Bàn luận về vấn đề đi ẩu, vượt ẩu
Gợi ý
Trong bài thơ “Chúc tết" của Tú Xương viết vào đầu thế kí XX có câu:
"Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non ”…
Mỗi lần nhìn thấy cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ trên. Phải chăng đó là một dự báo linh nghiệm rất đáng sợ!
Thành phố nào cũng có mấy triệu cư dân, đường sá chật hẹp, nhiều điểm "thắt cổ chai ”, những giờ cao điểm, xe máy, ô tô, người đi bộ, học sinh đến trường, người bán hàng rong,.. cuồn cuộn chuyển động như sóng. Cảnh sát giao thông đứng lố nhố ở ngà ba, ngã tư.
Hiện tượng đi ngược chiều, chen lấn, xô đẩy, phóng nhanh vượt ẩu, rồ ga, đâm vào nhau, chuyện va quệt, các vụ tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. Máu me nạn nhân thấm đỏ đường… nhìn thật đáng sợ. Nhiều cụ già, em bé… cứ phải nhắm mắt, rùng mình trước những cảnh tai nạn giao thông hãi hùng đó.
Luật giao thông đường bộ đã có. Cánh sát giao thông xử phạt: phạt tiền, giữ xe, thu bằng lái,… Thế nhưng vấn đề đi ẩu, vượt ẩu, tai nạn giao thông vẫn diễn ra ngày một nhiều. Số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông ngày một gia tăng. Tại sao như vậy? Phải chăng vì ý thức chấp hành luật lệ giao thông, nếp sống văn hóa đô thị. trình độ văn minh của nhiều người còn hạn chế? Vì sống bạt mạng, tự coi thường mạng sống mình, coi thường mạng sống đồng loại.
Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Phóng xe, vượt ẩu, đánh võng, rú ga, bóp còi inh ỏi. Lái xe không có bằng lái xe, say bia, say rượu, gây tai nạn rồi bỏ chạy. Hãy đi qua cổng một số trường THPT ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội sẽ thấy không ít cậu học sinh "choai choai”, tóc nhuộm vàng hoe, tai đeo khuyên, không đội mù bảo hiểm, kèm đôi, kèm ba, hoặc phóng xe trên đường, hoặc phóng xe trên vỉa hè, trên bãi cỏ công viên, coi thường tất cả. Nhiều học sinh hư, không ít "công tử" con ông cháu cha. hoặc cầm đầu, hoặc tham gia các vụ đua xe trái phép làm náo động phố xá! Cảnh sát giao thông đã gặp không ít khó khán, vất vả, nhưng khó mà dẹp bỏ được những đối tượng "tế nhị ” này!
Thành phố chúng ta đang ngày một rộng ra, và người cũng đông lên. Đường phố cần thông thoáng hơn, không còn chuyện đào đường vô tội vạ, đừơng dựng ngổn ngang "lô cốt" tùy tiện. Phải có vỉa hè cho người đi bộ. Phải có đủ biển hiệu, đèn tín hiệu ở các ngã ba, ngã tư,…
Các bậc ông bà, cha mẹ trước khi mua xe máy cho con cháu cũng cần luôn luôn nhắc nhở các con, các cháu về ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Nhà trường, thầy cô giáo cần tăng cường giáo dục việc chấp hành luật lệ giao thông cho học sinh. Hễ đi ra khỏi nhà, dù đi bộ, đi xe máy, lái xe ô tô, lái xe buýt, bất cứ ai cũng phái thận trọng, phải tự giác chấp hành luật lệ giao thông.
Chế tài xử phạt của luật lệ giao thông phaải nghiêm minh và cương quyết. Các hiện tượng đi ẩu, vượt ẩu… phái bị xử phạt thật nặng. Nhiều việc to lớn, nặng nề khác, Nhà nước và nhân dân ta đã làm được. Cớ sao, chuyện đi lại, chuyện giao thông lại trở thành nỗi lo của hàng triệu người? Tại sao nạn kẹt xe, nạn ách tắc giao thông, tai nạn giao thông đã và đang trở thành vấn nạn? Đây là một vấn đề mà mỗi người chúng ta cần phải suy ngẫm và bắt tay vào hành động
Hocvanvanhoc.com