Phân tích hai chị em trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Hướng dẫn
Đề bài: Nơi phố huyện nghèo với nhịp sống buồn tẻ, hình ảnh hai chị em Liên và An hiện lên khiến người đọc không khỏi xót xa. Anh chị hãy phân tích hai chị em trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam và hai chị em Liên: Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” được in trong tập “Nắng trong vườn” (1938) của nhà văn Thạch Lam
2. Thân bài
- Hai chị em có những nét ngây thơ và suy tư: Trong suy nghĩ của nó, khoảnh khắc ngày tàn này thật sự chẳng có gì ấn tượng
- Hai chị em phải bước vào cuộc sống mưu sinh quá sớm: hai chị em cũng muốn sang nhưng không được vì còn phải trông hàng cho mẹ
- Hình ảnh những con người ở phố huyện trong cái nhìn của hai chị em: Tất cả những con người ấy đã làm rõ sự nghèo đói và khốn khổ trong khu phố huyện
- Hai chị em ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp hơn: chuyến tàu đó là từ Hà Nội xuống, mang theo những ánh sáng và cả những kí ức tuổi thơ
3. Kết bài
Ý nghĩa hình tượng hai chị em: Hai nhân vật vừa tạo một sức hút riêng cho tác phẩm, vừa phản ánh một cách sâu sắc cái nghèo của khu phố huyện.
Bài liên quan đến truyện ngắn Hai đứa trẻ:
>>Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của tác giả Thạch Lam – Văn mẫu lớp 11 tuyển chọn
>>HGiới thiệu về truyện ngắn Hai đứa trẻ của tác giả Thạch Lam
>>Giới thiệu về nhà văn Thạch Lam – Tác giả của truyện ngắn Hai đứa trẻ
II. Bài tham khảo
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” được in trong tập “Nắng trong vườn” (1938) của nhà văn Thạch Lam. Với phong cách văn chương độc đáo và một phần kỉ niệm quá khứ tuổi thơ của mình, tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh hai chị em Liên với những tâm trạng, tính cách và suy nghĩ của những đứa trẻ tưởng chừng ngây ngô nhưng lại thuần khiết và rất sâu sắc.
Khung cảnh chiều tàn trên phố huyện nghèo đã khắc họa hình ảnh hai chị em Liên với những nét ngây thơ, suy tư. Cậu em An với những nét vô tư, nhút nhát vì nó còn rất bé nên nó chưa hiểu được những gì đang diễn ra là buồn, nó cứ chỉ nghe theo lời mẹ dặn và theo sự hướng dẫn của chị Liên. Trong suy nghĩ của nó, khoảnh khắc ngày tàn này thật sự chẳng có gì ấn tượng, nó chỉ đơn giản là ra cùng chị ngắm tàu mà thôi. Còn Liên thì khắc hẳn, một cô bé với tâm hồn nhạy cảm, những dấu hiệu và âm thanh báo hiệu của ngày tàn, chiều tà đã khiến Liên cảm thấy buồn man mác.
Liên cảm nhận được trong chính màu sắc của chiều tà: đám mây màu hồng như hòn than sắp nguội, những cây tre cắt rõ trên nền trời, âm thanh rời rạc của tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng ruộng, rồi tiếng muỗi kêu vo ve trong góc nhà. Tất cả màu sắc và âm thanh ấy đã nhuốm màu buồn trong tâm trạng của Liên, mặc dù có thể là một bức họa đồng quê bình yên tuyệt đẹp nhưng cũng thật buồn. Hoạt động đông vui nhộn nhịp nhất nơi khu phố nghèo đó là phiên chợ ngày cũng tàn nốt, những người đi làm cố ngoái lại nói chuyện với nhau mấy câu rồi cũng về.
Tàn dư của phiên chợ chẳng để lại gì ngoài rác rưởi “một mùi âm ẩm bốc lên”, “toàn lá nhãn, lá thị và bã mía”, chính những hình ảnh đó đã làm cho nhân vật Liên có những suy nghĩ. Khi nhìn thấy những đứa trẻ nghèo đi “lom khom nhặt nhạnh thanh nứa thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được”, Liên cảm thấy thương xót chúng nó nhưng tình thương người của cô lại chẳng có gì để cho chúng nó, bản thân cô cũng chẳng hơn gì chúng nó. Rồi khi nhìn thấy những đứa trẻ ở bên kia đường đang vui chơi, hai chị em cũng muốn sang nhưng không được vì còn phải trông hàng cho mẹ. Hai chị em đều vẫn là những đứa trẻ, vẫn ham vui, muốn được vui chơi như thế, nhưng không may, cuộc sống nghèo khổ đã khiến hai chị em phải bước vào cuộc sống mưu sinh quá sớm.
Đêm tối trên phố huyện thật sự buồn và bao trùm trong bóng tối, hai chị em Liên ngồi trên võng ngắm phố huyện với những ngọn đèn leo lét, những hột sáng, khe sáng. Cả hai đều như đang rảo mắt tìm kiếm những nguồn sáng mạnh mẽ hơn để thắp sáng cả khu phố huyện trong chính tâm hồn mình. Bóng tối của phố huyện cũng chính là cuộc sống tối tăm mà hai chị em Liên đang phải trả qua, dù có tìm đến cả những ánh sao của hàng ngàn ngôi sao trên trời nhưng cũng không thể xua tan đi được bóng tối.
Hai chị em thu vào mắt cái mờ hun hút, thăm thẳm của bóng đêm. Trong cái đêm mùa hạ “êm như nhung và thoảng qua gió mát” ấy, những con người trong phố huyện xuất hiện qua cái nhìn của chị em Liên thật chân thực. Đó chủ yếu là cái nhìn của Liên, còn An đã khá buồn ngủ, năm ngủ trên đùi chị. Hình ảnh chị Tí với gánh hàng nước kiếm được chẳng đáng bao nhiêu, bác phở Siêu với gánh phở cả đê không bán được đồng nào, gia đình bác Sẩm ngồi đánh đàn bầu “run rẩy”, bà cụ Thi điên uống rượu rồi cười khanh khách đi vào trong đêm tối.
Tất cả những con người ấy đã làm rõ sự nghèo đói và khốn khổ trong khu phố huyện, tất cả họ cứ lầm lũi, cặm cụi sống như vậy trong bóng tối, hi vọng mà mong mỏi sẽ có cái gì đó tươi sáng hơn đến với cuộc sống của họ. Rồi hai chị em Liên cùng ngắm đoàn tàu, chuyến tàu đó là từ Hà Nội xuống, mang theo những ánh sáng và cả những kí ức tuổi thơ ăn kem xanh đỏ trên bờ hồ của hai chị em. Trong cuộc sống nghèo khổ ấy, chính những đứa trẻ cũng cảm nhận được cái khổ mà vẽ ra ước mơ có một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Như vậy, có thể thấy, tác giả Thạch Lam đã xây dựng rất thành công hai nhân vật rất đỗi gần gũi và đáng quý này. Hai nhân vật vừa tạo một sức hút riêng cho tác phẩm, vừa phản ánh một cách sâu sắc cái nghèo của khu phố huyện cũng như cái nghèo chung ở miền Bắc nước ta lúc bấy giờ.
Theo Tapchivanhoc.com