Qua bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương, anh (chị) hiểu những gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa?
Gợi ý
Người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa là một đề tài quen thuộc, để thương, để nhớ cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học. Chỉ qua một số ít bài thơ trong số đó như “Bánh trôi nước”, “Tự tình” (Hồ Xuân Hương), “Thương vợ” (Trần Tế Xương) ta đã phần nào cảm nhận được vẻ đẹp và nỗi bất hạnh của những số phận éo le này.
Xã hội phong kiến với nhiều thành kiến về người phụ nữ cùng những hủ tục lạc hậu đã đè nén, bóp nghẹt quyền sống của họ. Họ bị “vùi liễu giập hoa tơi bời” như nàng Kiều của Nguyễn Du. Hoặc không thì cũng chẳng còn đất sống như Vũ Nương của Nguyễn Dữ,…
Số phận người phụ nữ là một phần nội dung quan trọng trong thơ Hồ Xuân Hương. Qua đó, nữ sĩ làm sống lại đời sống, tâm tư người phụ nữ trong xã hội xưa. Điều đặc biệt nằm ở chỗ bà viết những điều ấy thông qua lăng kính chủ quan của một cái “tôi” đầy cá tính. Hay nói cách khác, bằng việc cất lên tiếng nói cá nhân, Xuân Hương làm sống lại hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa. Trong thơ bà, ta hay bắt gặp giọng điệu tự sự, tâm tình rất thật, đầy tâm trạng (“Tự tình I, II, III”, “Mời trầu”, “Bánh trôi nước”,…).
Ngược lại, thơ Tú Xương cũng giống như thơ của nhiều bậc Nho sĩ “đại trượng phu” khác. Người phụ nữ ít xuất hiện trong thơ những nhà thơ ấy. Nếu có, hẳn phải vào một trường hợp đặc biệt (như khi vợ mất ở Nguyễn Khuyến chẳng hạn). Tú Xương viết “Thương vợ” – viết về vợ ngay khi vợ còn sống là một trường hợp hiếm có trong văn học trung đại.
Tuy khác nhau, một bên là phụ nữ viết về phụ nữ; một bên là nam giới nhìn về phụ nữ. Song, ở chùm thơ “Bánh trôi nước”, “Tự tình” (Hồ Xuân Hương), “Thương vợ” (Tú Xương) điều ta dễ nhận thấy là cả hai nhà thơ đều gặp nhau ở niềm đồng cảm với vẻ đẹp của người phụ nữ cũng như số phận long đong, bất hạnh của họ.
Nhắc đến người phụ nữ là nhắc về cái đẹp. Không phải tự nhiên cổ kim đều ngợi ca phái nữ là phái đẹp: đẹp cả ngoại hình, đẹp cả tâm hồn, việc làm, hành động. Hoá thân vào viên bánh trôi bé nhỏ, người phụ nữ tự sự về mình, họ ý thức được vẻ đẹp ngoại hình của chính họ: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Cách nói “thân em” tác giả sử dụng đã rất quen thuộc trong ca dao. Nó gợi đến những vẻ đẹp đẽ, trong sáng, mỏng manh của nữ giới: “Thân em như dải lụa đào”, “Thân em như giếng giữa đàng”, “Thân em như hạt mưa sa”,… Trong “Bánh trôi nước”, “thân em” được gắn với hình ảnh viên bánh trôi “vừa trắng”, “vừa tròn”. Đối với viên bánh trôi, có được dáng hình “vừa trắng lại vừa tròn” là hoàn mĩ lắm. Nó chứng tỏ sự xinh xắn, vừa vặn, đẹp đẽ của hình dáng “tròn”; lại khẳng định phẩm chất trong sạch của bột, có vậy mới có được màu sắc “vừa trắng”. Được ví như viên bánh trôi hoàn hảo như vậy, người phụ nữ được ngợi ca, khẳng định về vẻ đẹp ngoại hình. Trong “Tự tình”, Hồ Xuân Hương đã táo bạo đặt tên, gọi tên vẻ đẹp ấy bằng ba chữ: “cái hồng nhan”. Gọi như vậy đã mặc nhiên thừa nhận cái đẹp ở phái yếu. Chẳng những vậy, nữ sĩ còn đạt cái đẹp ấy đối sánh cùng non nước: “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Nhịp thơ 1/3/3 đã nhấn mạnh từ “trơ” – tức là phơi ra, lộ ra. Phơi ra, lộ ra điều gì? Nhịp thơ đặc biệt trên đã trả lời. Đó là môi tương quan giữa “cái hồng nhan” và “non nước”. Viết như vậy để thấy được vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ của “cái hồng nhan”.
Không chỉ xinh xắn, vừa mắt. Nhắc đến người phụ nữ còn là nhắc đến những đức quý của con người: tảo tần, chịu thương chịu khó, kiên trung son sắt. Bằng tình thương vô bờ đổì với vợ, Tú Xương đã không kìm nén lòng thương, sự cảm phục đức tảo tần của bà Tú:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
“Mom sống” là phần đất ở bờ nhô ra phía lòng sông, vị trí ấy khá nguy hiểm, có thể sạt lở bất cứ lúc nào; tàu thuyền thường ghé qua để buôn bán trao đối nhanh chóng. Vậy mà ấy là nơi bà Tú “quanh năm” suốt tháng “buôn bán” đối mặt với vất vả, hiểm nguy. Mượn hình ảnh con cò trong ca dao, Tú Xương viết về vợ thật cảm động:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò dông”.
“Quãng vắng” thì đơn chiếc, nguy hiểm; “đò đông” thì sớm sủa, lam lũ. Đã vậy, hai từ “lặn lội”, “eo sèo” lại được đảo lên để khắc sâu vất vả một đời làm vợ. Vậy nhưng bà Tú vẫn bươn trải, xoay sở để: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Sự đảm đang ấy ta bắt gặp ở hầu hết ngưòi phụ nữ Việt Nam. “Đằng sau thành công của một người đàn ông đều có bàn tay của người phụ nữ”. Vì vậy nhắc đến một Tú Xương – một nhà thơ “thư kí của thời đại”, “hiện thực và trữ tình” ta không thể không nhắc đến công lao bà Tú.
Hồ Xuân Hương trừu tượng và khái quát hơn khi nhắc đến nét đẹp trong phẩm chất của một nửa yếu mềm trong thế giới. Họ trải qua bao nhiêu long dong, lận đận “Bảy nổi ba chìm với nước non”, ở đây, ta lưu ý rằng Hồ Xuân Hương luôn đặt người phụ nữ sánh với non nước. Cách viết ấy đối lập với quan niệm xã hội, khẳng định vị thế, vai trò người phụ nữ trong đời sống đất nước. Dẫu gian nan, chìm nổi, dẫu bị giập vùi, giày xéo “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” nhưng ở người phụ nữ vẫn sáng người vẻ đẹp trung trinh son sắt: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Từ đầu đến cuối bài thơ “Bánh trôi nước” nữ sĩ vẫn mượn hình ảnh chiếc bánh trôi để viết về người phụ nữ. Viên đường thắm đỏ mà bánh trôi bao bọc, ôm ấp bên trong như tấm lòng son sắt thuỷ chung, là tâm hồn trung trinh với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bước vào thơ ca, vẻ “đẹp người đẹp nết” của người phụ nữ được tô đậm, ngợi ca thật sâu sắc.
Với những gì đã có và đã làm, người phụ nữ xứng đáng được hưởng cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nhưng với người phụ nữ xa, chân lí ấy quá xa vời. Với họ “hồng nhan” là “bạc mệnh”. Xã hội bất công, mục ruỗng đẩy họ vào những hoàn cảnh éo le, họ phải chịu nhiều oan trái, bất hạnh.
Như viên bánh trôi dẫu xinh xẻo, đẹp đẽ “vừa trắng lại vừa tròn” nhưng vẫn phiêu đạt “bảy nổi ba chìm”… Người phụ nữ dẫu vẹn toàn là thế vẫn không tránh khỏi cái “đa truân” của “kiếp hồng nhan”. Hết “bảy nổi ba chìm” phiêu dạt, đến số phận cuộc đời mình cũng không thể tự chủ “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Phải vậy thôi, không còn cách khác. Phải số “thập nữ viết vô“, họ sống theo đạo tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, hôn nhân cũng là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đây”. Có bao giờ trong xã hội phong kiến người phụ nữ được sống cho riêng mình? Cả cuộc đời chỉ lê gót theo chân kẻ khác….
Là bậc nho sĩ Hán học, đứng trước nỗi vất vả truân chuyên của vợ, Tú Xương cũng gạt đi cái “sĩ diện” của tầng lớp mà nhìn thẳng vào thực tại:
“Nuôi đủ năm con với một chồng”
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mời mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai, tưởng như có thể đong đếm được “năm con”, “một chồng” – ngần ấy kẻ ăn bám, ngần ấy con người phải “nuôi đủ”! Bao nhiêu chua xót đời bà nằm ở chữ “một chồng”. Những tưởng lấy chồng để chung sức “tát bể Đông” ngờ đâu “một duyên hai nợ” để anh chồng chỉ là gánh nợ đời đeo bám cuộc đời bà. “Năm nắng mười mưa” vất vả bà đâu có “dám quản công”. “Lam lũ” đa đoan đến nỗi anh chồng vô tích sự cũng phải động lòng đạp đổ lệ thường xã hội, ý thức giai cấp mà cat tiếng chửi đời giúp bà:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Có ra mặt ca thán cũng là chồng chửi thay, cuôc đời than giúp, những người phụ nữ dẫu có táo bạo, mạnh mẽ như Hồ Xuân Hương cũng nào có to tiếng. Họ chỉ trầm lắng cất tiếng “Tự tình” lúc canh khuya cô độc:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”.
Chao ôi! Còn gì bẽ bàng hơn đối với một người phụ nữ, mà đó lại là một người phụ nữ đẹp? Không bạn bè, không người san sẻ, trông bốn bề hỏi ai là kẻ tri âm. Đêm khuya là thời điểm con người phải đối diện với chính mình, tự chất vấn, tự suy ngẫm, tự phán xét. Xuân Hương dùng từ rất đắt “trơ” – “trơ cái hồng nhan với nước non”. Đằng sau từ ấy là bao nhiêu ngơ ngác, buồn tủi. Những tưởng chỉ bậc chính nhân quân tử mới mượn rượu giải sầu. Nhưng không, ở người phụ nữ cũng có những nỗi buồn không thể san lấp:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.
Người ta uống rượu đang tỉnh thành say, say để quên đi mọi lo toan phiền muộn, ở đây, Xuân Hương càng uống, càng say, càng tỉnh “say lại tỉnh”. “Tỉnh” lại càng thấm thìa hơn nỗi cô độc, buồn phiền. Bực bội, tức tối, nhà thơ cũng chỉ trút vào những hình ảnh thơ mạnh mẽ thế nàỵ:
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”.
Dùng phép đảo ngữ “xiên ngang mặt đất”, “đâm toạc chân mây” chẳng những khiến khung cảnh trở lên dữ dội mà nhịp thơ cũng rắn rỏi, mạnh mẽ hơn 4/3, 4/3. Qua đó bộc lộ tâm trạng bức bách, đang quẫy đạp đòi giải phóng của nhà thơ. Nhưng Xuân Hương vẫn là Xuân Hương, dù “cứng cỏi đến thành ngổ ngáo” thì bà vẫn là một người phụ nữ. Sau nhưng vần thơ phá phách bà trở lại cái trầm lắng thủa ban đầu:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Vẫn biết mùa xuân là tươi đẹp nhưng xuân là xuân của đất trời, xuân của ai kia chứ không phải xuân của người thiếu phụ. Bởi “mỗi năm mỗi tuổi nó đuổi xuân đi”. “Xuân lại lại” – tức là xuân lại về, lại đến, nó chỉ báo hiệu người ta thêm già, thêm hẩm hiu bẽ bàng. Vậy nên nữ sĩ “ngán nỗi” xuân đến xuân đi. Ngán ngẩm hơn thế là nỗi tình duyên không thoả ý: “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Theo sau cái già nua của tuổi tác còn là sự phai nhạt của tình duyên. “Mảnh tình” đã nhỏ bé, đã bị cắt xén ít nhiều nay phải “san sẻ” lẫn nhau chia năm sẻ bẩy – (biết làm sao khi “Trai quân tử năm thê bẩy thiếp/ Gái chính chuyên chỉ có một chồng”?!). Để rồi mỗi người chỉ còn tí chút “tí con con”. Cái nhỏ bé mong manh của chút tình hiếm hoi là nguyên nhân gây lên nỗi cô độc, éo le của người thiếu phụ đang độ tuổi rực rỡ. Khi ấy, bao nhiêu xuân sắc, son trẻ chỉ là bi kịch của đời người mà thôi. Rõ ràng, khi ấy, bất hạnh là điều không người phụ nữ nào tránh khỏi.
Hocvanvanhoc.com