Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Hàn Mặc Tử. Chúng ta đã từng được biết đến một hồn thơ rạo rực, say mê như Xuân Diệu, quê mùa như Nguyễn Bính, buồn ảo não như Huy Cận. Để hoàn thiện bức tranh Thơ mới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Hàn Mặc Tử qua bài thơ Đây thôn vĩ Dạ. Bài thơ gợi về cảnh và người thôn Vĩ, đồng thời cũng gợi nỗi niềm khắc khoải, khao khát hòa nhập với cuộc đời của một hồn thơ đang trong cảnh tuyệt vọng, bế tắc. Với Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử cũng thể hiện rõ những cá tính làm nên phong cách nghệ thuật, tạo dấu ấn riêng trong phong trào Thơ mới. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
SOẠN BÀI ĐÂY THÔN VĨ DẠ
I- Tìm hiểu chung về bài Đây thôn Vĩ Dạ
1. Tác giả
- Hàn Mặc Tử tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, xuất thân trong một gia đình công giáo nghèo
- Năm 14, 15 tuổi, Hàn Mặc Tử đã làm thơ và nổi tiếng là thần đồng
- Hàn Mặc Tử là hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới. Thơ Hàn Mặc Tử đan xen những gì thân thuộc, thanh khiết, thiêng liêng nhất với những điều ghê rợn, ma quái, cuồng loạn nhất
- Một số tác phẩm tiêu biểu: Gái quê, Thơ Điên(Đau thương)…
- Ông mắc bệnh phong và mất tại trại phong Tuy Hòa, sống một cuộc đời ngắn ngủi và bất hạnh
2. Tác phẩm
Đây thôn Vĩ Dạ được gợi cảm hứng từ một tấm thiệp của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử để động viên, an ủi khi bà nghe tin nhà thơ bị bệnh phong
3. Bố cục
- Khổ 1: Cảnh và người thôn Vĩ
- Khổ 2: Cảnh vừa thực vừa ảo hòa quyện, tâm trạng mong ngóng
- Khổ 3: Cảm xúc mơ tưởng, hoài nghi
II- Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ
Câu 1 trang 39 SGK văn 11 tập 2:
Nét đẹp của phong cảnh:
- Cái nắng đầu tiên của ngày mới trong trẻo, tinh khôi và những thân cây mới mẻ, thanh tân
- Vườn thôn Vĩ ngời lên một sức sống tràn trề, óng ả, màu “xanh như ngọc” gợi sự trong trẻo và sang trọng=> Cảnh vật trẻ trung, tươi mới, vừa đơn sơ, lộng lẫy vừa thnah tú, cao sang
- Lá trúc thanh mảnh che ngang mặt chữ điền gợi sự hài hòa giữa người và cảnh
Tâm trạng của tác giả
- Say đắm một miền quê thơ mộng
- Tình yêu đối với cảnh sắc thôn Vĩ và niềm yêu đời, yêu cuộc sống
- Nhớ mong vời vợi những khắc khoải chia phôi
Câu 2 trang 39 SGK văn 11 tập 2:
Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ 2 hiện lên hoang vắng rợn ngợp và thấm thía nỗi buồn sự cách trở thê lương. Nỗi buồn của thi sĩ hòa nhập với nỗi buồn xứ Huế. Trong tâm trạng phiêu tán ấy bật lên một ước ao, hy vọng rằng có thứ gì đó trở về với mình để níu giữ bám víu. Hi vọng vừa lóe lên đã chìm vào phấp phỏng hoài nghi, khấp khoải mong đợi và thấp thỏm lo âu.
Câu 3 trang 39 SGK văn 11 tập 2:
Tâm sự của nhà thơ: Nhà thơ tha thiết hướng về một hình bóng cụ thể: khách đường xa nhưng tất cả lại chìm vào trong hư ảo và diệu vợi: áo em trắng quá nhìn không ra. Nhà thơ bộc lộ một niềm ngạc nhiên, đầy đam mê nhưng cũng thật hụt hẫng xót xa. Có một vẻ đẹp mà nhà thơ mãi tôn thờ đang tuột khỏi tầm tay
“Ai biết tình ai có đậm đà” biểu hiện một niềm tha thiết với cuộc đời. Câu thơ là nỗi buồn khắc khoải, xót xa nhưng cũng là khao khát khôn nguôi hướng về tình người, tình đời rộng lớn: mong chờ người ta hiểu tình cảm của mình hoặc không biết liệu mình có thể hiểu tình cảm của người ta không. Nhà thơ khao khát được thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương, dẫu vô cùn đớn đau, tuyệt vọng nhưng vẫn không thôi khao khát
Câu 4 trang 39 SGK văn 11 tập 2:
Tứ thơ và bút pháp của bài thơ:
- Tứ thơ bắt đầu từ cảnh và người thôn Vĩ, từ đó gợi ra những liên tưởng vừa hư vừa ảo gắn liền với những lo lắng, khắc khoải, mặc cảm và khao khát hạnh phúc
- Bút pháp ảo hóa làm hình ảnh thơ giàu sức liên tưởng, nhiều lớp ý nghĩa
III- Luyện tập Đây thôn Vĩ Dạ
Câu 1 trang 40 SGK văn 11 tập 2:
Những câu hỏi tu từ đều không hướng tới một đối tượng cụ thể mà có tác dụng giúp bộc lộ tình cảm, cảm xúc của tác giả:
- Sao anh không về chơi thôn Vĩ: cái cớ đáng yêu gợi kỉ niệm về thôn Vĩ Dạ
- Có chở trăng về kịp tối nay: bộc lộ những khao khát, khắc khoải và cả hoài nghi
- Ai biết tình ai có đậm đà: khao khát được thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương
Câu 2 trang 40 SGK văn 11 tập 2:
Hoàn cảnh và nội dung bài thơ gợi những suy nghĩ:
- Nhà thơ sáng tác trong hoàn cảnh đang bi quan, bế tắc, tuyệt vọng vì phải sống trong bệnh tật đau đớn
- Tuy nhiên, nội dung bài thơ vẫn thể hiện niềm khao khát hướng đến cuộc sống dù có cô đơn, đau đớn, tuyệt vọng
=> Thương xót cho một tài năng chịu nhiều bất hạnh, càng trân trọng hơn những nỗ lực, cố gắng sáng tạo của tác giả
Câu 3 trang 40 SGK văn 11 tập 2:
Đây là bài thơ về cả tình yêu và tình quê:
- Bài thơ khắc họa vẻ đẹp của cảnh và người thôn Vĩ, qua đó thấy được tình yêu tha thiết của tác giả đối với con người và cuộc sống
- Bài thơ thể hiện tình yêu đơn phương của tác giả đối với Hoàng Cúc nhưng xa hơn, đó là tình cảm hướng đến cuộc đời rộng lớn, khao khát được hòa nhập với cuộc đời
Nguồn Internet