Ca dao là cây đàn muôn điệu cất lên tiếng nói tâm hồn của người bình dân xưa. Kể từ khi ra đời đến nay, ca dao đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, giúp họ quên đi những giờ phút vất vả, khó nhọc của cuộc sống lao động hàng ngày. Ca dao vẫn tồn tại trong đời sống ngày nay như khúc hát tâm tình đầy ngọt ngào nhưng cũng không kém phần tình tứ, ý nhị. Vì vậy, ca dao được coi như viên ngọc quý của tâm hồn người Việt. Trong kho tàng ca dao phong phú, không thể không kể đến những bài ca dao than thân và yêu thương tình nghĩa. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn soạn bài Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa lớp 10 hay đầy đủ nhất
SOẠN BÀI CA DAO THAN THÂN, YÊU THƯƠNG TÌNH NGHĨA
1. Bài 1, 2 trang 84 SGK văn 10 tập 1:
a. Người than thân là người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng cuộc đời không được như ý muốn, chịu nhiều ấm ức
b. Hình ảnh và thân phận người phụ nữ trong hai bài ca dao:
- Bài 1: Người phụ nữ ý thức được vẻ đẹp duyên dáng, nữ tính, đáng được trân trọng của mình nhưng lại cảm thấy chới với, đắng cay vì không thể lựa chọn, quyết định hạnh phúc, tương lai của mình
- Bài 2: Là lời khẳng định về vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ dù cho vẻ bề ngoài có xấu xí. Bài ca dao còn là lời mời mọc của người con gái, thể hiện khao khát được thấu hiểu, yêu thương và hạnh phúc, đồng thời cũng nói lên nỗi chua xót trong thân phận người phụ nữ xưa.
2. Bài 3 trang 84 SGK văn 10 tập 1:
a. Bài ca dao mở đầu bằng đại từ phiếm chỉ “ai”. “Ai”có thể hiểu là người tình, cũng có thể là những thế lực ngăn cản tình yêu đôi lứa như bố mẹ, xã hội phong kiến…
b. Tình nghĩa thủy chung, bền vững được nói lên bằng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ: mặt trăng, mặt trời, sao Hôm, sao Mai… Đây đều là những biểu tượng mang tính vĩnh hằng trong tự nhiên. Tác giả dân gian mượn cái vĩnh cữu của tự nhiên, vũ trụ để khẳng định sự vững bền, bất biến trong tình cảm của tình yêu đôi lứa
c. Sao Vượt thường mọc sớm vào buổi chiều, lên đến đỉnh của bầu trời thì trăng mới mọc. “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời” là lời khẳng định về tình yêu thủy chung, son sắt và quyết tâm vượt qua mọi rào cản để có được tình yêu
3. Bài 4 trang 84 SGK văn 10 tập 1:
Bài ca dao đã thể hiện nỗi thương nhớ của người con gái một cách tinh tế và gợi cảm. Nỗi nhớ được gửi một cách kín đáo vào các vật dụng: khăn, đèn, mắt
Sáu câu thơ đầu được viết theo lối vắt dòng, lặp lại từ khăn ở đầu câu thơ và điệp khúc khăn thương nhớ ai vang lên không dứt diễn tả nỗi nhớ triền miên, khắc khoải, dằng dặc, khôn nguôi. Đằng sau hình ảnh chiếc khăn là người con gái đang bị chìm đắm trong nỗi nhớ, lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò.
Bài ca dao còn sử dụng đa số thanh bằng gợi nỗi nhớ thương bâng khuâng, mênh mông mà da diết.
4. Bài 5 trang 84 SGK văn 10 tập 1:
Hình ảnh chiếc cầu- dải yếm nói lên khát vọng mãnh liệt muốn kéo gần khoảng cách trong tình yêu của người bình dân xưa. Đó là khoảng cách địa lí, cũng có thể là khoảng cách về tình cảm. Qua đó, ta nhận ra ước muốn táo bạo, mạnh mẽ nhưng cũng rất tình tứ, duyên dáng của người con gái.
5. Bài 6 trang 84 SGK văn 10 tập 1:
Ca dao dùng hình ảnh muối- gừng vì đó là những gia vị trong bữa ăn của nhân dân ta và luôn gắn bó với nhau không rời. Hình ảnh muối mặn- gừng cay tượng trưng cho sự thủy chung, bền vững của tình cảm vợ chồng trước thử thách của thời gian, của cuộc đời
Một số bài ca dao khác có hình ảnh tương tự:
- Tay nâng chén muối, đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau”
- Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay,
Đạo nghĩa cang thường chớ đổi từng ngày
Dẫu làm nên danh vọng hay rủi có ăn mày, ta cũng theo nhau
6. Câu 6 trang 84 SGK văn 10 tập 1:
Ca dao thường sử dụng các biện pháp như ẩn dụ, điệp ngữ, so sánh, những hình ảnh đã trở thành biểu tượng…
Những biện pháp nghệ thuật này khác với văn học viết ở chỗ chúng quen thuộc, dễ nhận ra và mang dấu ấn của cộng đồng
Luyện tập Ca dao than thân và yêu thương tình nghĩa
Câu 1 trang 85 SGK văn 10 tập 1:
5 bài ca dao mở đầu bằng Thân em…
- Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biếp tấp vào đâu
- Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân
- Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày
- Thân em như đóa hoa rơi
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa
- Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
- Bài 1: Thể hiện số phận lênh đênh, bảy nổi ba chìm của người phụ nữ
- Bài 2, 3, 4: Người phụ nữ không được quyết định cuộc đời, hạnh phúc của mình
- Bài 5: Người phụ nữ ý thích được vẻ đẹp và phẩm giá của mình
Câu 2 trang 85 SGK văn 10 tập 1:
Một số bài ca dao về nỗi nhớ người yêu và cái khăn:
- Nhớ ai bổi hồi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai
- Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
- Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ.
- Gửi khăn, gửi áo, gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa
Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm sử dụng chất liệu dân gian để nói về Đất Nước, đồng thời cũng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người dân Việt Nam: trọng tình nghĩa, dịu dàng, kín đáo
Nguồn Internet