Trình bày cảm nhận về bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương – Văn mẫu lớp 11 đặc sắc nhất
Hướng dẫn
Bài thơ Thương vợ được tác giả Trần Tế Xương sáng tác nhằm thể hiện sự trân trọng đối với sự hi sinh thầm lặng của người vợ tần tảo. Anh chị hãy trình bày cảm nhận về bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương để làm nổi bật những giá trị nội dung nổi bật được thể hiện trong tác phẩm.
I. Dàn ý chi tiết cho đề bài phân tích bài thơ Thương vợ
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Trần Tế Xương và tác phẩm “Thương vợ”: Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông về chủ đề này là bài thơ “Thương vợ”
2. Thân bài
- Hình ảnh bà Tú với nghề nghiệp và trách nhiệm trong gia đình: Công việc nhọc nhằn mà lương ít ỏi ấy lại là nguồn thu nhập duy nhất để bà Tú nuôi sáu miệng ăn
- Cuộc đời và thân phận, những đức tính cao đẹp của bà Tú: Bà Tú dù có trong hoàn cảnh như vậy nhưng không hề có một câu kêu ca phàn nàn mà trái lại luôn nhẫn nhịn và chịu đựng
- Nỗi niềm của tác giả và tình cảm của ông dành cho vợ mình: Trần Tế Xương đã nói hộ những thiệt thòi của vợ đồng thời ca ngợi đức hi sinh của người bạn đời
3. Kết bài
Ý nghĩa của bài thơ: Lời thơ là tiếng thở dài đau xót của một con người rất có trách nhiệm nhưng bất lực.
Bài liên quan đến bài thơ Thương vợ:
>>Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương
>>Giới thiệu về bài thơ Thương vợ của tác giả Trần Tế Xương
>>Hướng dẫn soạn văn Thương vợ của Trần Tế Xương đầy đủ chi tiết nhất
>>Cảm nhận về hình ảnh bà Tú thông qua bài thơ Thương vợ của tác giả Trần Tế Xương
II. Bài tham khảo
Khi nói đến thơ trào phúng, chúng ta không thể không nhắc đến Tú Xương, một giọng thơ mang tính đả kích và phê phán sắc sảo hiếm có. Ông không ngần ngại dùng chính ngòi bút của mình để nói lên tình yêu thương của người chồng đối với vợ ngay cả khi các bà còn đang sống. Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông về chủ đề này là bài thơ “Thương vợ”.
Nổi bật trong cả bài thơ là hình ảnh của một cặp vợ chồng rất hạnh phúc, một người vợ tần tảo và giàu đức hi sinh, một người chồng biết cảm thông chia sẻ và yêu thương, quý trọng vợ hết mực. Hai câu thơ đầu hiện lên hình ảnh của bà Tú với nghề nghiệp và trách nhiệm của bà trong gia đình:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Người xưa có câu “phi thương bất phú”, buôn bán trở thành một nghề và cũng như bao nghề khác, người ta buôn bán để kiếm sống, tuy nhiên công việc của bà Tú lại không được như thế. Nơi bà buôn bán chẳng có cửa hàng quán xá gì mà “kinh doanh” ngay ở “mom sông”, mom sông là 1 chỗ đất nhô ra ở bờ sông, nước xuống thì còn mà nước lên thì mất, là cái chợ nhưng chỉ họp một lát buổi sáng hoặc chiều, lèo tèo vài gánh hàng, với việc buôn bán lấy công làm lãi nên chẳng kiếm được bao nhiêu. Ấy vậy mà bà Tú chịu được công việc ấy quanh năm suốt tháng, từ năm này qua năm khác, mặc dù nó chẳng làm cho bà khá lên được, chẳng hề nhàn nhã hơn hay việc buôn bán được phát triển hơn.
Công việc nhọc nhằn mà lương ít ỏi ấy lại là nguồn thu nhập duy nhất để bà Tú nuôi sáu miệng ăn của cả gia đình. “Năm con với một chồng”, năm con là nhiều nhưng việc lo cho chúng đơn giản, chỉ cần miếng cơm manh áo, nhưng để lo cho một ông chồng thì lại bằng cả việc lo cho năm đứa con. Mà có khi còn hơn, bởi mỗi khi ông đi thi, tiền lưng gạo bị lại đổ hết lên đầu bà, rồi tiền chè tiền rượu, tuy nhiều khoản nhưng bà vẫn lo đủ cả. Quả là bà Tú rất đảm đang và tháo vát, một người vợ không những thương mà còn biết chiều chồng. Tuy nhiên để có được tiếng thơm ấy, bà Tú đã phải đánh đổi bằng biế bao công sức nặng nhọc:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Hình ảnh con cò vốn đã rất quen thuộc, những con cò chăm chỉ, hiền lành và biết nhặt nhạnh nơi đồng ruộng, bãi sông chính là biểu tượng của những người phụ nữ cả một đời lam lũ vì chồng vì con, không màng đến bản thân mình. Tú Xương nhắc đến “thân cò” chứ không phải con cò, ý nói rằng đó là thân phận và số phận mong manh nhỏ bé trước những bão vũ của cuộc đời. Vì yếu đuối và bị động mà phải lặn lội, bươn chải để kiếm sống. Hai tính từ “lặn lội” và “eo sèo” đối nhau vừa giàu tính tạo hình lại giàu tính biểu hiện. Một là hình ảnh người phụ nữ gầy yếu như thân cò với gánh nặng trên vai phải một thân một mình bước trầy trật trong lầy lội. Rồi lại một hình ảnh thân cò nữa phải xù lông xù cánh chao chát, cãi cọ để tranh mua tranh bán, xuống cho kịp đò, lên cho kịp chợ, chỗ đông người thì vã cả mồ hôi,nơi quãng vắng thì tuôn trào nước mắt. Bà Tú dù có trong hoàn cảnh như vậy nhưng không hề có một câu kêu ca phàn nàn mà trái lại luôn nhẫn nhịn và chịu đựng:
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”
Những từ ngữ tăng dần: một, hai, năm, mười, gợi lên những khó khăn ngày càng chồng chất, vất vả ngày một tăng dần. Hình ảnh ấy thật kiên cường nhưng lại thật tội nghiệp, Trần Tế Xương đã nói hộ những thiệt thòi của vợ đồng thời ca ngợi đức hi sinh của người bạn đời. Hai câu thơ cuối là lời thơ nhưng lại chính là tiếng chửi:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hỡ hững cũng như không”
Đây không phải là tiếng chửi của người vợ vất vả thiệt thòi mà là người chồng tự chửi mình đấy thôi. Nghe có vẻ chua chát, nhưng nói lên sự thật, bà Tú lấy phải ông chồng chẳng giúp được gì cho gia đình và vợ, lại còn làm gánh nặng để vợ phải nuôi. Thật có mà như không có, còn khổ hơn khi không có.
Qua bài thơ dù ta không nhìn thấy sự xuất hiện của ông Tú nhưng lại thấy rõ con mắt và trái tim của ông. Lời thơ là tiếng thở dài đau xót của một con người rất có trách nhiệm nhưng bất lực, đồng thời cũng là tấm lòng cảm phục và biết ơn chân thành của người chồng đối với vợ của mình.
Theo Tapchivanhoc.com