Thuyết minh về một tác giả văn học: Xuân Diệu, Đỗ Phủ –  BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 10 ĐỀ 2

Nhà văn chính là người tạo nên linh hồn cho tác phẩm, cũng là người gây dựng nên sức sống và giá trị của những thời đại văn học. Thời gian qua đi, những chiến lũy được dựng lên và phá bỏ, những vùng đất lại được rộng mở hoặc mất đi, con người ta sinh ra rồi ngã xuống, nhưng có những thứ không thể nào biến mất. Đó là những giá trị tinh thần mà ta gửi lại cuộc sống, cho thể hệ mai sau. Có những người dẫu đã về với lòng đất nhưng tên của họ vẫn được nhắc đến hằng ngày, tác phẩm của họ vẫn đến với người đọc bao thế hệ. Có thể kể đến L. Tolstoy với bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, Dostoyevsky với “Tội ác và trừng phạt”, Ngô Thừa Ân với “Tây du kí” hay Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều”, Nguyễn Trãi hay rất nhiều các nghệ sĩ khác. Trong chương trình lớp 10, các bạn sẽ gặp đề bài thuyết minh về một tác giả văn học. Với dạng bài này, cần làm đúng theo những yêu cầu của một bài thuyết minh về con người. Hãy chọn một tác giả mà bạn yêu thích nhất nhé. Sau đây là những bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn thành công.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 10 ĐỀ 2 THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC GIẢ VĂN HỌC- TÁC GIẢ ĐỖ PHỦ

Một trong những nền văn học có ảnh hưởng lớn nhất đến thơ ca Việt Nam thời phong kiến và cả sau này chính là thơ Đường. Đường thi- nơi nảy nở của biết bao bông hoa văn học, nơi tỏa sáng của những tài năng nghệ thuật có một không hai mà những nghệ sĩ đời sau vẫn phải thán phục và học hỏi. Và nhắc đến thơ Đường, một nhà thơ không thể không nhắc đến, đó chính là Thi Thánh Đỗ Phủ.

Đỗ Phủ sinh năm 712, mất năm 770, người tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc, tự cho là dòng dõi vua Nghiêu đã sa sút. Cha ông tên Đỗ Nhàn, mẹ là Thôi thị xuất thân từ gia tộc danh giá Thanh Hà Thôi thị. Là con trai của một học giả, quan lại bậc thấp, thời trẻ ông được tiếp xúc với nền giáo dục Trung Hoa từ nhỏ

Trong suốt cuộc đời của mình, tham vọng lớn nhất của Đỗ Phủ là có được một chức quan để giúp dân giúp nước, nhưng ông đã không thể thực hiện được điều này. Những năm từ 730 đến 755, ông đã nhiều lần đi thi nhưng đều bị đánh hỏng hoặc chỉ làm những chức quan nhỏ, không thỏa được chí lớn. Ông đã có 10 năm sống nghèo khổ ở Trường An để hiểu và thấu hết những nỗi thống khổ và cơ cực của những người nhân dân ở lớp dưới. Cuộc đời ông, không thoát khỏi thời mà ông đang sống, bị điêu đứng vì Loạn An Lộc Sơn năm 755, và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian hầu như không ngừng biến động. Rơi vào cảnh túng quẫn, ông đã phải gửi thư xin sự giúp đỡ của người quen. Bệnh tật và đi lưu lạc tứ phương, cuối cùng thi nhân lại chết trên một con thuyền rách nát.

Thơ của Đỗ Phủ thấm máu và nước mắt của nhân dân thời buổi loạn ly. Nếu trong thơ Lý Bạch có dòng sông hát ca, chim muông ríu rít, vầng trăng duyên dáng thì trong thơ Đỗ Phủ dòng sông nức nở, vầng trăng thổn thức và chim muông, cỏ cây câm lặng, úa vàng. Người đời gọi thơ ông là một tập Thi sử (một bộ sử viết bằng thơ). Đọc những tác phẩm của ông, chúng ta có thể thấy được những nét chính của đời sống chính trị, xã hội đời Đường trước và sau loạn An Sử. Trước loạn An Sử (755 – 763) thực trạng phổ biến là thói ăn chơi xa dọa, dâm đãng của vua quan và chiến tranh bành trướng xâm lược. Nhà thơ lớn của nhân dân đã cùng nhịp thở với trăm họ, đứng ở vị trí của những nạn nhân mà cất lên tiếng kêu không thể kìm nén được. Bài thơ “Lệ nhân hành” của ông đã miêu tả chân thực cảnh yến tiệc linh đình của chị em Dương Quý Phi cùng với các vương tôn công tử bên bờ sông. Ở đó, đũa làm bằng sừng tê ngưu, thức ăn là bướu lạc đà. Kèn sáo vang động cả quỷ thần mà họ không buồn nghe, thức ăn quý do bếp nhà vua dâng họ không buồn gắp. Giọng thơ đều đều như khách quan mà không giấu được uẩn ức. Những câu thơ nổi tiếng của ông trong bài “Tự kinh đô phó Phụng Tiên” (Từ kinh đô về huyện Phụng Tiên) được nhân dân truyền tụng như:

  • “Chu môn tửu nhục xú
  • Lộ hữu đống tử cốt
  • Vinh khô chỉ xích dị
  • Trù trướng nan tái thuật”
  • (Cửa son rượu thịt ôi
  • Ngoài đường đầy xác chết
  • Sướng khổ cách gang tấc
  • Quặn lòng không nói được)

Đất nước điêu linh, nhân dân lầm than, nhưng triều đình vẫn liên tục phát động chiến tranh để mở mang bờ cõi. Đỗ Phủ đã đứng về phía những người dân bị bắt phu bắt lính, cất tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa. Những bài thơ có thể kể đến là “Binh sa hành”, “Tiền xuất tái”, “Hậu xuất tái” để châm biếm bọn tướng tá lấy việc chinh phạt để tiến thân. Thay cho tiếng nói của hàng vạn sinh linh, Đỗ Phủ cất tiếng chất vấn nhà vua:

  • “Mỗi nước có biên thuỳ
  • Chỉ cần chặn xâm lược
  • Tàn sát để làm chi?”

Loạn An Sử nổ ra, triều đình phải mất 8 năm mới dẹp yên được. Nhân dân rơi vào cảnh lầm than, điêu đứng. Hai hiện tượng phổ biến trong những năm tháng loạn ly này là cảnh bắt lính, bắt phu và cảnh chia ly thê thảm. Những tác phẩm tiêu biểu của ông thời kì này có chùm thơ “Tam lại” (viết về cảnh nha lại bắt lính, bắt phu), chùm thơ “Tam biệt” (nói về cảnh ly biệt giữa đôi vợ chồng già giữa đôi vợ chồng trẻ và giữa một người lính già với ngôi nhà bị phá rụi), bài “Nha lại bắt lính ở Thạch Hào” (Thạch Hào lại) vẽ nên một cảnh tượng điển hình: Nha lại chờ lúc mọi người ngủ say để xông vào nhà bắt lính. Nhà thơ tự nén mình trước tiếng khóc uẩn ức của xóm làng, nhân dân trong những ngày “đêm trường dạ tối tăm trời đất”. Bài “Tân hôn biệt” (Cuộc chia ly của đôi vợ chồng trẻ mới cưới) là hình ảnh thê thảm của người vợ trẻ:

  • “Cưới chiều hôm, vắng sớm mai
  • Duyên đâu lật đật cho người dở dang.”

Gọi thơ ông là Thi sử bởi vì cái ấn tượng binh đao khói lửa nội chiến mà thơ ông gieo vào lòng người còn sâu sắc gấp trăm lần các bộ sách viết về thời này.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Nhưng Đỗ Phủ không hề “viết sử” một cách khách quan. Ông đã đứng hẳn về phía “dân đen”, coi nỗi đau của họ như nỗi đau của chính mình, ước mong san sẻ gánh năng cơm áo và dằn vặt tâm linh với họ. Tư tưởng nhân đạo của Đỗ Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo dưới thời phong kiến. Bài “Mao ốc vi thu phong sở phá ca” thể hiện rõ nhân cách của ông. Trong cảnh màn trời chiếu đất trên con đường chạy loạn, dựng được túp lều tranh cũng bị gió đánh sập, ông đau đớn cho thân phận mình nhưng cũng không quên nghĩ đến những “hàn sĩ” như mình:

  • “Ước gì có được ngôi nhà vạn gian
  • Che cho kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ, ai nấy đều hân hoan.”

Trong bài “Hựu trình Ngô lang” (Lại nhắn người họ Ngô), ông thể hiện cái nhìn hiện thực sắc sảo của mình qua chiêm nghiệm: ăn trộm là do nghèo đói, nghèo đói là do thuế khoá, chiến tranh.

Như vậy, có thể thấy, Đỗ Phủ đã cùng nhịp thở với nhân dân của mình trước vận nước và trong cảnh đói nghèo, loạn ly. Ông viết về mọi đề tài. Và mỗi bài thơ ông viết không có bài nào thoát ly khỏi thời cuộc. “Đỗ Phủ là nhà thơ chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc”.

Khác với Lý Bạch – nhà thơ lãng mạn, ngòi bút Đỗ Phủ luôn bám chặt vào cuộc đời. Lương Khả Siêu khẳng định: ông là nhà thơ “tả thực chi tiết”. Ông là người “đã thống nhất trong tác phẩm của mình những nét tiêu biểu mà người trước mới chỉ đề cập riêng lẻ”. Đỗ Phủ còn là người tài nghệ trong mọi phong cách thơ Trung Quốc. Ở bất cứ hình thức nào ông đều mang lại những tiến bộ vượt bậc hay đóng góp những ví dụ mẫu mực. Ông lại đặc biệt chú trọng ngôn từ thơ ca, chủ trương “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (lời thơ không làm người ta kinh hoàng thì chết không nhắm mắt). Thơ ông có phạm vi sử dụng từ vựng rộng lớn, từ cách nói trực tiếp và thông tục cho đến cách nói bóng và ngôn ngữ văn chương. Nội dung chính trong thơ đã thay đổi khi ông phát triển phong cách của mình để thích hợp với hoàn cảnh xung quanh.. Do vậy thơ ông gieo vào lòng người đọc ấn tượng sâu sắc về cuộc sống, về nỗi cơ cực của nhân dân, về số phận “gian nan khổ hận” cùng cảnh ngộ với “dân đen” của chính ông.

Xem thêm:  Tổng hợp stt buồn chất như nước cất khiến bạn suy ngẫm

Ảnh hưởng của Đỗ Phủ đến đời sau rất sâu sắc. Về nhân cách, ông dạy con người luôn luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Về sáng tác thơ ca: thành công của nhà thơ tùy thuộc vào vốn sống của nhà thơ, vào độ chính trong quá trình chiếm lĩnh hiện thực. Về tài năng thơ ca, một tài năng siêu việt được Nguyễn Du tôn làm bậc thầy của văn chương muôn thuở. Sự nổi tiếng của Đỗ Phủ lớn tới mức có thể đo được, như trường hợp của Shakespeare ở Anh. Mỗi nhà thơ Trung Quốc đều khó có thể không bị ảnh hưởng từ ông: Mối quan tâm của Bạch Cư Dị tới dân nghèo, lòng yêu nước của Lục Du hay các phản ánh cuộc sống hàng ngày của Mai Nghiêu Thần là những dẫn chứng tiêu biểu.

Trước Đỗ Phủ không có “Đỗ Phủ”, sau “Đỗ Phủ” cũng không thể tìm kiếm được một Đỗ Phủ thứ hai. Đó là vị Thi Thánh còn sống mãi trong lịch sử văn học Trung Hoa và thế giới.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC GIẢ VĂN HỌC-TÁC GIẢ XUÂN DIỆU

Cuộc đời người nghệ sĩ gắn với lúc thăng lúc trầm, lúc được yêu thương, khi lại bị ghét bỏ. Nhưng trên hết, nghệ thuật của họ còn ở lại với đời mãi ngàn năm sau, người ta sẽ vẫn nhắc đến những người nghệ sĩ ấy để ngưỡng mộ, biết ơn. Chúng ta sẽ chẳng thể không nhắc đến Xuân Diệu như một nghệ sĩ lớn của dân tộc, người đã dìu dắt thơ ca qua cả những bước thăng trầm!

Xuân Diệu sinh năm 1916 và mất năm 1985, tên thật là Ngô Xuân Diệu, có khi lấy bút danh là Trảo Nha, chính là tên làng của vùng đất quê ông. Cha ông là người Hà Tĩnh nhưng ông lại lớn lên ở vùng đất Quy Nhơn. Chính vì vậy, mà trong ông có cái cần cù ham học của người dân Hà Tĩnh, cũng lại dạt dào cả nắng và gió của vùng biển Quy Nhơn. Chính quê hương đã trở thành yếu tố quan trọng làm nên hồn thơ Xuân Diệu. Ông là con của một nhà nho, được học tập trong môi trường của văn hóa Pháp. Vì vậy, thơ ông vẫn giữ được những nét cổ điển ngàn đời của Việt Nam, nhưng lại mang đậm làn gió phương Tây mới lạ. Đây chính là bước đệm để Xuân Diệu trở thành ‘nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới’. Chính ông cũng đã phải thừa nhận:

  • “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
  • Hai chàng thi sĩ đắm hơi men”

Xuân Diệu phát triển sự nghiệp rực rỡ nhất trong những 30-45 của thế kỉ XX. Đó là khi thơ ca bước vào công cuộc đổi mới, cái tôi cá nhân được đề cao hơn bao giờ hết. Với hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”, Xuân Diệu trở thành một nhà thơ trữ tình lớn, được Hoài Thanh ưu ái gọi với cái tên “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Tham gia vào Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu như một chủ soái của phong trào thơ Mới. Sự nghiệp của ông còn được đánh dấu bằng truyện ngắn “Phấn thông vàng”, tác phẩm “Trường ca” và một loạt các phê bình lí luận văn học. Để lại cho đời cả một kho tàng văn học đồ sộ, Xuân Diệu đã tự kí thác cuộc đời mình vào sự vĩnh viễn của thời gian. Khi cách mạng nổ ra, Xuân Diệu trở về thực hiện nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Thành quả của ông đã được ghi nhận bằng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, là lời khẳng định cho một tài năng lớn.

Xem thêm:  Một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị) hằng yêu thích (Dân ca quan họ Bắc Ninh)

Nói về thơ Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa dùng ba chữ “tài hoa, tinh tế, sang trọng”. Thơ của ông ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học phương Tây, đặc biệt là Pháp, từ cả nội dung cảm hứng đến hình thức thơ. Chính vì vậy mà Xuân Diệu thường có những phát hiện rất mới trong thơ của mình. Ông thường quan niệm, thời gian tuyến tính, một đi không trở lại. Bởi vậy, ông luôn tiếc nuối thời gian, tuổi trẻ đã qua. Có một thi sĩ đứng giữa mùa xuân mà lòng ngậm ngùi:

  • Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
  • Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Không chỉ là thời gian, điều ông tiếc nuối hơn cả chính là tuổi trẻ. Đối với ông, con người trong thì tươi, thì xanh là đẹp đẽ nhất, đáng sống nhất. Tuổi trẻ qua đi nghĩa là đời người cũng chẳng còn nữa:

  • Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
  • Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Quan niệm ấy ảnh hưởng mạnh mẽ từ tư tưởng của phương Tây: “Ôi đau đớn, thời gian ăn cuộc đời”

Khác với các nhà thơ cùng thời trốn tránh thực tại, Xuân Diệu yêu thiết tha mảnh đất trần thế, ông tìm được vẻ đẹp tươi xanh nên trần gian này. Thi sĩ ấy luôn khát khao sống cho cho hưởng thụ được vẻ đẹp của cuộc đời:

  • Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn
  • Làm dây da quấn quýt cả mình xuân
  • Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần
  • Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất

Có lẽ chỉ đến với Xuân Diệu, ta mới được hưởng thụ một cặp mắt nhìn đời xanh non biếc rờn như vậy. Không chỉ yêu đời, chàng thi sĩ ấy còn luôn muốn đắm mình vào tình yêu, khát khao yêu được đáp trả lại. Thật không sai khi người ta gọi Xuân Diệu là “ông hoàng của thơ tình”:

  • Yêu, là chết ở trong lòng một ít
  • Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?

Nói về đặc sắc nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu, ta không thể không nhắc đến những sáng tạo về mặt từ ngữ của ông. Ảnh hưởng từ luồng văn hóa phương Tây, ông thường có những từ ngữ mới lạ như “Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Thơ của ông thường là sự tương giao mạnh mẽ giữa các giác quan “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Thi sĩ Xuân Diệu đã thực sự thổi vào thơ ca Việt Nam một luồng gió mới mát mẻ hơn, tươi sáng hơn.

Ngoài thơ ca, Xuân Diệu cũng đã đến với truyện ngắn và phê bình như một duyên cớ. Truyện ngắn “Phấn thông vàng” của ông đánh dấu cho một tài năng viết truyện ngắn sắc sảo tinh tế. Người ta cũng biết đến Xuân Diệu với “Ba đại thi hào dân tộc”, “Tiếng thơ”, “Dao có mài mới sắc”,… Chính ông đã từng khẳng định: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết.”. Và đúng thật, Xuân Diệu dùng thơ văn của mình vượt cả thời gian và không gian.

Thời gian rồi sẽ trôi qua, nhưng vẫn sẽ có một Xuân Diệu ở phía sau tâm hồn mỗi con người. Chàng thi sĩ ấy đã giữ trọn trái tim người đọc một cách đắm say mà ngây ngất như vậy!

Nguồn Internet

Check Also

cap nhat nhanhca415 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *