Phân tích tình yêu của Tiên Dung và Chử Đồng Tử

Đề bài: Phân tích tình yêu của Tiên Dung và Chử Đồng Tử

Hỡi ai đi ngược về xuôi

Nhớ hội Đa Hòa mồng mười tháng hai

Câu ca dao trên gắn với thiên tình sử lãng mạng của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung. Chuyên tình yêu giữa hai con người ở hai giai cấp đối lập nhưng đã vượt lên mọi lễ giáo phong kiến, sự phân chia giầu – nghèo để cập bến bờ hạnh phúc. Mối tình đẹp của Chử Đồng Tử – Tiên Dung cũng là hiện thân của khát vọng ước mơ về hôn nhân tự do đồng thời là bài ca đẹp về lòng hiếu thảo đạo làm người của nhân dân ta từ thủa xa xưa.

Mối tình đẹp của Tiên Dung và Chử Đồng Tử có thể nói là mối tình kỳ lạ và vô cùng táo bạo đồng thời gắn bó đầy yêu thương. Trong xã hội phong kiến sự phân chia giai cấp giầu nghèo vô cùng sâu sắc, đặc biệt trong tình yêu thì sự giầu nghèo là một rào cản lớn gần như chẳng thể vượt qua của bao đôi lứa yêu nhau:

Vắn tay với chẳng tới kèo

Cha mẹ anh nghèo cưới chẳng được em.

Nhưng tình yêu của Chử Đồng Tử và Tiên Dung đâu chỉ là sự phân biệt giầu – nghèo về tiền bạc mà nặng nề hơn đó là sự phân chia giai cấp vô cùng sâu sắc. Tiên Dung là công chúa con gái của vua Hùng. Nàng chính là “lá ngọc cành vàng” sống trong nhung lụa, cao quý ngược lại Chử Đồng Tử là một chàng trai nghèo tới nỗi hai cha con chỉ có một chiếc khố thay phiên nhau mặc. Có câu rằng: “Khố rách áo ôm” để chỉ những con người nghèo khổ, rách dưới nhưng Chử Đồng Tử nghèo đến nỗi không có nổi một mảnh vải che thân dù chàng rất chăm chỉ làm lụng. Qua đó nhân dân ta đã phản ánh cuộc sống khổ cực của người dân lao động lúc bấy giờ, họ chăm chỉ làm ăn nhưng dưới chế độ phong kiến bất công số phận của con người bị vùi dập, chịu khổ đau nghèo đói. Nếu so về thân phận địa vị thì Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở hai phía đối ngược không bao giờ có thể hợp nhất nhưng hai con người ở hai tầng lớp khác nhau ấy đã gặp được nhau để xây đắp lên một thiên tình sử lãng mạng. Tiên Dung tuy là công chúa nhưng không ham vinh hoa phú quý. Nàng rất yêu thiên nhiên thường đi thuyên ngắm cảnh muôn nơi: “Mỗi năm vào độ mùa xuân Tiên Dung ngồi thuyền du ngoạn, có khi ra tận biển lắm lúc mê cảnh đẹp quên về”. Đặc biệt Tiên Dung không muốn lấy chồng, chắc hẳn nàng chán ghét những cuộc hôn nhân sắp đặt coi trọng lợi ích mà rẻ rúng hạnh phúc con người. Có thể thấy Tiên Dung là công chúa nhưng nàng không “liễu yếu đào tơ” mà rất tự chủ, yêu cuộc sống tự do. Chử Đồng Tử tuy nghèo nhưng qua hành động chàng không nghe lời cha, không nỡ để cha mình trần về nơi chín suối. Tuy trái lời dặn của cha nhưng khiến ai cũng phải cảm phục trước sự hiếu nghĩa của Chử Đồng Tử. Hai con người khác nhau về địa vị nhưng đều có tâm hồn cao đẹp tình yêu của họ đã lay động đến mọi người.

Xem thêm:  Phân tích truyện cười Tam Đại con gà. Liên hệ cuộc sống thực tế hiện nay.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ, bất ngờ giữa hai người thật vô cùng táo bạo: “Một hôm thuyền rồng chở công chúa Tiên Dung đến vùng đó. Nghe tiếng chuông, trống đàn sáo lại thấy cờ quạt. Chử Đồng Tử hoảng sợ, chui vào bụi lau ở bãi cát bờ sông, nấp mình xuống đó rồi phủ cát lên người. Tiên Dung lên chơi bãi thấy cảnh thanh tú, sai người hầu quay màn ở bụi lau để làm nơi cho mình tắm, đúng ngay vào chỗ Chử Đồng Tử nấp đến khi Tiên Dung xối nước cát trôi để lộ thân hình trần chuồng của người trai lạ”. Theo quan niệm phong kiến nam nữ thụ thụ bất thân thì cuộc gặp gỡ của Tiên Dung và Chử Đồng Tử thật vô cùng cấm kỵ. Tác giả dân gian đã sáng tạo ra tình cảnh bất ngờ đó âu cũng là hợp lý vì Tiên Dung vốn định cả đời không lấy chồng nay gặp được Chử Đồng Tử lại hỏi rõ sự tình biết chàng là con người hiếu nghĩa nàng đã tự nguyện đến với Chử Đồng Tử: “Tôi nguyện đã không lấy chồng, nay trời run rủi lại gặp chàng chốn này mới biết cưỡng không được với trời…” Sự mạnh bạo của nàng thật chân tình và đáng quý, nàng yêu mến Chử Đồng Tử vì nhân cách tốt đẹp của chàng không hề bận tâm đến địa vị sang hèn. Chử Đồng Tử lúc đầu còn e ngại là phận mình thấp hèn không dám nhận lời nhưng trước lời lẽ chân tình của Tiên Dung chàng cũng thuận lòng: “ Thiếp với chàng là tự trời se duyên việc gì mà từ chối” Tiên Dung hiện lên là hình ảnh một người con gái rất tự chủ nàng đã kết duyên với Chử Đồng Tử mà không xin phép vua cha. Nàng bỏ qua những lễ giáo phong kiến cổ hủ hà khắc tự nắm bắt hạnh phúc của cuộc đời cùng Chử Đồng Tử tạo nên mối tình duyên thật kì diệu và thật đẹp. Qua đó nhân dân ta cũng thể hiện mong ước về tình yêu không bị ngăn cản phân chia bởi địa vị sang hèn mà dược tự do tìm hiểu, được sống hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi.

Xem thêm:  Khám phá chùm thơ hay về tiền bạc và tình yêu càng đọc càng thấm

Mối tình của Tiên Dung và Chử Đồng Tử là vừa gặp đã yêu nhưng tuyệt nhiên không hề hời hợt. Hai người đã đồng lòng vun đắp tình yêu trải qua mọi khó khăn. Như câu “Thuyền theo lái gái theo chồng” Tiên Dung đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý không về kinh đô với vua cha dù bị nhà vua phản đối từ mặt nhưng nàng kiên quyết bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Nàng không muốn làm con chim quý bị nhốt trong chiếc lồng vàng mất đi sự tự do. Có câu thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn, vợ chồng Tiên Dung, Chử Đồng Tử đã cùng bà con xóm làng làm ăn, lập ấp mới dần dần buôn bán tấp nập, hai vợ chồng trở nên giầu có sung túc. Qua câu chuyện tình yêu của hai người nhân dân ta thể hiện khát vọng được sống trong ấm no, hạnh phúc lứa đôi được xây dựng từ tình yêu chân chính được hưởng thành quả lao động. Chuyện tình yêu này còn nhuốm mầu thần kì hư ảo khi hai vợ chồng được tiên cho báu vật và truyền đạo từ đó hai vợ chồng lên đường tìm thầy học đạo tránh xa mọi xô bồ trần tục. Hình ảnh hai vợ chồng “tựa vào nhau dưới nón mà ngủ” giữa cảnh thiên nhiên hữu tình có hai trái tim yêu luôn chung nhịp đập chan chứa yêu thương. Hình ảnh thật đẹp và xúc động lòng người với Tiên Dung và Chử Đồng Tử vàng bạc lầu son gác tía, quyền lực cũng chỉ là cát bụi chẳng sánh bằng tình cảm vợ chồng thuận hòa gắn bó. Nên khi vua cha thiển cận, hẹp hòi đem quân đến đánh hai vợ chồng Chử Đồng Tử quyết định không ra nghênh chiến mà chủ động “nhổ” toàn bộ cơ nghiệp bay về trời. Chi tiết hư ảo này vừa thể hiện lòng trung – hiếu của hai vợ chồng và đồng thời thể hiện mong ước được sống hạnh phúc bên nhau trọn đời trọn kiếp mãi không chia lìa. Họ bay về trời nhưng những: Bãi Tự Nhiên, Đầm Nhất Dạ mãi là dấu tích về một thiên tình sử tuyệt đẹp vừa táo bạo lại vô cùng chân thành nồng ấm của một trong bốn tứ bất tử linh thiêng của dân tộc ta.

Xem thêm:  Phân tích bài Khuê oán của Vương Xương Linh

Truyện Chử Đồng Tử là giấc mơ đẹp về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, là lời phản kháng tiếng nói khao khát tự do hạnh phúc lứa đôi vượt qua những ràng buộc phong kiến của nhân dân ta. Ẩn sau chuyện tình đẹp còn là lời răn về lòng hiếu thảo về đạo làm người mà cha ông ta muốn truyền lại cho con cháu mai sau. Chuyện tình giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung là “tình yêu không có tuổi” một tình yêu đích thực và bất tử, mãi mãi là huyền thoại đẹp vang vọng tới muôn đời sau.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

Check Also

7293 1494911290065 1020 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *