Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật:

Nhắc đến Tô Hoài là nhắc đến cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, những tác phẩm ông để lại đều tạo ra những dấu ấn trong lòng bạn đọc. Với sức viết dồi dào, giàu kinh nghiệm, từng trải, mỗi truyện ngắn đều như mở ra trước mắt bạn đọc tình đời, tình người chứa đựng nhiều ý nghĩa, thông điệp.

Trong đó không thể không nói tới tác phẩm truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Một trong những tác phẩm xuất sắc, và chắc hẳn chúng ta không thể quên được nhân vật Mị, nhân vật chính trong câu truyện.

2. Thân bài:

* Trước khi làm dâu nhà thống lí:

– xinh đẹp

– tài hoa: có tài thổi kèn lá rất hay

– hiếu thảo

– khát khao cuộc sống tự do

– khát khao yêu đời mãnh liệt

* Sau khi về làm dâu:

– Bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần

– Cam chịu nhẫn nhục, buông xuôi, bất lực:

+ hình dáng: lầm lũi, mặt buồn

+ suy nghĩ: không bằng con trâu con ngựa, là con rùa nuôi trong xó cửa

+ hành động: chỉ nhớ đi nhớ lại những việc làm đi làm lại

=> buông xuôi, bất lực, chán sống

=> lời tố cáo đánh thép giai cấp thống trị

* Tinh thần phản kháng mạnh mẽ:

– ý nghĩ tự tử sau vài tháng bị bắt

– trong đêm mùa xuân:

+  tác nhân: khung cảnh mùa xuân, âm thanh tiếng sáo + lời bài hát + men rượu

+ diễn biến:

. Mị lẩm nhẩm lời bài hát

. uống ực từng bát

. lòng phơi phới

. nghĩ đến tự tử

. không ý thức sự có mặt của A Sử (xắn mỡ, quấn tóc, lấy váy hoa..)

=> thể hiện một khát khao sức sống trỗi dậy một cách mãnh liệt, không gì dập tắt nổi.

* Mị cắt dây trói cứu A Phủ:

– lúc đầu: thản nhiên, dửng dưng

– khi thấy dòng nước mắt: Cảm thương, nghĩ về mình, đồng cảm -> thấy vô lí -> độc ác -> sợ hãi -> cắt dây trói cứu A Phủ -> tự giải thoát mình.

=> nhân vật Mị đã thể hiện tính nhân đạo tác phẩm, phản ánh hiện thực tàn nhẫn phong kiến, thể hiện tư tưởng phong cách nhà văn.

* Nghệ thuật:

– miêu tả tâm lí

– cách kể truyện hấp dẫn

– giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế.

– giàu chất thơ

3. Kết bài:

Khẳng định giá trị nhân vật, nêu suy nghĩ bản thân.

phan tich nhan vat mi - Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (có dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Bài làm tham khảo

Nhắc đến Tô Hoài là nhắc đến cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, những tác phẩm ông để lại đều tạo ra những dấu ấn trong lòng bạn đọc. Với sức viết dồi dào, giàu kinh nghiệm, từng trải, mỗi truyện ngắn đều như mở ra trước mắt bạn đọc tình đời, tình người chứa đựng nhiều ý nghĩa, thông điệp. trong đó không thể không nói tới tác phẩm truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Một trong những tác phẩm xuất sắc, và chắc hẳn chúng ta không thể quên được nhân vật Mị, nhân vật chính trong câu truyện.

Tô Hoài đã dùng cả vốn tri thức uyên bác để tạo dựng lên một cô gái, sống trong bối cảnh phong kiến chúa đất lúc bấy giờ. Hoàn cảnh xô đẩy nhân vật, dần trở thành một người khác hoàn toàn. Từ những trang viết đầu câu truyện “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa cạnh tàu ngựa” lúc nào “cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi” vốn là con dâu nhà giàu, nhưng số phận và cuộc sống của cô xem chừng thật oái ăm? Tại sao một cô gái được sống trong một gia đình giàu có, không thiếu một thứ gì như thế, lại trở thành một người phụ nữ lúc nào cũng buồn rười rượi?

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay

Mị thủa ban đầu vốn dĩ là một cô gái con nhà nghèo, mà lại là người có cái nghèo gia truyền, “đến tận khi hai vợ chồng già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ” cuộc sống với nợ nần, khó khăn cứ thế đè nén, tưởng như khi thống lí Pá tra ngỏ lời hỏi cưới Mị cho thằng A Sử, thì Mị sẽ đồng ý, để trốn cái nghèo, trốn cái khó. Nhưng không, Mị nói với cha rằng: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng basncon cho nhà giàu” Mị ngày trước là như thế, cô gái dù có chịu nghèo, chịu khổ cũng chẳng hề gì, cô khát khao cuộc sống tự do, cô không muốn trói buộc với thứ tình yêu vô lý, cô muốn được là chính mình, cô là một cô gái hiếu thảo,sẵn sàng làm mọi thứ vì cha,vì cuộc sống tự do của chính mình.

Không những vậy, Mị còn là một thiếu nữ tài hoa, xinh đẹp, “trai đến đứng nhẵn cả vách đầu buồng Mị” tiếng sáo cứ văng vẳng trên môi, hằng đêm có biết bao nhiêu người vì nó mà say mê đi theo Mị. Mị xinh đẹp, Mị nết na, hiếu thảo, Mị tài hoa, với một cô gái như vậy, đáng ra cô xứng đáng được sống trong một gia đình và có một tình yêu hạnh phúc. Nhưng, không may cô bị bắt về làm dâu nhà thống lí, chúng lợi dụng hủ tục cúng trình ma để ép buộc Mị.

Nếu trước khi về nhà Thống Lí, Mị vốn là cô gái hội tụ đủ những phẩm chất đẹp đẽ, khao khát sống, khao khát tự do cá nhân, thì sau khi về nhà thống lí, dưới sự đè nén, khó nhọc, áp bức, cô Mị đã dần bị trai sạn tâm hồn. Mới đầu, khát khao yêu đời còn trỗi dậy, cô cầm nắm lá ngón về định quỳ cha rồi đi chết, nhưng vì thương cha nên cô không đành. Về sau “lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa” cô Mị hóa ra “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” “bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa” khi còn nghĩ đến cái chết, nghĩa là còn muốn được giải thoát, khi ấy trái tim yêu cuộc sống còn tha thiết, nhưng một khi đã không còn nghĩ về cái chết, bỏ mặc chính mình, thì cũng có nghĩa Mị đã hoàn toàn trai sạn, như một cỗ máy vô tri vô giác. Cái hủ tục, cái áp bức của phong kiến đã biến đổi Mị trở thành người như thế, quả thực Tô Hoài đã làm nổi bật cái hiện thực của cuộc sống lúc bấy giờ.

“Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế” “mỗi ngày Mị không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” cô Mị nay đâu còn nét tài hoa, nay đâu còn cái khao khát yêu đời nữa? Tưởng như ngày lại ngày cứ thế trôi qua, nhưng không, cô Mị đã phần nào trở về, một chút nào đó nhen nhóm lên ta nhận ra cô qua đêm tình mùa xuân năm ấy.

Xem thêm:  Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Khi tiếng sáo thổi rủ bạn đi chơi vang lên:

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu

Tiếng người tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sao thổi khèn và nhảy, những âm điệu càng vui tươi càng rộn rã ngày xuân càng làm Mị tưởng nhớ đến năm tháng ngày xưa. Mị lén uống rượu, “cứ uống ực từng bát” “rồi say” “Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng” “người hát” “nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước” rượu và đêm xuân, tiếng sáo gọi bạn cứ lơ lửng bên tai như chất xúc tác khiến Mị như thay đổi, ‘Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước” một trái tim như được bình tỉnh, hòn than hồng như được thổi đi lớp tro, sức sống tiềm tàng đã trỗi dậy trong trái tim người con gái ấy, Mị nhận ra “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi” Mị xứng đáng được đi chơi, đằng này Mị với A Sử kiếp vợ chồng, nhưng thực ra không có lòng với nhau nhưng vẫn phải ở với nhau. Nắm lá ngón lúc này lại hiện về, “Mị muốn ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa” sức sống tiềm tàng trỗi dậy, mong muốn giải thoát bừng tỉnh. Hàng loạt hành động liên tiếp diễn ra chứng tỏ điều đó, “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn thêm một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng.” “MỊ quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách” Khi A sử hỏi, nhưng Mị không hề đáp lại, Mị như một người bước đi trong mộng tưởng, trong ý nghĩ muốn được giải thoát. Sau khi bị A Sử trói đứng vào cột nhà, đau đớn, không nghiêng, không cựa quậy được, Mị lúc bấy vẫn còn nghe thấy tiếng sáo bên tai, như nghe thấy tự do đang vẫy gọi mình, Mị nhận ra mình thật đáng thương, cuộc sống hiện thực nơi này khiến Mị không bằng con trâu, con ngựa. Lúc lại mê man, nồng nàn tha thiết nhớ…

Đến đây ta nhìn thấy một vẻ đẹp nữa của Mị cũng như vẻ đẹp của người dân vùng Tây Bắc xa xôi ngày ấy. Dù bị đè nén áp bức, nhưng trái tim quật cường, mãnh liệt vẫn trỗi dậy như hòn than hồng bị phủ một lớp tro lạnh mà thôi, Mị vẫn tiềm tàng sức sống, tiềm tàng khát vọng tự do khôn cùng. Hơn thế nữa, ta còn gặp Mị trong đêm đông cắt dây trói cho A Phủ, lúc ấy chất xúc tác từ đêm tình mùa xuân đã thực sự trỗi dậy trong Mị.

Lúc ban đầu khi gặp A Phủ, Mị vẫn còn khá thờ ơ, vô cảm, có lẽ chính bởi sự vô tâm, cuộc sống tính mạng con người bị coi rẻ ở nơi này đã khiến Mị như vậy. Với Mị “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi” người chết trong nhà thống lí đâu thiếu gì, bọn họ coi mạng người rẻ mạt biết chừng nào, bị đánh đập, hành hạ, Mị đâu còn thiếu điều gì chưa trải qua. Trái tim vì thế cũng trai sạn, cũng nguội lạnh. Tưởng như mọi chuyện sẽ diễn ra mãi như vậy, nhưng không khi “Mị lé mắt trông sáng, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã tác động sâu sắc đến Mị, Mị nhận ra số phận của A Phủ thật đáng thương, Mị nhận ra mình trong hoàn cảnh ấy, đau đớn biết chừng nào, sao A Phủ phải chết? Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ, bị cúng trình ma, thì đã đành, nhưng A Phủ, chỉ vì mất một con bò mà bị gánh tội chết có đáng không? Mị nhớ lại có người đàn bà ngày trước cũng bị chết trói ở cái nhà này… Mị nhận ra mình trong số phận đáng thương của A Phủ, Mị cảm thấy thương mình, thương người, đồng cảm với A Phủ, trái tim như được sưởi ấm, thắp lên tình thương cảm “chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết. Chết đau, chết đói, chết rét, phải chết” Mị nhận ra sự vô lý, độc ác biết bao, Mị thương mình thương người, căm phẫn trước hành động tàn nhẫn của bọn chúa đất phong kiến… Trái tim nhân hậu, vị tha được thắp lên.. Nhưng cũng biết đâu, khi A Phủ bỏ đi được rồi, người bị trói vào đấy lại là chính Mị? Nghĩ thế sao mà Mị không thấy sợ, nỗi thương cảm cùng nỗi sợ cứ phảng phất, đan cài vào nhau, dẫn đến hành động cởi dây trói của Mị, Mị cởi trói, chỉ kịp nói lên một tiếng “đi ngay”… Mị cũng nhận ra cuộc sống của mình không thể ở thêm nơi này một ngày nào nữa, nơi này chứa đựng toàn những kỉ niệm buồn, sức sống tiềm tàng, khao khát tự do đã giúp Mị băng đi giữa tối tăm, dám vượt lên hoàn cảnh chạy theo A Phủ.

Xem thêm:  Chuyện về Minh Mạng

Xuyên suốt câu truyện, số phận tính cách của Mị được hiện lên rõ nét. Tô Hoài đã kể cho ta về Mị, kể cho ta cô gái với trái tim nhân hậu, khao khát yêu thương, khao khát sống tự do, sự quật cường, sức sống mãnh liệt được thể hiện liên tiếp qua những tình huống, sự việc độc đáo. Mị chính là biểu tượng sống, thể hiện tư tưởng nhân đạo lớn của Tô Hoài. Ông đã qua nhân vật này ngợi ca vẻ đẹp của con người tây bắc, thương cảm cho họ, đồng cảm với họ, và cũng là lên án cuộc sống hiện thực man rợ, áp bức bóc lột con người.

Bằng lối kể truyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí nhân vật xuất sắc, kiến thức uyên bác, tài hoa, giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế đượm màu sắc phong vị dân tộc. Tất cả đã làm nên một tác phẩm tuyệt đẹp và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Cảm ơn Tô Hoài người đã mang đến cho ta nhiều cung bậc cảm xúc, cái nhìn, niềm tin yêu vào con người và cuộc sống. Dù có trải qua những khó khăn, thử thách, họ vẫn sáng lên niềm tin yêu lấp lánh, vẫn luôn đẹp đẽ, và mạnh mẽ vượt qua số phận mình.

Nguyễn Bích Ngọc

Lớp 12A1 – Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Check Also

cap nhat nhanhca415 310x165 - Nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên

Nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên

Đề bài: Anh chị hãy viết bài nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *