[Văn mẫu tuyển chọn] Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
– Khái quát chung
2. Thân bài:
* Khái quát:
– Ngay từ đầu truyện, Tô Hoài đã cho bạn đọc một cái nhìn khái quát và toàn vẹn nhất về đức tính tốt đẹp của Mị. Mị được nhắc đến trong truyện ngắn là một cô gái H’mông xinh đẹp chẳng khác nào những đóa hoa rừng Tây Bắc lung linh mê mẩn lòng người. Không chỉ đẹp mà Mị cũng có cả đức lẫn tài. Mị vô cùng hiếu thảo với cha mẹ, đặc biệt luôn hăng say trong lao động và nhận thức được về việc lựa chọn hạnh phúc cho mình. Mị còn có cả tài thổi sáo là niềm say mê của biết bao chàng trai.
* Phân tích:
– Bi kịch trở thành con dâu gạt nợ:
+ Món nợ truyền kiếp của cha mẹ, tục bắt vợ và cúng trình ma đã trở thành chiếc dây vô hình biến Mị trở thành người con dâu gạt nợ trong gia đình nhà Thống lí Pá Tra.
+ Cuộc sống nơi nhà Thống lí đã đày đọa, chà đạp lên nhân phẩm và quyền sống của Mị, biến Mị trở thành một kiếp trâu, kiếp ngựa, kiếp rùa nhẫn nhục và đầy cam chịu “Mị mỗi ngày càng không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”…
+ Cuộc sống khổ sở ấy còn cướp đi cả tiếng nói – dấu hiệu cho nhân tính của con người.
*Khi mùa xuân đến:
– Mùa xuân ở Hồng Ngài tuy rét đậm nhưng trong bức tranh ấy Tô Hoài vẫn đặt vào đó một chút ấm áp ánh lên từ màu cỏ gianh vàng ửng, màu của những bông hoa anh túc và còn có cả những chiếc váy hoa sặc sỡ.
=>thổi bừng lên trong Mị một sức sống mãnh liệt, khiến cho Mị cảm thấy chạnh lòng nhưng cũng thôi thúc niềm ham sống ở Mị.
– Tiếng sáo gọi bạn yêu cũng có tác dụng hồi sinh sức sống tâm hồn Mị.
+ “Ngoài đầu núi đã có tiếng sáo gọi bạn yêu….mà tiếng sáo vẫn lửng lơ bay ngoài đường…trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”.
+ Tiếng sáo gọi bạn yêu đưa Mị trở về ngày trước khi đó Mị thổi sáo rất giỏi “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo vậy có biết bao người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.
+ Mị đang để tâm hồn mình sống trọn vẹn cùng tiếng sáo để rồi nhận ra tiếng sáo mỗi lúc lại gần căn buồng Mị nằm hơn.
-Men rượu ngày Tết :
+ Ngày Tết Mị cũng uống rượu, “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát rồi say..”.
+ “cứ uống ực từng bát” lại càng nhấn mạnh hơn nỗi đau khổ, uất ức ngang trái của cuộc đời Mị, mỗi bát Mị uống là uống vào bao nhiêu giọt đắng giọt cay, uống vào tất cả nỗi tủi hờn uất ức cùng cực của kiếp làm dâu gạt nợ.
– Và cũng chính dưới sự tác động của ba yếu tố ấy mà trong Mị đã có những nét chuyển biến rõ rệt ở cả suy nghĩ và hành động:
+ Men rượu, không khí ngày xuân, tiếng sáo gọi bạn yêu đưa Mị trở về với ngày trước, Mị sống hạnh phúc cùng cha mẹ, hăng say lao động, ý thức được hạnh phúc cá nhân,…
+ Nét mặt Mị cũng có những chuyển biến rõ rệt: Nếu như trước kia lúc nào Mị cũng “cúi mặt, mặt buồn rười rượi” thì bây giờ cái u buồn ấy đã tan biến đi nhường chỗ lại cho sự vui tươi, phấn chấn trở lại “đã từ lúc nãy Mị thấy phơi phới trở lại”. + Ý thức được về tuổi trẻ của mình “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
+ So sánh cảnh ngộ của mình với biết bao nhiêu người phụ nữ cũng có chồng khác để thấm thía hơn cái cảnh ngộ éo le của mình “có biết bao người có chồng cũng đi chơi ngày Tết huống chi Mị với A Sử không có lòng mà vẫn phải ở với nhau.”
+ “Nếu có nắm lá ngón trong tay ngay lúc này Mị sẽ ăn cho bằng chết chứ không buồn nghĩ lại nữa”.
– Từ trong suy nghĩ đã thôi thúc Mị hành động:
+ Mị thắp sáng cho căn phòng của mình “Mị đến góc nhà xắn một miếng mỡ rồi bỏ vào đĩa đèn cho sáng.”
+ Mị còn sửa soạn đi chơi. “Mị quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa cài trong vách.”
+ Nhưng cũng chính khi ấy A Sử lại xuất hiện, đoán được ý định của Mị hắn đã vùi dập không thương tiếc “A Sử bước lại nắm Mị”, hắn lấy dây lưng trói Mị, thổi tắt đĩa đèn, bước ra rồi đóng cửa phòng lại.
+ Trong suốt đêm bị trói đứng Mị vẫn để cho tâm hồn mình vào những tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi.
+ Mị vùng bước đi cũng là lúc “những vòng dây thít lại đau nhức”.
+ Chỉ sau đêm mùa xuân bị trói đứng sức sống tâm hồn Mị lại tê liệt trở lại.
+ Khi xoa thuốc cho A Sử lúc mệt quá Mị nằm xuống thiếp đi thì bị hắn đạp chân vào mặt.
* Đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ:
– Mị vô tình bắt gặp ánh mắt của A Phủ “thấy mắt A Phủ trừng trừng mới biết A Phủ còn sống Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay”.
– Nhìn thấy hàng nước mắt của A Phủ sức sống tâm hồn Mị mới hồi sinh trở lại “Ngọn lửa bập bùng sáng lên Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đen xám lại”.
=>Nước mắt trở thành tác nhân khơi lên lòng thương yêu con người.
– Mị thổn thức lo nghĩ cho số phận của A Phủ “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết nó bắt mình chết cũng thô, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”.
– Mị chửi “Chúng nó thật độc ác”.
+“Chúng nó” được nhắc đến ở đây không đơn giản là bố con nhà Thống lí mà là toàn bộ thế lực thống trị miền núi.
– Mị lo lắng cho số phận của A Phủ “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết rét, chết đói, phải chết
=> Thôi thúc Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ “Nghĩ thế, trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy sợ”.
– Chỉ sau khi “gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, nỗi lo sợ mới ập đến lớn lao..” => Trong tình cảnh này đã thôi thúc Mị vùng bước chạy theo A Phủ đến Phiềng Sa.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận
– Cảm nhận cá nhân
Bài văn tham khảo
Tô Hoài được biết đến là một nhà văn lớn có sức sáng tạo dồi dào và bền bỉ. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng miền trên nước ta. Với lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động, cách miêu tả giàu chất tạo hình ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hay, có giá trị nhân đạo sâu sắc. Đọc “Vợ chồng A Phủ” bạn đọc được hiểu rõ hơn về nhân vật Mị cũng như hoàn cảnh số phận éo le trong cuộc đời. Từ đó ánh lên giá trị hiện thực và nhân đạo vô cùng rõ nét.
Ngay từ đầu truyện, Tô Hoài đã cho bạn đọc một cái nhìn khái quát và toàn vẹn nhất về đức tính tốt đẹp của Mị. Mị được nhắc đến trong truyện ngắn là một cô gái H’mông xinh đẹp chẳng khác nào những đóa hoa rừng Tây Bắc lung linh mê mẩn lòng người. Không chỉ đẹp mà Mị cũng có cả đức lẫn tài. Mị vô cùng hiếu thảo với cha mẹ, đặc biệt luôn hăng say trong lao động và nhận thức được về việc lựa chọn hạnh phúc cho mình. Mị còn có cả tài thổi sáo là niềm say mê của biết bao chàng trai.
Cứ ngỡ một người con gái toàn mĩ như vậy sẽ phải có một cuộc sống hạnh phúc, êm đềm nhưng “hồng nhan thì bạc mệnh” và Mị cũng như Thúy Kiều bị đẩy vào bi kịch của cuộc đời. Cánh cửa hạnh phúc trong đời Mị khép lại trước món nợ truyền kiếp của cha mẹ. Cùng với đó tục bắt vợ và cúng trình ma đã trở thành chiếc dây vô hình biến Mị trở thành người con dâu gạt nợ trong gia đình nhà Thống lí Pá Tra. Cuộc sống nơi nhà Thống lí đã đày đọa, chà đạp lên nhân phẩm và quyền sống của Mị. Nó biến Mị trở thành một kiếp trâu, kiếp ngựa, kiếp rùa nhẫn nhục và đầy cam chịu “Mị mỗi ngày càng không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”…Cuộc sống khổ sở ấy còn cướp đi cả tiếng nói – dấu hiệu cho nhân tính của con người.
Thế nhưng, Tô Hoài không để cho nhân vật của mình mãi đắm chìm trong nỗi đau khổ và tủi nhục mà vẫn luôn nhen nhóm lên tia sáng của sức sống vươn lên nghịch cảnh. Tác giả đã đặt các yếu tố không khí ngày xuân, tiếng sáo gọi bạn yêu và men rượu ngày Tết để làm bừng lên sức sống tâm hồn Mị.
Mùa xuân ở Hồng Ngài tuy rét đậm nhưng trong bức tranh ấy Tô Hoài vẫn đặt vào đó một chút ấm áp ánh lên từ màu cỏ gianh vàng ửng, màu của những bông hoa anh túc và còn có cả những chiếc váy hoa sặc sỡ. Chính trong không khí ngày xuân ấy đã thổi bừng lên trong Mị một sức sống mãnh liệt. Nó khiến cho Mị cảm thấy chạnh lòng nhưng cũng thôi thúc niềm ham sống ở Mị.
Tiếng sáo gọi bạn yêu cũng có tác dụng hồi sinh sức sống tâm hồn Mị. “Ngoài đầu núi đã có tiếng sáo gọi bạn yêu….mà tiếng sáo vẫn lửng lơ bay ngoài đường…trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”. Tiếng sáo gọi bạn yêu đưa Mị trở về ngày trước khi đó Mị thổi sáo rất giỏi “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo vậy có biết bao người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Mị đang để tâm hồn mình sống trọn vẹn cùng tiếng sáo để rồi nhận ra tiếng sáo mỗi lúc lại gần căn buồng Mị nằm hơn.
Men rượu ngày Tết cũng là một yếu tố có tác động đến sự trỗi dậy của sức sống tâm hồn Mị. Ngày Tết Mị cũng uống rượu, “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát rồi say..”. Tác giả viết “cứ uống ực từng bát” lại càng nhấn mạnh hơn nỗi đau khổ, uất ức ngang trái của cuộc đời Mị, mỗi bát Mị uống là uống vào bao nhiêu giọt đắng giọt cay, uống vào tất cả nỗi tủi hờn uất ức cùng cực của kiếp làm dâu gạt nợ.
Và cũng chính dưới sự tác động của ba yếu tố ấy mà trong Mị đã có những nét chuyển biến rõ rệt ở cả suy nghĩ và hành động.
Men rượu, không khí ngày xuân, tiếng sáo gọi bạn yêu đưa Mị trở về với ngày trước, Mị sống hạnh phúc cùng cha mẹ, hăng say lao động, ý thức được hạnh phúc cá nhân,…Thế nhưng quá khứ càng tươi đẹp bao nhiêu lại càng trở thành lỗ hổng cho thực tại đau đớn bấy nhiêu. Không chỉ từ trong suy nghĩ mà nét mặt Mị cũng có những chuyển biến rõ rệt. Nếu như trước kia lúc nào Mị cũng “cúi mặt, mặt buồn rười rượi” thì bây giờ cái u buồn ấy đã tan biến đi nhường chỗ lại cho sự vui tươi, phấn chấn trở lại “đã từ lúc nãy Mị thấy phơi phới trở lại”. Có thể thấy đây cũng là lần đầu tiên sau biết bao nhiêu năm làm dâu gạt nợ Mị ý thức được về tuổi trẻ của mình “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Người con dâu gạt nợ khốn khổ ấy còn thầm so sánh cảnh ngộ của mình với biết bao nhiêu người phụ nữ cũng có chồng khác để thấm thía hơn cái cảnh ngộ éo le của mình “có biết bao người có chồng cũng đi chơi ngày Tết huống chi Mị với A Sử không có lòng mà vẫn phải ở với nhau.” Có thể thấy đến đây Mị đã thực sự ý thức sâu sắc về cái khổ của mình để rồi có suy nghĩ “Nếu có nắm lá ngón trong tay ngay lúc này Mị sẽ ăn cho bằng chết chứ không buồn nghĩ lại nữa”.
Từ trong suy nghĩ đã thôi thúc Mị hành động. Mị thắp sáng cho căn phòng của mình “Mị đến góc nhà xắn một miếng mỡ rồi bỏ vào đĩa đèn cho sáng.” Hành động ấy chứng tỏ niềm khao khát được nhen nhóm lên niềm tin cho chính cuộc đời mình ở Mị. Rồi Mị còn sửa soạn đi chơi. “Mị quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa cài trong vách.” Chính niềm khao khát thoát khỏi căn buồng kín mít bấy lâu nay đã giam hãm tâm hồn Mị cùng với niềm ham thích hòa nhập với thế giới bên ngoài đã thôi thúc Mị hành động. Nhưng cũng chính khi ấy A Sử lại xuất hiện. Đoán được ý định của Mị hắn đã vùi dập không thương tiếc “A Sử bước lại nắm Mị”, hắn lấy dây lưng trói Mị, thổi tắt đĩa đèn, bước ra rồi đóng cửa phòng lại.
Trong suốt đêm bị trói đứng Mị vẫn để cho tâm hồn mình vào những tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi. Thế nhưng dù có cố gắng bao nhiêu, dù sức sống có trỗi dậy như thế nào thì vẫn không thắng được thực tại khi mà Mị vùng bước đi cũng là lúc “những vòng dây thít lại đau nhức”. Và cũng chỉ sau đêm mùa xuân bị trói đứng sức sống tâm hồn Mị lại tê liệt trở lại. Khi xoa thuốc cho A Sử lúc mệt quá Mị nằm xuống thiếp đi thì bị hắn đạp chân vào mặt. Trong hoàn cảnh ấy Mị không hề phản kháng mà vẫn nhẫn nhục ngồi dậy và thoa thuốc cho hắn. Một lần nữa Mị lại nhẫn nhục và cam chịu.
Trong đêm mùa đông trên núi cao Mị vô tình bắt gặp ánh mắt của A Phủ “thấy mắt A Phủ trừng trừng mới biết A Phủ còn sống Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay”. Có lẽ kiếp người bị trói đứng trong nhà Thống lí Pá Tra đã quá quen thuộc trong suy nghĩ và cái nhìn của Mị nên Mị chẳng hề mảy may xúc động. Chỉ khi nhìn thấy hàng nước mắt của A Phủ sức sống tâm hồn Mị mới hồi sinh trở lại “Ngọn lửa bập bùng sáng lên Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đen xám lại”. Nước mắt trở thành tác nhân khơi lên lòng thương yêu con người. Mị thổn thức lo nghĩ cho số phận của A Phủ “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết nó bắt mình chết cũng thô, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”. Rồi Mị chửi “Chúng nó thật độc ác”. “Chúng nó” được nhắc đến ở đây không đơn giản là bố con nhà Thống lí mà là toàn bộ thế lực thống trị miền núi. Từ lòng thương người Mị lo lắng cho số phận của A Phủ “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết rét, chết đói, phải chết”. Điều đó đã thôi thúc Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ “Nghĩ thế, trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Hành động cắt dây cởi trói A Phủ là sự đánh dấu sự ham sống vùng lên trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ ở Mị. Chỉ sau khi “gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, nỗi lo sợ mới ập đến lớn lao..”. Trong tình cảnh này đã thôi thúc Mị vùng bước chạy theo A Phủ đến Phiềng Sa.
Như vậy, Tô Hoài đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Mị cùng những diễn biến tâm trạng linh hoạt, hợp lí. Nó khắc sâu vào trong tâm trí bạn đọc về giá trị nhân đạo – lòng thương yêu con người và giá trị hiện thực – lên án tố cáo thế lực thống trị miền núi đã chà đạp lên quyền sống của con người. Xét cho cùng, nó lại quay trở về đúng nghĩa là một tác phẩm văn học bởi lẽ “Văn chương và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là con người”.
Lê Thị Thư