Tả chiếc trống trường em – Văn mẫu lớp 4 đầy đủ đặc sắc nhất
Hướng dẫn
Đối với mỗi học sinh, chiếc trống trường đã trở nên vô cùng quen thuộc, tiếng trống trường không chỉ là âm thanh báo hiệu thời gian cho các tiết học mà còn gắn liền với biết bao kỉ niệm tuổi học trò. Em hãy viết một bài văn miêu tả tiếng trống trường em.
I. Dàn ý chi tiết cho đề cho đề bài tả chiếc trống trường em
1. Dàn ý 1
a. Mở bài cho đề tả chiếc trống trường em
Giới thiệu về chiếc trống trường em định tả. Giới thiệu bằng cách đưa ra tiếng kêu của nó mà em nhớ nhất và sự gắn bó của em và các bạn học sinh về chiếc trống trường.
b. Thân bài cho đề tả chiếc trống trường em
Tả hình dáng bên ngoài của chiếc trống
– Chiếc trống trường có hình dạng giống như cái chum to, được nằm ngang vè treo trên một cái dây ngay cạnh phòng của chú bảo vệ. Xung quanh của chiếc trống được làm bằng gỗ được sơn màu đỏ, bên trong rỗng để âm thanh được vang to. Hai đầu hai bên được làm bằng da trông rất căng và mịn
Tả âm thanh của chiếc trống
– Âm thanh của chiếc trống rất đa dạng
+ Khi tiếng trống báo hiệu vào giờ học thì vồn vã, dồn dập như thúc giục em vào lớp
+ Âm thanh của tiếng trống khi báo hiệu hết giờ sau mỗi tiết học thì mỗi hồi dài
+ Tiếng trống đánh khi chúng em tập thể dục giữa giờ thì được từng nhịp tập “ Tùng, cắc, tùng, cắc”
+ Nhưng chắc để lại ấn tượng nhiều nhất trong mỗi bạn học sinh là tiếng trống trường khai giảng được cô hiệu trưởng đánh lên
Tác dụng và kỉ niệm với tiếng trống trường
– Tiếng trống trường như một bác đồng hồ báo hiệu cho chúng em khi vào giờ học, khi hết tiết học để nghỉ ngơi giữa giờ hay là đến giờ ra về. Tiếng trống trường vang lên khi chúng em tập thể dục đúng nhịp. Tiếng trống trường cũng như hồi vang để bắt đầu một năm học mới đầy hứng khởi.
c. Kết bài cho đề tả chiếc trống trường em
Tình cảm với chiếc trống trường: Em vô cùng yêu quý chiếc trống trường bởi nó như một người bạn thân thiết, gần gũi với em và với tất cả các bạn học sinh. Dù sau này có đi đâu, và làm gì nhưng những tiếng, âm thanh của nó mãi mãi in sâu trong tâm trí em.
2. Dàn ý 2
a. Mở bài
Giới thiệu chung về cái trống em sẽ tả: đó là cái trống trường em, gần gũi với mỗi cô cậu học trò
b. Thân bài
– Miêu tả hình dáng của cái trống:
+ To như cái lu đựng nước,cao tầm mọt mét, màu đỏ
+ To ở giữa và khum lại ở hai đầu
+ Mặt trống được làm bằng da trâu, ngang lưng có hai cái đai thắt
– Âm thanh tiếng trống và công dụng của âm thanh ấy:
+ Báo hiệu giờ vào học, giờ ra chơi, giờ tan trường
+ Báo hiệu bắt đầu và kết thúc một năm học
+ Tiếng trống trong các giờ sinh hoạt và trong các lễ hội
c. Kết bài
Cảm nghĩ của em vê cái trống trường: gần gũi, gắn bó và sẽ nhớ mãi không bao giờ quên.
3. Dàn ý 3
a. Mở bài
Giới thiệu cái trống trường em mà em định tả: Đã bốn năm học trên mái trường này, em đã có cảm giác thân thuộc với mọi thứ, đặc biệt là với âm thanh của chiếc trống trường
b. Thân bài
Miêu tả các bộ phận và đặc điểm của cái trống
- Miêu tả hình dáng của cái trống: trông cái trống tròn như cái chum nở ở giữa trống và khum nhỏ dần về 2 đầu phía đáy và mặt trống
- Miêu tả âm thanh của tiếng trống: Tiếng trống “Tùng! Tùng! Tùng” làm ai nấy đều nhanh chân bước vào lớp chuẩn bị vào giờ học
- Công dụng của trống trường: khi có lớp học thể dục tiếng trống là tiếng nhịp “Cắc, tùng! cắc, tùng” rất đều đặn
c. Kết bài
Tình cảm của em với chiếc trống trường: Hình ảnh cái trống cục mịch, âm thanh ròn rã sẽ còn lưu giữ mãi trong những kỉ niệm ấu thơ của em.
II. Bài tham khảo cho đề tả chiếc trống trường em
1. Bài tham khảo số 1
“ Tùng! Tùng! Tùng!” Đó là âm thanh của vật gì mà nghe quen thuộc đến vậy. Đó chính là âm thanh của tiếng trống trường đấy. Nó là một vật gắn bó thân thiết đối với em và đối với tất cả các bạn học sinh khi còn đi học.
Chiếc trống trường có hình dạng giống như cái chum to, được nằm ngang và treo trên một cái dây ngay cạnh phòng của chú bảo vệ. Xung quanh của chiếc trống được làm bằng gỗ được sơn màu đỏ trong hết nổi bật. Bên trong của trống rỗng để âm thanh được vang to. Hai đầu hai bên được làm bằng da màu nâu nhạt trông rất căng và mịn. Một vật quan trọng hơn nữa là cây dùi dài tầm 30 – 40 cm, tròn ở hai đầu, làm bằng gỗ và được đặt ngay cạnh chiếc trống.
Âm thanh của chiếc trống mới thật là đa dạng để cho tất cả các bạn học sinh đều chú ý đến. Tiếng trống vang lên khi báo hiệu vào giờ học thì vồn vã, dồn dập như thúc giục em và các bạn vào lớp để bắt đầu tiết học.Tiếng trống ấy cũng vang lên báo hiệu khi hết giờ sau mỗi tiết học thì vang thành hồi dài. Tiếng trống đanh khi chúng em tập thể dục giữa giờ thì kêu lên từng nhịp “ Tùng, cắc! Tùng, cắc”.Đến trống bao hiệu giờ ra về là lúc đó học sinh chạy ùa ra như đàn chim non vỡ tổ. Nhưng chắc để lại ấn tượng nhiều nhất trong mỗi bạn học sinh là tiếng trống trường khai giảng vang lên vởi cô hiệu trưởng đánh lên. Vào mỗi đợt khai giảng ngày 5/9 khi bắt đầu một năm học mới, cô hiệu trưởng sẽ đánh một hồi trống dài để báo hiệu năm học mới và chúc một năm học thành công.
Tiếng trống trường như một bác đồng hồ báo hiệu cho chúng em khi vào giờ học, khi hết tiết học để nghỉ ngơi giữa giờ hay là đến giờ ra về. Tiếng trống trường vang lên khi chúng em tập thể dục đúng nhịp. Tiếng trống trường cũng như hồi vang để bắt đầu một năm học mới đầy hứng khởi.
Em vô cùng yêu quý chiếc trống trường bởi nó như một người bạn thân thiết, gần gũi với em và với tất cả các bạn học sinh. Dù sau này có đi đâu, và làm gì nhưng những tiếng, âm thanh của nó mãi mãi in sâu trong tâm trí em.
2. Bài tham khảo số 2
Ở trường học có rất nhiều đồ vật gần gũi và gắn bó với chúng em: bảng đen, phấn trắng, ghế bàn, sách vở… nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất với mỗi cô cậu học trò chắc hẳn là cái trống trường.
Chiếc trống của trường em rất to và oai vệ, được đặt ở hành lang nhà Hiệu bộ. Cái trống to bằng cái lu đựng nước và cao tầm một mét. Cái trống trông tròn như cái chum, phình to ở giữa và khum lại ở hai đầu. Anh trống khoác lên mình chiếc áo màu đó, trông rất đẹp. Hai mặt trống được làm bằng da trâu dày và nhẵn bóng. Ngang lưng trống có thắt hai cái đai bằng mây bện to như con rắn cạp nong trông rất oai phong. Xung quanh mặt trống được viền kĩ bằng nhưng chiếc đinh, trông rất chắc chắn. Cạnh bên cái trống bao giờ cũng có một chiếc dùi bằng gỗ tròn và dài khoảng bốn mươi xăng-ti-met.
Âm thanh của tiếng trống trường mới tuyệt vời làm sao. Tiếng trống vang “Tùng…tùng…tùng…” báo hiệu giờ vào học, giục dã chúng em nhanh chân bước vào lớp để bắt đầu một giờ học với biết bao điều thú vị. Giờ ra chơi, tiếng trống reo vui rộn rã, như cùng vui chơi, nô đùa với chúng em sau những tiết học căng thẳng. Tiếng trống giờ tan trường khác hẳn, nó vang lên những hồi giòn dã và ngân dài như thúc dục chúng em nhanh trở về nhà, nghỉ ngơi, thư giãn để chuẩn bị cho ngày học mới. Không những thế, tiếng trống trường còn như chiếc đồng hồ thời gian báo hiệu một năm học mới bắt đầu trong lễ khai giảng và báo hiệu kết thúc một năm học. Tiếng trống ấy còn đồng hành cùng chúng em trong các giờ tập trung sinh hoạt giữa trường và trong các ngày lễ hội.
Trong suốt những tháng ngày đi học, trống trường luôn là người bạn gần gũi, thân thiết với mỗi cô cậu học trò và với em cũng vậy. Sau này, dù có đi tới bất cứ nơi đâu, chắc hẳn hình ảnh chiếc trống trường và âm thanh trang nghiêm của nó sẽ mãi còn trong tâm trí em.
3. Bài tham khảo số 3
Đã bốn năm học trên mái trường này, em đã có cảm giác thân thuộc với mọi thứ, đặc biệt là với âm thanh của chiếc trống trường. Và chắc hẳn các bạn học sinh từ lớp một đến nay đều không xa lạ với chiếc trống trường, một âm thanh thân thuộc và đáng nhớ.
Chiếc trống được đặt ở hành lang tầng 1 dãy nhà của giáo viên, nằm trên cái giá sắt được kê chắc chắn, trông cái trống tròn như cái chum nở ở giữa trống và khum nhỏ dần về 2 đầu phía đáy và mặt trống. Thân trống được ghép bằng nhiều mảnh gỗ với độ dày, dài và chiều ngang đều nhau, các mảnh gỗ được quét qua lớp sơn mỏng trông rất bóng và đẹp. Quanh lưng trống được quấn vành to như hai con rắn cặp nong trông khỏe khắn và hùng dũng. Phía đầu trống được bịt kín bằng da trâu rất nhẵn, các ghim bằng tre kéo mặt trống giúp cho mặt trống rất căng và phẳng. Tiếng trống “Tùng! Tùng! Tùng” làm ai nấy đều nhanh chân bước vào lớp chuẩn bị vào giờ học, khi có lớp học thể dục tiếng trống là tiếng nhịp “Cắc, tùng! cắc, tùng” rất đều đặn. Khi tiếng trồng kêu một hồi dài là chúng em lại được xả hơi bằng những giờ ra chơi.
Chỉ một năm nữa thôi là em phải xa mái trường này để đến một mái trường cấp hai, có thể ở đó sẽ có tiếng chuông thay thế chp tiếng trống nhưng dù như vậy em cũng sẽ không bao giờ quên tiếng trống ở mái trường này. Hình ảnh cái trống cục mịch, âm thanh ròn rã sẽ còn lưu giữ mãi trong những kỉ niệm ấu thơ của em.
Theo Tapchivanhoc.com