Ôn tập phần văn học lớp 12 kì 1 sẽ giúp chúng ta tổng kết và củng cố lại kiến thức của các tác phẩm văn học có trong chương trình ngữ văn lớp 12 kì 1. Qua bài Ôn tập phần văn học này, chúng ta sẽ hệ thống hóa lại kiến thức của những tác phẩm đã học, nắm được những tri thức cơ bản về các tác giả và tác phẩm đã học, củng cố lại kiến thức trên hai phương diện lịch sử và thể loại, hiểu được một cách cơ bản những kiến thức lí luận văn học về phong cách và đặc trưng thể loại. Từ những kiến thức ấy, chúng ta sẽ vận dụng vào việc hiểu được phong cách của một nhà văn, nhà thơ, cảm thụ tác phẩm được tốt hơn. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn soạn bài Ôn tập phần văn học lớp 12.
SOẠN BÀI ÔN TẬP PHẦN VĂN HỌC LỚP 12
Câu 1 trang 214 SGK văn 12 tập 1:
Quá trình phát triển của Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX:
a. Những chặng đường phát triển
- 1945- 1954: Văn học thời kì kháng chiến chống Pháp
- 1955- 1964: Văn học thời kì xây dựng XHCN ở miền Bắc và thống nhất đất nước ở miền Nam
- 1965-1975: Văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ
b. Những thành tựu và hạn chế
- Thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, thể hiện hình ảnh con người VN trong chiến đấu và lao động
- Tiếp nối và phát triển những truyền thống tư tưởng lớn của dân tộc
- Những thành tựu nghệ thuật lớn về thể loại, về khuynh hướng thẩm mĩ, về đội ngũ sáng tác, đặc biệt là sự xuất hiện những tác phẩm lớn mang tầm thời đại
- Tuy vậy, văn học thời kì này vẫn có những hạn chế nhất định: giản đơn, phiến diện, công thức
Câu 2 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975:
a. Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh của đất nước.
b. Nền văn học hướng về đại chúng.
c. Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Câu 3 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh:
a. Coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng.
b. Luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.
c. Phải xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức tác phẩm.
Mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác và sự nghiệp văn học của Người: (chứng minh bằng việc phân tích các tác phẩm đã học)
Câu 4 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Mục đích viết Tuyên ngôn độc lập của Bác:
- Khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đồng thời còn là cuộc tranh luận nhằm bác bỏ luận điệu xảo trá của bè lũ xâm lược Pháp, Mĩ…
- Tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
Câu 5 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
a. Về nội dung: Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình – chính trị:
- Trong việc biểu hiện tâm hồn: thơ Tố Hữu hướng đến cái ta chung với những lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
- Trong việc miêu tả đời sống: Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi:
- Luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân:
- Công cuộc xây dựng đất nước (Bài ca mùa xuân 1961)
- Cả nước ra trận đánh Mĩ (Chào xuân 67)
- Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải là cảm hứng thế sự – đời tư.
- Giọng thơ mang chất tâm tình, rất tự nhiên, đằm thắm, chân thành:
- Xuất phát từ tâm hồn của người xứ Huế
- Do quan niệm của nhà thơ: “Thơ là chuyện đồng điệu…”
b. Về nghệ thuật: Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc:
- Về thể thơ: vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc:Lục bát, thể thất ngôn Về ngôn ngữ: sử dụng những từ ngữ, những cách nói quen thuộc với dân tộc.
- Phát huy cao độ tính nhạc.
Câu 6 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Những biểu hiện của tính dân tộc trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu
- Bài thơ được sáng tác vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử của đất nước: CM T8 thành công, cán bộ từ vùng kháng chiến trở về Hà Nội
- Bài thơ đã khẳng định tình đồng chí, nghĩa đồng bào keo sơn, gắn bó- đặc điểm có tính truyền thống trong lịch sử dân tộc
- Thể thơ lục bát đậm đà màu sắc dân tộc, sử dụng ca dao, tục ngữ, kết cấu đối đáp như lời giao duyên
Câu 7 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng):
Vấn đề đặt ra: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc phải được tìm hiêu và đề cao hơn nữa.
Luận điểm:
- Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước.
- Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
- Luận điểm 3: Giá trị nghệ thuật của tác phẩm Lục Vân Tiên.
- Phần kết bài: Tác giả khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng.
Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi):
- Thơ là tiếng nói tâm hồn của con người.
- Hình ảnh, tư tưởng, tính chân thực trong thơ.
- Ngôn ngữ thơ khác các loại hình ngôn ngữ văn học khác như kịch, truyện, kí.
Đô – xtôi – ép – xki (X.Xvai – gơ):
- Nỗi khổ vật chất, tinh thần và sự vươn lên của nhà văn.
- Vinh quang và cay đắng trong cuộc đời Đô – xtôi – ép – xki.
- Cái chết của ông và sự yêu mến, khâm phục của nhân dân dành cho Đô – xtôi – ép xki, ảnh hưởng to lớn từ cuộc đời và văn chương của ông đối với nước Nga.
Câu 8 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Hình tượng người lính trong Tây Tiến của Quang Dũng và Đồng chí của Chính Hữu:
a. Nét riêng:
Trong bài thơ Tây Tiến:
- Người lính Tây Tiến phần lớn là học sinh, sinh viên được khắc họa chủ yếu bằng bút pháp lãng mạn: Họ hiện ra trong khung cảnh khác thường, kì vĩ, nổi bật với những nét độc đáo, phi thường.
- Hình tượng người lính vừa có vẻ đẹp lãng mạn, vừa đậm chất bi tráng, phảng phất nét truyền thống của người anh hùng.
Trong bài thơ Đồng chí:
- Người lính được khắc họa chủ yếu bằng bút pháp hiện thực: hiện ra trong không gian, môi trường quen thuộc, gần gũi, cái chung được làm nổi bật qua những chi tiết chân thực, cụ thể.
- Người lính xuất thân chủ yếu từ nông dân, gắn bó với nhau bằng tình đồng chí, tình giai cấp. Tình cảm, suy nghĩ, tác phong sống giản dị. Họ vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thực sự là những con người bình thường mà vĩ đại.
b. Nét chung:
- Hình tượng người lính trong cả hai bài thơ đều là người chiến sĩ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xả thân vì Tổ quốc, xứng đáng là những anh hùng.
- Họ mang vẻ đẹp của hình tượng người lính trong thơ ca giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và thể hiện cảm hứng ngợi ca của văn học kháng chiến.
Câu 9 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Khám phá riêng về quê hương, đất nước
a. Nguyễn Đình Thi
- Hình ảnh đất nước qua hai mùa thu
- Đất nước hào hùng trong chiến đấu
- Truyền thống bất khuất của ông cha
- Căm thù giặc, bất khuất, dũng cảm
- Đất nước vinh quang trong chiến thắng
=> Nguyễn Đình Thi tự hào, ngợi ca đất nước vất vả, đau thương nhưng cũng anh dũng, kiên cường trong chiến đấu
b. Nguyễn Khoa Điềm
- Đất nước bắt nguồn từ những gì thân thuộc, gần gũi trong đời sống vật chất và tâm linh của con người
- Đất nước được cảm nhận qua thời gian, không gian, lịch sử, địa lí
=> Từ sự cảm nhận ấy tác giả khái quát nên triết lí đất nước của nhân dân
Câu 10 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh:
- Sóng vừa là tâm hồn người phụ nữ khi yêu, vừa chính là tình yêu vốn phức tạp nhưng cũng có những quy luật riêng
- Sóng biểu tượng cho nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ
- Sóng còn là sự thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu
- Sóng ẩn dụ cho những nỗi lo âu, trăn trở của người phụ nữ
- Khát vọng mãnh liệt muốn bất tử hóa tình yêu được gửi gắm qua sóng
Câu 11 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Bài thơ |
Nội dung |
Đặc sắc nghệ thuật |
Dọn về làng |
Miêu tả chân thực, sinh động về nỗi khổ của nhân dân, tố cáo tội ác tàn bạo của thực dân Pháp |
Hình ảnh mang màu sắc các dân tộc miền núi, ngôn ngữ thơ tự nhiên, giản dị, gần gũi |
Tiếng hát con tàu |
Tình cảm hướng về nhân dân và đất nước, với những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng là về với ngọn nguồn của nghệ thuật, của cảm hứng sáng tạo thơ ca |
Cảm xúc gắn bó với suy tưởng, triết lí, khai thác những tương quan đối lập; khả năng liên tưởng phong phú và đặc biệt là nghệ thuật xây dựng những hình ảnh đa dạng, đầy sáng tạo. |
Đò Lèn |
Những kí ức tuổi thơ và hình ảnh người bà vất vả, lam lũ, tình cảm bà cháu chân thực, cảm động |
Hình ảnh thơ giản dị, gần gũi |
Câu 12 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
So sánh Chữ người tử tù (Ngữ văn 11) với Người lái đò sông Đà (Ngữ văn 12):
Những điểm thống nhất:
- Nguyễn Tuân tiếp cận con người ở góc độ cái đẹp: tài năng nghệ sĩ và văn hóa thẩm mĩ
- Có cảm hứng ở những sự vật, cảnh tượng độc đáo, gây ấn tượng mạnh
- Cái tôi cá nhân được bộc lộ một cách rõ nét, độc đáo
Những điểm khác biệt:
- Chữ người tử tù đi tìm cái đẹp trong quá khứ. Người lái đò sông Đà vẻ đẹp ở ngay trong cuộc sống đời thường
- Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đi tìm chất tài hoa nghệ sĩ ở tầng lớp những con người đặc tuyển, còn trong Người lái đò sông Đà, những người lao động bình thường cũng có thể trở thành nghệ sĩ nếu đạt đến trình độ cao trong nghề nghiệp của mình
- Chữ người tử tù là truyện ngắn xây dựng bằng hư cấu, tưởng tượng
- Người lái đò sông Đà thuộc thể loại kí, là những ghi chép, cảm xúc chân thực của nhà văn về con người, đời sống
Câu 13 trang 215 SGK văn 12 tập 1:
Cảm hứng thẩm mĩ và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông
Cảm hứng thẩm mĩ: ngợi ca vẻ đẹp phong phú, đa dạng của con sông Hương- con sông gắn bó với đời sống văn hóa, lịch sử và làm nên nét đẹp trong tâm hồn người Huế
Nét đặc sắc của văn phong Hoàng Phủ Ngọc Tường:
- Vốn hiểu biết phong phú về nhiều lĩnh vực, ngành nghề
- Cái tôi mê đắm, tài hoa, tinh tế
- Ngôn ngữ uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu chất thơ
- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa các tri thức khoa học và tình cảm, cảm xúc
Nguồn Internet