[Văn mẫu tuyển chọn] Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Phân tích truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân
– Khái quát chung
2. Thân bài:
* Khái quát:
– Nạn đói vào mùa xuân năm Ất Dậu qua ngòi bút của mỗi nghệ sĩ lại để lại những dấu ấn riêng. Đến với Kim Lân, nạn đói được nhắc đến với những hình ảnh ghê rợn “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ….ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường….mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Không chỉ dừng lại ở việc mô tả hình ảnh Kim Lân còn mô phỏng âm thanh hãi hùng “tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết”, “tiếng hờn khóc tỉ tê”,…
* Tràng:
– Là dân ngụ cư, bị mọi người khinh bỉ, sống nay đây mai đó, không có ruộng đất, không được tham gia sinh hoạt của làng xã .
– Sống trong cảnh mẹ góa con côi, gia đình nghèo khó, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp lại còn phải nuôi thêm mẹ già .
– Thân hình hắn cao to, lưng to như lưng gấu, hai quai hàm bạnh ra, khuôn mặt thô kệch, đôi mắt gà gà đắm vào bóng chiều.
* Tình huống nhặt vợ:
– Một lần đẩy xe thóc Liên đoàn lên tỉnh Tràng định hò một câu cho đỡ nhọc:
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!”
=> Thị- một người đàn bà không quê quán, không tên tuổi đang ngồi ở đấy liền cong cớn lại đẩy xe thóc cho Tràng.
– Trong lần thứ hai gặp lại, thị sưng sỉa mà ăn vạ Tràng đã thất hứa và thế rồi Tràng đã mời thị ăn bốn bát bánh đúc.
– Sau mấy câu đùa cợt, ấy vậy mà Tràng đã có vợ thật
+ Lúc ấy hắn cũng chợn nghĩ “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng” thế nhưng cũng ngay sau đấy hắn tặc lưỡi “chậc, kệ!”.
+ Sau đó, Tràng dẫn thị ra chợ mua vài món đồ: “cái thúng con con”, dẫn thị đi ăn một bữa no nê.
+ Tràng bỏ ra hai hào mua dầu về thắp sáng lên cho căn nhà
* Trên đường dẫn thị về nhà:
– Tràng đã có những nét chuyển biến rõ rệt về tâm lí được thể hiện rõ trên gương mặt:
+ “mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”.
+ Thị đi sau Tràng ba bốn bước, cắp cái thúng con trong dáng vẻ e thẹn, ngại ngùng.
+ Tràng “vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng”, khi những đứa trẻ gào lên trêu đùa anh chỉ bật cười mà đáp “Bố ranh!” còn thị nhíu đôi lông mày tỏ vẻ khó chịu.
* Về đến nhà Tràng:
– Thị thở dài khi bước vào nhà Tràng.
– Tràng lo sợ không hiểu vì sao người vợ nhặt lại buồn đến vậy!
– Hắn lấm lét bước vội ra sân ngóng mẹ về.
– Khi bà cụ Tứ – mẹ hắn trở về, hắn vui vẻ, lật đật chạy ra đón mẹ.
+ Từ tốn thưa chuyện với mẹ
+ Nói chuyện đầy khéo léo, vừa xác nhận rằng mình đã có vợ lại vừa làm vơi đi sự xấu hổ của người vợ nhặt khiến bà cụ Tứ bớt ngạc nhiên.
– Nhìn thấy thị:
+ Bà lão ngạc nhiên, đứng sững lại đầy ngỡ ngàng “Quái, sao lại có người đàn nào ở trong nhà mình thế kia?…Sao lại chào mình bằng u?”.
+ Bà lại càng sững sờ hơn nữa khi nghe lời giới thiệu trực tiếp từ cậu con trai “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi “.
+ Bà lão “cúi đầu nín lặng”.
=>Từ chỗ xót thương cho hoàn cảnh thiếu thốn của gia đình, xót thương cho cậu con trai bà cụ Tứ đã bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc với người con dâu và bà công nhận rằng “bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”.
+ Bà cũng cảm thấy sự quan trọng lớn lao của người vợ nhặt trong cuộc đời của Tràng “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ
* Sáng này hôm sau khi thức dậy:
– Tràng nhận ra có điều gì khác lạ lắm “xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”.
+ Người vợ nhặt cùng với mẹ hắn đang thu dọn lại căn nhà và sân vườn “nhà cửa, sân nhà hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ,…mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong…người mẹ đang lúi húi giẫy những bụi cỏ…vợ hắn quét lại cái sân
+ Hắn cũng mong mình có thể làm một việc nào đó để góp phần tu sửa căn nhà.
– Bữa ăn ngày hôm ấy:
+ “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo”
+ Sau bữa ăn bà mang ra món chè khoán mà theo mà bà nói thì “ngon đáo để cơ”. “Bà lật đật chạy xuống bếp lễ mễ bưng ra một cái nồi bốc hơi nghi ngút…đặt cái nồi xuống…cầm cái muôi vừa khuấy vừa cười…rồi múc”.
+ Khi nghe người vợ nhặt kể về những người đói khổ đi theo Việt Minh để phá kho thóc của Nhật Tràng có cảm giác tiếc rẻ, hắn nghĩ rằng hắn sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đến với cách mạng nữa.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận
– Cảm nhận cá nhân
Bài văn tham khảo
Kim Lân được biết đến là nhà văn của đồng ruộng, luôn tôn thờ hiện thực về cuộc sống của người nông dân dù khổ cực nhưng vẫn ánh lên niềm tin yêu mãnh liệt và lối thoát cho những người cùng khổ. Và “Vợ nhặt” là một truyện ngắn như thế. Tiền thân của truyện ngắn “Vợ nhặt” là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Kim Lân đã dựa trên một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn “Vợ nhặt” in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện ngắn không chỉ làm rõ hiện thực nạn đói năm 1945 mà còn thể hiện thành công bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của những người sống trong hoàn cảnh ấy.
Nạn đói vào mùa xuân năm Ất Dậu qua ngòi bút của mỗi nghệ sĩ lại để lại những dấu ấn riêng. Đến với Kim Lân, nạn đói được nhắc đến với những hình ảnh ghê rợn “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ….ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường….mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Không chỉ dừng lại ở việc mô tả hình ảnh Kim Lân còn mô phỏng âm thanh hãi hùng “tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết”, “tiếng hờn khóc tỉ tê”,…
Tràng là dân ngụ cư, bị mọi người khinh bỉ, sống nay đây mai đó, không có ruộng đất, không được tham gia sinh hoạt của làng xã . Sống trong cảnh mẹ góa con côi, gia đình nghèo khó, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp lại còn phải nuôi thêm mẹ già . Hắn hiện lên trong hình dạng xấu xí, thô kệch. Thân hình hắn cao to, lưng to như lưng gấu, hai quai hàm bạnh ra, khuôn mặt thô kệch, đôi mắt gà gà đắm vào bóng chiều. Sự ám ảnh của cái đói hiện rõ trên gương mặt Tràng khi mỗi buổi chiều về hắn không còn vừa đi vừa ngửa mặt lên trời “cười hềnh hệch” nữa mà bây giờ “hắn đi từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước”. Có thể thấy, Tràng hội tụ đầy đủ những yếu tố cho nguy cơ bị ế vợ, là sự gọt đẽo sơ sài của tạo hóa.
Trong những ngày tối sầm lại vì đói khát, chỉ bằng vài câu bông đùa và bốn bát bánh đúc Tràng đã có vợ. Một lần đẩy xe thóc Liên đoàn lên tỉnh Tràng định hò một câu cho đỡ nhọc:
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!”
Thế là thị – một người đàn bà không quê quán, không tên tuổi đang ngồi ở đấy liền cong cớn lại đẩy xe thóc cho Tràng. Hắn lấy làm thích thú. Trong lần thứ hai gặp lại, thị sưng sỉa mà ăn vạ Tràng đã thất hứa và thế rồi Tràng đã mời thị ăn bốn bát bánh đúc. Khi kể đến câu chuyện ăn bánh đúc nhà văn Kim Lân có nhắc đến “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Chi tiết ấy đã phơi bày hết sự thảm khốc của nạn đói năm 1945, con người chẳng màng đến thể diện là gì nữa, chỉ cần qua cơn đói này là đã đủ vui rồi. Lại sau mấy câu đùa cợt, ấy vậy mà Tràng đã có vợ thật! Lúc ấy hắn cũng chợn nghĩ “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng” thế nhưng cũng ngay sau đấy hắn tặc lưỡi “chậc, kệ!”. Đó là hành động, là biểu hiện của sự thách thức cái đói cái khổ để hướng đến cuộc sống hạnh phúc mơ ước.
Sau đó, Tràng dẫn thị ra chợ mua vài món đồ. Hắn mua cho thị “cái thúng con con” coi như món quà hồi môn khi về nhà chồng rồi hắn dẫn thị đi ăn một bữa no nê. Giữa những ngày tối sầm lại vì đói khát Tràng lại sẵn sàng bỏ ra hai hào mua dầu về thắp sáng lên cho căn nhà đã thể hiện khát vọng thắp sáng lên cho cuộc đời mình của Tràng và niềm tin vào tương lai. Điều đó lại càng chứng tỏ ở Tràng là một người hào phóng và tâm lí vô cùng.
Trên đường dẫn thị về nhà, ở Tràng đã có những nét chuyển biến rõ rệt về tâm lí được thể hiện rõ trên gương mặt “mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Phải chăng đó là niềm hạnh phúc khi có vợ? Còn về phần thị, đi sau Tràng ba bốn bước, cắp cái thúng con trong dáng vẻ e thẹn, ngại ngùng.Trước sự trêu đùa của lũ trẻ con trong xóm, Tràng “vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng”. Khi những đứa trẻ gào lên trêu đùa anh chỉ bật cười mà đáp “Bố ranh!” còn thị nhíu đôi lông mày tỏ vẻ khó chịu.
Về đến nhà Tràng, thị thở dài khi bước vào nhà Tràng. Phải chăng thị cũng đã thấy lo lắng về cuộc sống sau này? Rồi Tràng lo sợ không hiểu vì sao người vợ nhặt lại buồn đến vậy! Hắn lấm lét bước vội ra sân ngóng mẹ về. Rồi hắn cũng không tin rằng mình đã có vợ, vẫn cảm thấy đầy ngỡ ngàng. Cho đến khi bà cụ Tứ – mẹ hắn trở về, hắn vui vẻ, lật đật chạy ra đón mẹ. Thế rồi hắn từ tốn thưa chuyện với mẹ một cách đầy nghiêm túc của một người đã thực sự trưởng thành. Hắn nói chuyện đầy khéo léo, vừa xác nhận rằng mình đã có vợ lại vừa làm vơi đi sự xấu hổ của người vợ nhặt khiến bà cụ Tứ bớt ngạc nhiên. Có thể thấy đó chính là sự trưởng thành và chín chắn hơn ở Tràng.
Nhìn thấy thị, bà lão ngạc nhiên, đứng sững lại đầy ngỡ ngàng “Quái, sao lại có người đàn nào ở trong nhà mình thế kia?…Sao lại chào mình bằng u?”. Sự ngạc nhiên ấy thể hiện rõ nét qua điệu bộ, cử chỉ, hành động và lời nói của bà cụ Tứ: bước chân run rẩy, đứng sững lại,… Bà lại càng sững sờ hơn nữa khi nghe lời giới thiệu trực tiếp từ cậu con trai “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi “. Và rồi bà lão “cúi đầu nín lặng”. Phía sau cái cúi đầu ấy bà hiểu biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Từ lòng thương con bà lo nghĩ đủ thứ chuyện. Từ việc cưới xin đã không được như bao người rồi lại chuyện trong cái tình cảnh khốn khó này không biết chúng nó có thể nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. Tình thương của người mẹ cứ thế mà hiện lên trong từng suy nghĩ và rồi “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Từ chỗ xót thương cho hoàn cảnh thiếu thốn của gia đình, xót thương cho cậu con trai bà cụ Tứ đã bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc với người con dâu và bà công nhận rằng “bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”. Có thể thấy bà cụ Tứ đã bỏ qua tất cả những lễ nghi nên có, đón nhận người con dâu này bằng cả trái tim bao la của người mẹ chồng. Bà cũng cảm thấy sự quan trọng lớn lao của người vợ nhặt trong cuộc đời của Tràng “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ…”. Sau khi đã chấp nhận người con dâu mới, bà cụ Tứ đã điềm đạm mà nói chuyện với hai con “chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…con ngồi xuống đây…Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Bà cụ nói đầy nhẹ nhàng và thân mật đã phần nào làm vơi đi sự lo lắng của đứa con dâu. Dòng nước mắt của bà càng cho thấy rõ hơn nỗi niềm thương xót, tủi cực cũng như tấm lòng vị tha nhân hậu ở người mẹ này.
Sáng này hôm sau khi thức dậy Tràng nhận ra có điều gì khác lạ lắm “xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”. Hóa ra người vợ nhặt cùng với mẹ hắn đang thu dọn lại căn nhà và sân vườn “nhà cửa, sân nhà hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ,…mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong…người mẹ đang lúi húi giẫy những bụi cỏ…vợ hắn quét lại cái sân..”. Không khí trong nhà hắn rộn ràng, vui tươi hẳn. Trong lúc này, hắn cũng mong mình có thể làm một việc nào đó để góp phần tu sửa căn nhà. Bữa ăn ngày hôm ấy trông thật thảm hại “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo” thế nhưng cả nhà lại ăn rất ngon miệng bởi không ai khác, chính bà cụ Tứ là người đã gợi lên không khí vui tươi ấy qua những câu chuyện vui. Bà dự định nuôi lấy đôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại đã có một đàn gà. Đó chính là tinh thần lạc quan, niềm tin tưởng mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng, ấm no hơn. Sau bữa ăn bà mang ra món chè khoán mà theo mà bà nói thì “ngon đáo để cơ”. “Bà lật đật chạy xuống bếp lễ mễ bưng ra một cái nồi bốc hơi nghi ngút…đặt cái nồi xuống…cầm cái muôi vừa khuấy vừa cười…rồi múc”. Một loạt những hành động ấy đủ để thay thế cho lời động viên và khích lệ các con khi mà cuộc sống còn khó khăn, cái đói vẫn đang quấn lấy đeo đẳng từng ngày. Khi nghe người vợ nhặt kể về những người đói khổ đi theo Việt Minh để phá kho thóc của Nhật Tràng có cảm giác tiếc rẻ, hắn nghĩ rằng hắn sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đến với cách mạng nữa.
Như vậy, ngay trên bờ vực của cái chết, Tràng, thị và cả bà cụ Tứ vẫn luôn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Kim Lân đã thành công trong việc thể hiện giá trị nhân đạo trong toàn truyện ngắn cùng một tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí nhân vật khá tinh tế cùng lối đối thoại sinh động.