Phân tích cảnh sông nước mây trời xứ Huế trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc
– Nội dung nghị luận: cảnh sông nước mây trời xứ Huế
– Cảm nhận ban đầu
2. Thân bài:
* 2 câu đầu:
– "gió – mây"
+ chuyển động trái ngược nhau
+ trên thực tế chúng vốn gắn bó, song hành cùng nhau
+ gợi sự chia lìa, xa cách
– dòng nước:
+ dòng sông Hương xứ Huế
+ chảy chậm, lững lờ trôi qua thành phố Huế mộng mơ
+ buồn thiu: biện pháp nghệ thuật nhân hóa => mang tâm trạng của con người
=> thiên nhiên cảnh vật rời rạc, trái ngược nhau
* 2 câu sau:
– Hình ảnh sông Hương trong đêm trăng:
+ sông trăng
+ Ánh trăng vàng sáng loáng cả mặt nước => lung linh, huyền ảo
– Con thuyền:
+ là phương tiện chở khách qua sông
+ con thuyền được dùng để chở trăng
=> câu thơ hé mở tâm trạng của chủ thể trữ tình:
+ niềm khao khát, nỗi ngóng trông
+ mặc cảm về số phận
* Khái quát lại nghệ thuật
* Liên hệ mở rộng
3. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề
– Cảm nhận cá nhân
Phân tích cảnh sông nước mây trời xứ Huế trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Bài làm tham khảo
Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc.
Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những hồn thơ trong trẻo ấy của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ vẽ lên bức tranh thơ mộng của cảnh đẹp thôn Vĩ nói riêng, xứ Huế ns chung, trong đó có hình ảnh người thiếu nữ xứ Huế, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời,yêu người. Trong đó cảnh sông nước mây trời xứ Huế được gợi tả đẹp nhất ở khổ thơ thứ hai:
"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay"
Nếu như trong khổ thơ thứ nhất thôn Vĩ yên ả, lung linh, tươi sáng trong màu nắng tinh khôi, trong màu xanh tươi mát của vườn cây trái được tái hiện lại với giọng thơ đầy tha thiết thì sang đến khổ thơ thứ hai lại mở ra cảnh sông nước mây trời xứ Huế nhuốm màu chia lìa, đau thương:
"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay"
Với nhà thơ, thôn Vĩ chỉ còn lại trong hoài niệm, trong miền kí ức xa xăm của con người khao khát sự giao cảm, tình yêu. Phải chăng vì lẽ đó mà những kỉ niệm cứ thế mà ùa về nhưng cũng không còn tươi tắn như thôn Vĩ vào buổi sáng mai nữa mà chỉ còn lại đó một dòng sông Hương xứ Huế với mây và gió? Trong sự vận động của thiên nhiên, cũng như nước chảy thuyền trôi thì gió thổi mây bay. Ấy vậy mà dưới ngòi bút, cảm nhận của Hàn Mặc Tử chúng lại chuyển động trái ngược nhau: lối gió – đường mây. Mây và gió được nhắc lại đến hai lần trong cùng một câu thơ cùng với lối di chuyển ngược nhau càng khiến khoảng cách giữa chúng như rộng hơn, trống trải hơn. Giữa ngoại cảnh và tâm cảnh giờ đây là sự đồng nhất đến tuyệt đối mang đến sự trầm lắng bao trùm lên cả cái dài rộng của sông nước:
"Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay"
Nhịp thơ chậm rãi, nhẹ nhàng như cái hồn của người dân xứ Huế. Cảnh đẹp nhưng vẫn thấm đượm nỗi buồn của lòng người qua biện pháp nghệ thuật nhân hóa. Cảnh còn được chấm phá những bông hoa bắp mới trổ nhưng cũng chỉ khẽ lung lay trong gió. Thiên nhiên, cảnh vật rời rạc, trái ngược nhau gợi sự chia lìa xa cách. Buồn của sông đâu đó ta cũng đã từng bắt gặp những vần thơ như vậy:
"Con sông dùng dằng con sông không chảy"
Có thể thấy niềm vui của nhà thơ thật ngắn ngủi, phút chốc đã chuyển sang một nét u buồn, ảm đạm. Phải chăng sự chia lìa, xa cách của thiên nhiên cũng là sự chia lìa xa cách của nhà thơ với người xứ Huế, cũng là sự mặc cảm về thân phận. Khoảng cách giữa nhà thơ với người con gái không chỉ còn là khoảng cách về không gian, thời gian mà là khoảng cách của số phận.
Sự chuyển mình của thời gian cũng là sự chuyển biến về cảnh vật:
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay"
Hai câu thơ là hình ảnh sông Hương đêm trăng sáng. Nhưng đó không còn là một dòng sông của sống nước như trong thơ của Huy Cận nữa mà đã trở thành dòng sông của ánh trăng lung linh, huyền ảo – sông trăng. Dòng nước kia vốn đượm buồn đã hóa thành sông trăng mang một vẻ đẹp kì diệu, mộng ảo. Dường như thiên nhiên đang thấm đẫm một màu trăng và có lẽ cũng chỉ có Hàn Mặc Tử mới có thể vẽ lên một sông trăng trong thơ đang chú ý đến như vậy. Sông không chỉ có ánh trăng mà còn có thuyền nhưng lại là "thuyền ai" và con thuyền ấy lại chở trăng:
"Có chở trăng về kịp tối nay"
Câu thơ hé mở tâm trạng của chủ thể trữ tình. Lòng người đang khao khát, đang ngóng trông? Thi nhân đang gửi gắm nỗi ngóng trông, mong chờ hạnh phúc qua hình tượng "trăng". Còn nữa là niềm lo lắng, trăn trở liệu rằng: thuyền có chở trăng về kịp tối nay? Chữ "kịp" hé lộ những mặc cảm về thời gian còn quá ngắn ngủi trong cuộc đời mà điều tác giả muốn làm lại vô cùng khó khăn. Ẩn sau ý thơ là niềm khao khát được gắn bó, hòa nhập với cuộc sống. Giá như xã hội không kì thị những con người mắc bệnh, căn bệnh ấy không nhanh chóng đẩy con người vào chỗ chết thì có lẽ nhà thơ đã không mặc cảm với hoàn cảnh của mình như vậy.
Khổ thơ thứ hai khép lại khắc sâu vào lòng bạn đọc hình ảnh mộng mơ nơi xứ Huế cùng nỗi lòng đau buồn, sự mặc cảm và còn cả niềm khao khát hoà hợp với cuộc sống.
Lê Thị Thư
Lớp 11A2 – Trường THPT Thái Ninh, Thái Thụy, Thái Bình