Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.
Vợ Nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân, đặc biệt ông rất tài tình trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật, điển hình đó trong là nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở gần cuối truyện. Kim Lân đã miêu tả một cách chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong cái đói 1945, đồng thời mang tới cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về lòng khát khao sự sống và cả hạnh phúc của những người nông dân nghèo khổ.
Nếu như diên biến tâm trạng của Tràng và Vợ Tràng được nhà văn miêu tả theo một đường thẳng thoáng lo âu buồn tủi và đi ngay tới niềm vui bất tận thì bà cụ Tứ lại được nhà văn miêu tả với nhiều khúc tâm trạng đan xen lẫn nhau giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Bà cụ Tứ được đặt trong hoàn cảnh là con trai mình đột ngột có vợ. Tình huống này khiến cho bà vừa vui lại vừa buồn, vừa lo lắng lại vừa mang hy vọng.
Đầu tiên là tâm trạng ngạc nhiên, ngỡ ngàng bật ra hàng loại các loại câu hỏi khi thấy người đàn bà lạ ở trong nhà mình: “người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào đứng ngay ở đầu giường con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?…”.
Sau đó, khi nghe con trai bảo đó là vợ mình nhặt được, bà đã hiểu ra cơ sự, bà xúc động tới lặng người, Bà cúi đầu lặng người có vẻ vừa vui lại xót thương cho con mình bởi bà nghĩ làm mẹ mà không lo nổi cho con mình. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì…”.
Đọc những dòng này, ta luôn có cảm giác như trái tim người mẹ trong thân hình còm cõi đang rung lên vì đau đỡn, xót xa, bởi ít ra việc trọng đại cả đời cũng ra “làm được dăm ba mâm mới phải”, nhưng nhà mình nghèo quá cho nên điều đó chỉ nằm trong suy nghĩ không thể nào thực hiện được.
Trước khát vọng sống, khát vọng về tình yêu hạnh phúc lứa đôi của con mình thì lòng bà lại dâng lên tâm trạng đồng cảm, trước hết là đồng cảm với người vợ nhặt “người ta có gặp lúc khó khăn đói khổ người ta mới lấy con mình”. Sau đó là sự đồng cảm với con trai “nhờ đói mà con mình mới có vợ được”, từ sự đồng cảm trái tim bà dâng trào tình yêu thương con trai, con dâu mãnh liệt “chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”.
Vượt qua tất cả những lo lắng, hồi hộp, đau xót thì cuối cùng đó lại là niềm hạnh phúc tràn trề thể hiện qua câu nói đầy lòng vị tha nhân hậu “các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Trong cái khoảnh khắc sung sướng đó, người mẹ không chỉ nghĩ tới hiện tại mà còn hướng tới tương lai ở phía trước – đó là một tương lai không phải cho bà mà là lo cho con cho cháu, bà truyền cho con về niềm lạc quan hy vọng “không ai khó ba đời” rồi đến hành động “xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”, những dự định nào là ngăn buồng cho đôi trẻ, nào là mua đôi gà …ta đã phát hiện được ra rằng chính bà là người nói tới tương lai nhiều hơn cả. Đó không đơn thuần là tâm lý lạc quan của người lao động mà đó còn là niềm cao ước thiết tha về một ngày mai tươi sáng hơn. Chính niềm tin và sức sống của bà đã phần nào tiếp thêm sức mạnh giúp người mẹ lo được một bữa cơm ngày đói đón nàng dâu mới mặc dù nó rất thảm hại. Dù chỉ có một bát rau chuối thái rồi, cùng dúm muối ăn và nồi cháo cám nhưng đau đó vẫn thể hiện rõ về tấm chân tình của người mẹ, người mẹ ấy đã khiến bữa cháo thành bữa tiệc, khiến nồi cháo “chát xít, nghẹn bứ trong miệng mà ngon ngọt trong lòng”. Người đọc cười ra nước mắt trước sự hào hứng vui vẻ khi bà lão “lễ mễ” bưng nồi cháo cám “nghi ngút khói” lên nhà, đon đả tươi cười múc cho con và bảo: “Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem”.
Bên trong cái vẻ tươi tỉnh đó ta biết lòng người mẹ đang thổn thức trào dâng. Lòng người đọc cũng dâng lên biết bao nhiêu xót xa. Nhưng niềm vui của bà biết bao giờ mới thành sự thật khi vẫn còn đó nồi cháo cám, vẫn còn đó tiếng trống thúc thuế dồn dập, “bà không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc”, còn người đọc thì cảm nhận rõ những giọt nước mắt trong lòng bà.
Qua hình tượng bà cụ tứ với biết bao tâm trạng đan xen trong tình huống “nhặt vợ” của con trai, Kim Lân đã khẳng định về tình cảm thiết tha với những tấm lòng của người mẹ, điều này khiến cho hình ảnh về bà cụ tứ trở nên chân thật và cảm động hơn bao giờ hết. Phải chăng chính người mẹ đó là ánh sáng xua tan mọi bóng tối bi thảm của kiếp đời nghèo khổ.
Nguồn: Bài văn hay