Phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của nhà thơ Thanh Thảo

Phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của nhà thơ Thanh Thảo

Bài làm

Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” thể hiện nỗi đau xót sâu sắc trước cái chết bi thảm của nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha. Tác phẩm được rút trong tập “Khối vuông ru-bích”, là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy của Thanh Thảo. Với bài thơ này, ông đã xây dựng và khắc họa được thành công hình tượng nhân vật Lor-ca.

Lor-ca là một con người tự do, một nghệ sĩ cách tân với nền chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha. Đồng thời Lor-ca còn là một người chiến sĩ đơn độc xuất hiện với “áo choàng đỏ gắt”, “đi lang thang về miền đơn độc” trên “yên ngựa mỏi mòn”. Màu đỏ gắt của chiếc áo choàng gợi bản sắc văn hóa Tây Ban Nha. Đó là màu áo của các đấu sĩ bò tót trên đấu trường. Đồng thời hình ảnh này cũng gợi nên cuộc chiến khốc liệt của nền chính trị độc tài lúc bấy giờ. Người nghệ sĩ Lor-ca cùng với tiếng đàn “li-la-li-la-li-la” lang thang dưới “vầng trăng chếng choáng”. “Chếnh choáng” là trạng thái chóng mặt, choáng váng nhưng ở đây, Lor-ca đang chếnh choáng trong chính cơn mộng du của mình. Đó cũng là sự cô đơn của người nghệ sĩ khao khát cách tân nền nghệ thuật nước nhà.

Một nền chính trị độc tài như vậy đã dẫn đến cái chết của Lor-ca đầy bi thảm nhưng cũng hết sức bi tráng.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về cách sống hiện nay

“bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du”

Cái chết ấy ẩn chứa nhiều oan khuất và ngang trái. Khi nội chiến Tây Ban Nha xảy ra, Lorca từ giã Madrid trở về Granada sau đó bị chế độ phát xít Franco giết chết. Hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” là ẩn dụ cho cái chết đầy ám ảnh và đau đớn của Lor-ca. Áo choàng nhuộm thêm một màu đỏ bi thương, xót xa. Mặc dù bị xử bắn nhưng chàng nghệ sĩ ấy không sợ cái chết mà ngược lại còn hiên ngang, phi thường. Lor-ca chết đi nhưng tiếng đàn còn mãi.

“tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy”

Tiếng đàn và tài năng nghệ thuật của Lor-ca sẽ trường tồn mãi cùng thời gian. Đàn ghi ta là nhạc cụ của người Tây Ban Nha và cũng là biểu tượng của họ. “Tiếng ghi ta nâu” tượng trưng cho sự suy ngẫm, tĩnh lặng. “Tiếng ghi ta xanh” gợi lên niềm hi vọng, khát khao vào sự đổi thay của nền nghệ thuật. “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” là sự bàng hoàng, hiện thân của nỗi đau. Khi tiếng súng xử bắn Lor-ca cũng là lúc hình ảnh cô gái, người yêu, tiếng đàn cũng vỡ tan theo tiếng súng tàn bạo. Chàng không ngờ cái chết ập đến với mình sớm như thế, nó hoàn toàn bất ngờ và đau đớn. Âm thanh tiếng đàn được hiện lên qua hình ảnh, màu sắc và cả trạng thái “ròng ròng máu chảy”. Tiếng đàn đã trở thành linh hồn, là biểu tượng cho cuộc đời, số phận của Lor-ca, một cuộc đời đầy bi kịch.

Xem thêm:  Cảm nhận của em về sự tích Bánh chưng, bánh giày

Trước cái chết đau đớn ấy, Lor-ca đã đón nhận một cách chủ động, bình thản.

“chàng ném lá bùa cô gái Di-gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la…”

Chàng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đi vào cõi vĩnh hằng. Cái chết và tiếng đàn của Lor-ca trở thành bất tử hóa. Bởi ước nguyện “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” đã không được thực hiện, không được ai chôn cất. Tiếng đàn của Lor-ca “như cỏ mọc hoang” vì khi Lor-ca bị sát hại, không thể chơi ghi ta được nữa thì tiếng đàn ấy không có sự dẫn dắt của bàn tay con người, nền nghệ thuật thiếu người dẫn đường nên nó mọc hoang như loài cỏ tràn lan và không định hướng. Đó còn là tiếng đàn thể hiện sự dở dang trong sự nghiệp của Lor-ca và cũng là tài năng nghệ thuật mà không ai có thể vượt qua Lor-ca. “Đường chỉ tay đã đứt” ấn định cái chết đã được báo trước được thể hiện trên đường rãnh của bàn tay. Cái chết ấy có thể không tránh khỏi nhưng tiếng đàn của Lor-ca thì còn mãi, nó vượt lên trên quy luật sinh tử để tồn tại song hành cùng cuộc đời của những thế hệ sau mang theo niềm khao khát cách tân nghệ thuật của Lor-ca.

Có thể nói, nhà thơ Thanh Thảo đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Lor-ca. Hình tượng Lor-ca được hiện lên qua các hình ảnh siêu thực, các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ khiến gười đọc dễ dàng hình dung và cảm nhận được cuộc đời, số phận và cái chết bi thương của người nghệ sĩ ấy. Bên cạnh đó ông cũng thể hiện sự ngưỡng mộ đối với người nghệ sĩ – chiến sĩ Tây Ban Nha Lor-ca và sự mong muốn đổi mới nền nghệ thuật nước nhà.

Check Also

hoaphuong 27 310x165 - Nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên

Nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên

Đề bài: Anh chị hãy viết bài nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *