Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn của Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè

Đề bài: Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn của Nguyễn trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè

Nguyễn Trãi là một trong những nhân vật lịch sử được nhiều người biết đến. Ông vừa là một vị quan trung thành, yêu nước thương dân, luôn sống liêm khiết, trong sạch và yêu thiên nhiên vô cùng, vừa là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm giàu giá trị. Mỗi một tác phẩm đều thể hiện một nỗi niềm riêng của ông. Trong đó, bài thơ “Cảnh ngày hè” với những cảnh sắc thiên nhiên sống động đã ẩn chứa bao tâm tư, tình cảm của Nguyễn Trãi đối với thiên nhiên, với con người và đất nước.

Bởi quá yêu thiên nhiên, nên ông đã để hồn mình hòa nhập vào vạn vật xung quanh một cách trọn vẹn:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.”

Hòe lục, thạch lựu và hồng liên trì chỉ là những loài cây hết sức bình thường, nhưng khi hiện hữu dưới ngòi bút của nhà thơ, tất cả đã tạo nên một khung cảnh hết sức sống động và tràn trề nhựa sống: Hòe lục đùn đùn, thạch lựu phun, Hồng liên trì tiễn. Những động từ mà tác giả đã dùng đều thể hiện một sức sống đang tuôn trào mạnh mẽ, như có một lực gì đó đang thúc đẩy ngay bên trong thân cây, khiến chúng phải bung ra khỏi cành cây, nở rộ trước đất trời mùa hạ. Cây cối sinh sôi nảy nở theo quy luật tự nhiên của chúng, nhưng ở đây, lòng yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ giống như một loại chất kích thích mạnh mẹ khiến cây cối trỗi dậy, vươn mình tỏa sắc hương. Xuân Diệu cũng từng yêu thiên nhiên đến mức cuồng si, mãnh liệt:

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si ”

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Cả hai nhà thơ đều hòa mình vào thiên nhiên, biến hóa thiên nhiên với những động từ, tính từ mạnh khiến cảnh vật hiện lên giống như một mâm cỗ cao sang, thịnh vượng với những món ăn nóng hổi đang chờ người thưởng thức. Và nếu như Xuân Diệu muốn ngấu nghiến cảnh sắc của mùa xuân, thì ở đây Nguyễn Trãi lại hào hứng tận hưởng những “món ngon” của mùa hè.

Không những thế, Nguyễn Trãi còn có tấm lòng yêu thương con người rất chân thành và giản dị qua những vần thơ tiếp theo:

“Lao xao chợ cá làng ngủ phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên đang tràn trề sức sống, một cảnh tượng khác về con người nơi đây cũng đang tấp nập nhộn nhịp. Hai từ “lao xao” cũng đủ để nói lên sự huyên náo của “chợ cá làng ngư phủ” – một ngôi làng sống bằng nghề đánh bắt cá. Phiên chợ mua bán trao đổi cá thật sống động dưới ngòi bút của nhà thơ. Cộng thêm tiếng ve kêu “dắng dỏi” càng làm cho không gian thêm nhộn nhịp và đậm chất mùa hè. Trong khung cảnh ấy, lại khiến cho lòng người chất chứa bao cảm xúc. Nhất là đối với một người giàu lòng yêu thiên nhiên, yêu con người như Nguyễn Trãi. Thế nên, ông đã nhắc đến câu chuyện thần thoại của Trung Quốc về “Ngu cầm”. Thần thoại ấy kể rằng hai triều vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn là hai triều đại lí tưởng, xã hội thanh bình, nhân dân hạnh phúc. Riêng vua Ngu Thuấn có khúc hát Nam phong, trong đó có câu: Nam phong chi thì hề khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề (Gió nam thuận thì có thể làm cho dân ta thêm nhiều của). Ngu cầm là đàn của vua Ngu Thuấn. Ý cả câu: Hãy để cho ta có đàn của vua Thuấn để đàn một khúc Nam phong. Như vậy, trong lòng Nguyễn Trãi vẫn luôn ấp ủ một nỗi niềm, một ước mong rằng đất nước được thái bình, nhân dân được no đủ, hạnh phúc. Ước mơ ấy cũng là điều mong mỏi của rất nhiều bậc chí nhân quân tử, của những vị quan thanh liêm giống như Nguyễn Trãi. Và đương nhiên, nhân dân cũng luôn mong có một cuộc sống bình yên, ấm cúng. Chỉ tiếc rằng, vì quá nhân hậu và trong sạch, Nguyễn Trãi đã bị kẻ xấu hãm hại, khiến ông phải sống một cuộc sống eo le, khổ cực và rồi chết cũng oan ức, tội nghiệp.

Xem thêm:  Tóm tắt tác phẩm “Sử thi Đăm Săn”

Nhưng dù thế nào đi nữa, sử sách vẫn luôn lưu giữ hình ảnh và cuộc đời của Nguyễn Trãi – một vị quan thanh liêm, vừa yêu thiên nhiên, vừa yêu nước, thương dân, một nhà thơ lớn giàu tư tưởng nhân nghĩa, luôn hướng lòng mình đến nhân dân.

Bài thơ “Cảnh ngày hè” chỉ là một trong số rất nhiều tác phẩm khác thể hiện nhân cách và tấm lòng cao đẹp của Nguyễn Trãi. Trong bài thơ, ông không những dùng hết những giác quan của mình để cảm nhận về thiên nhiên mà còn thể hiện cả tâm tư, tình cảm của bản thân với dân, với nước. Ông mãi mãi là một điểm sáng của dân tộc Việt Nam, và là một nhà thơ lớn của văn học nước nhà.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

Check Also

c879b28906e31e1d66d06429d0158f1c 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *