chương, lại có đời sống tâm hồn phong phú, cuộc đời từng trải, Bác Hồ đã sáng tạo được một sự nghiệp văn chương phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, sâu sắc về tư tưởng, độc đáo về nghệ thuật. Người trở thành một nghệ sĩ lớn, Người có ý thức và am hiểu sâu sắc quy luật và đặc trưng của hoạt động văn nghệ, từ phương diện tư tưởng, chính trị đến hình thức nghệ thuật. Điều đó trước hết được biểu hiện trực tiếp trong quan điểm sáng tác văn chương của Người.
Trong bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên gia thi, một bài thơ có ý nghĩa tổng kết tập thơ Nhật ký trong tù, Bác Hồ đã viết:
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
Chất Thép ở đây chính là nội dung cách mạng, tính chất chiến đấu của thơ ca. Thơ ca không chỉ giải thích, mô tả hiện thực mà còn có tác dụng cải tạo hiện thực. Còn nhà thơ phải biết tích cực tham gia vào sự nghiệp chiến đấu giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống mới của nhân dân.
Quan điểm văn nghệ trên đây là sự kế tục và phát triển quan điểm thơ "chuyên chú ở con người” như Nguyễn Văn Siêu đã nói và tinh thần "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu và được nâng cao trong thời đại cách mạng vô sản. Sau này trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, qua bức thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa toàn quốc năm 1951, Người đã khẳng định "Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Lời dạy của Bác đã nhấn mạnh vai trò, chức năng của văn nghệ và sứ mệnh của người nghệ sĩ mới. Văn nghệ đã trở thành một mặt trận như các mặt trận khác như quân sự, chính trị, ngoại giao, ở đó luôn luôn diễn ra cuộc đâu tranh quyết liệt giữa địch và ta, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái lạc hậu và cái tiến bộ, giữa cái ác với cái thiện và người nghệ sĩ, bằng vũ khí nghệ thuật nhuần nhị và sắc bén của mình, phải là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận ấy.
Hồ Chí Minh đã biết chú ý đến đối tượng thưởng thức và tiếp nhận văn chương. Văn chương trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Người nêu kinh nghiệm chung cho hoạt động báo chí và văn chương, mỗi người khi cầm bút cần xác định rõ viết cho ai (đốì tượng), viết để làm gì (mục đích) viết cái gì (nội dung) và viết như thế nào (hình thức). Như vậy đối tượng và mục đích quy định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người viết có xử lý đúng các mối quan hệ giữa mục đích và phương tiện, giữa phổ cập và nâng cao, giữa nội dung và hình thức thì mới phát huy được hiệu quả hoạt động nghệ thuật. Trong một bài phát biểu khác, Bác Hồ cũng đã khẳng định "Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thực, phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích".
Trong quan điểm nghệ thuật của mình, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến tính chân thật của tác phẩm. Phát biểu tại buổi khai mạc phòng triển lãm hội hoạ trong năm đầu sau cách mạng, Người đã uốn nắn một khuynh hướng "Chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít". Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải "miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn" những đề tài phong phú của hiện thực cách mạng, phải chú ý nêu gương "người tốt, việc tốt", uốn nắn, phê phán cái xấu. Tính chân thực vốn là cái gốc của văn chương xưa nay.
Bác Hồ cũng rất quan tâm đến tính nghệ thuật, mặt hình thức của tác phẩm. Tác phẩm phải có ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu, nghệ thuật hấp dẫn. Theo Bác, tác phẩm văn học phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân ưa thích.
Hocvanvanhoc.com