Vẻ đẹp của Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Hướng dẫn
Huấn Cao nổi bật trong tác phẩm Chữ người tử tù với cốt cách thanh cao, kiêu bạc. Dựa vào văn bản đã học, anh chị hãy phân tích vẻ đẹp của Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
I. Dàn ý bài viết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “Chữ người tử tù”, vẻ đẹp nhân vật Huấn Cao: Tiêu biểu một trong những nhân vật ấy chính là Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”
2. Thân bài
- Huấn Cao là một người có tài hoa, tài viết chữ đẹp: Chữ của Huấn Cao được cả vùng tỉnh Sơn ca tụng là “viết nhanh mà đẹp”
- Huấn Cao là người có tinh thần bất khuất, kiên cường, không khuất phục: Là người mà “đến chết chém còn chẳng sợ” nên ông chẳng hề sợ hãi viên quản ngục
- Huấn cao còn là người có thiên lương trong sáng: biết được tấm lòng của viên quản ngục ông đã sẵn sàng cho chữ và “cảm động tấm lòng biệt nhỡn liên tài”
3. Kết bài
Kết luận: Có thể thấy, Huấn Cao là một trong những mảnh ghép đặc sắc nhất trong bức tranh về những “đấng tài hoa” của Nguyễn Tuân.
Bài liên quan đến tác phẩm Chữ người tử tù:
>>Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
>>Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
>>Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù
II. Bài tham khảo
Khi nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta nhớ đến một trong những cây bút tài hoa bậc nhất nền văn học Việt Nam hiện đại trước và sau cách mạng. Ông là một nhà văn suốt đời mải mê đi tìm kiếm cái đẹp. Trong các tác phẩm của ông, hệ thống các nhân vật thường hội tụ những vẻ đẹp về tài hoa và nhân cách, mỗi nhân vật lại có một vẻ đẹp độc đáo riêng. Tiêu biểu một trong những nhân vật ấy chính là Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”, một người tử tù vừa tài hoa lại đầy mang tầm vóc phi thường.
Tác giả Nguyễn Tuân đã xây dựng nhân vật Huấn Cao dựa trên một nhân vật có thật, đó chính là nhà Nho – nhà thư pháp và võ tướng Cao Bá Quát. Ông là một nhà Nho nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, vì không chấp nhận hiện thực xã hội thối nát của triều đình phong kiến lúc bấy giờ nên đã lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa. Vẻ đẹp ấy đã được Nguyễn Tuân thể hiện qua nhân vật Huấn Cao, một người vừa có tài – đức lại có khí phách hiên ngang.
Trước hết, ta sẽ bàn về tài hoa của Huấn Cao, cái tài nói đến ở đây là tài viết chữ đẹp, trong quan niệm thẩm mĩ người xưa, viết chữ đẹp hay còn gọi là Thư pháp – là một nghệ thuật cao quý, được người đời ngưỡng mộ và kính trọng. Chữ của Huấn Cao được cả vùng tỉnh Sơn ca tụng là “viết nhanh mà đẹp”, “đẹp lắm, vuông lắm”, “có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Cái tài viết chữ đẹp của Huấn Cao không chỉ được ca ngợi qua lời người dẫn truyện mà còn thể hiện rõ nét ở sự ca tụng của thầy thơ lại, ở khao khát và tâm nguyện cả đời của viên quản ngục. Cái tài hoa của Huấn Cao là tài hoa của con người có khí phách, có thiên lương tỏng sáng nên mới tỏa sáng đến vậy. Dù có là kẻ tử tù, “mang trọng tội” nhưng vẫn được người khác kính nể, cúi đầu, khúm núm trước mình.
Vẻ đẹp của Huấn Cao còn thể hiện ở tinh thần thép, sự hiên ngang bất khuất của đấng anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, người anh hùng ấy có “sa cơ lỡ vận” nhưng vẫn giữ được khí phách hiên ngang, kiên cường, tuy có bị giam cầm nhưng đó chỉ là giam câm thể xác, còn bản thân Huấn Cao thấy mình vẫn là người tự do, bởi vậy mà ông “trút mũi gông nặng xuống thềm đá tảng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống đất đánh thuỳnh một cáu” mà không thèm đếm xỉa tới đám lính canh tiểu nhân thị oai đag nhạo báng và dọa nạt ông. Là người mà “đến chết chém còn chẳng sợ” nên ông chẳng hề sợ hãi viên quản ngục, nhận đối đãi tốt cũng chẳng hề cảm ơn bởi ông xem đó là điều hiển nhiên. Ông ý thức được vị trí của mình trong xã hội và không bao giờ chịu khúm núm e dè sợ hãi khi đứng trước những kẻ cặn bã, tiểu nhân. Tư thế hiên ngang của ông khiến bao người phải khiếp sợ và nể phục. Vẻ đẹp cuối cùng của Huấn Cao đó chính là một con người có thiên lương trong sáng. Nếu như trước đó ông khinh thường viên quản ngục bao nhiêu vì chưa biết tấm lòng của viên quản ngục, thì sau khi nghe lời thầy thơ lại kể rõ sở nguyện đẹp đẽ của viên quản ngục ông lại càng cảm kích bấy nhiêu. Huấn cao vốn xưa nay chỉ cho chữ với những người mà ông xem là tri kỉ, ấy vậy mà biết được tấm lòng của viên quản ngục ông đã sẵn sàng cho chữ và “cảm động tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của quản ngục, ông còn nghĩ rằng “thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Đó chính là vì Huấn Cao thấy được cái đẹp của viên quản ngục như một “thanh âm trong trẻo chen lẫn giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Ông còn khuyên viên quản ngục nên xời xa chốn ngục tù nhơ bẩn ấy, để gìn giữ cái đẹp trong chính tâm hồn. Tất cả đã cho thấy Huấn Cao là một người rất quý trọng cái đẹp, nâng niu cái đẹp và cái tài của con người, trong con người ông, cái “tài” và cái “tâm” luôn song hành với nhau. Với thủ pháp nghệ thuật đối lập trong cảnh cho chữ này, Nguyễn Tuân đã vẽ nên những hình ảnh tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, sự bẩn thỉu nhơ nhuốc của buồng giam với cái tấm lụa trắng tinh và chậu mực thơm. Pháp luật và uy quyền của nhà tù đã bị khuất phục trước cái đẹp, cái thiện.
Có thể thấy, Huấn Cao là một trong những mảnh ghép đặc sắc nhất trong bức tranh về những “đấng tài hoa” của Nguyễn Tuân, vẻ đẹp của Huấn Cao là vẻ đẹp trường tồn mãi với thời gian.
Theo Tapchivanhoc.com