Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc. Tầm vóc của Người là độ rộng của trái tim,bề sâu của tấm lòng, những băn khoăn trăn trở về nhân thế, về kiếp người nhỏ bé. Trái tim ấy từng khắc khoải trước người ca nữ đất Long Thành, đau xót trước cả thập loại chúng sinh. Và “ đoạn trường tân thanh” là tiếng khóc tiêu biểu nhất, một trong những cái nhìn đau đáu nhất của đại thi hào nhìn về thân phận người phụ nữ nói riêng, nhận thức về thực trạng xã hội đồng tiền nói chung. ở đó, toát lên nỗi niềm xa xót, tình thương yêu và vọng lên tiếng nói đồng tình, đồng vọng cho những khát khao hạnh phúc và tình yêu chính đáng của con người. Nơi đó có một trái tim vượt lên cả thời đại đại để trở thành dòng máu của mọi thời, góp phần nuôi dưỡng nguồn mạch nhân đạo cho văn chương dân tộc. Những đoạn trích “ Truyện Kiều” là những minh chứng tiêu biểu nhất cho tinh thần nhân đạo của NguyễN Du.
BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH CẢM HỨNG NHÂN ĐẠO TRONG CÁC ĐOẠN TRÍCH “TRUYỆN KIỀU” TRONG SÁCH SGK
Điều gì khiến nhà văn cầm bút? Phải chăng Đó là bầu máu nóng chảy trong huyết quản của anh, nỗi niềm nhân thế nghẹn trong cổ họng thôi thúc anh cầm bút? Một đại thi hào dân tộc như Nguyễn Du,điều gì đã làm nên tên tuổi và tầm vóc vĩ đại ấy của người. Có lẽ là bởi cái cúi xuống đầy trân trọng dành cho những kiếp người nhỏ bé trong cõi nhân sinh, là tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, trông thấu sáu cõi, là viết như có máu chả nơi đầu ngọn bút, là tiếng thương vay khóc mướn còn âm ỉ,lặng lẽ chảy trong huyết mjach nhân đạo ngàn đời của dân tộc. “ Truyện Kiều”, trong đó những đoạn trích như “ Trao duyên”, “ nỗi thương mình”, là những phụ lưu từ huyết mạch ấy.
“ Truyện Kiều”- Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu mới, tiếng kêu đứt ruột dành cho những kiếp người nhỏ bé, là nỗi niềm trăn trở của Nguyễn Du đối với nàng Vương Thúy Kiều hồng nhan bạc mệnh, lệnh đệnh trong bể đời trầm luân suốt 10 năm. “ trao duyên”, nỗi thương mình, và chí khí anh hùng là những đoạn trích của truyện kiều, tái hiện lại những giai đoạn, thời khắc quan trọng trong cuộc đời nàng Kiều: trao duyên cho em là Thúy Vân để trao mình cho sóng gió đời trường, những thức cảm thổn thức trong đêm khi đã lấm láp trong đời bể dâu,… Trong những tình cảnh éo le ấy, mới thấy trái tim của Nguyễn Du sáng đến nhường nào.
Giữa một xã hội dành tất cả những định kiến lễ giáo phong kiến tiêu cực cho người phụ nữa đặc biệt là người kĩ nữ, tầm vóc và trái tim nhân đạo của Nguyễn Du lại để người cúi xuống cảm thông với họ nhiều hơn, thương yêu học nhiều hơn. Trong từng câu chữ tuy là lời của Kiều mà dường như có Nguyễn Du nhập thân để dãi bày, thấu cảm cùng nhân vật. Mỗi niềm yêu, nỗi thương đều trực nghẹn lại trong từng lời, từng câu trao duyên của Kiều. Thường nhắc đến duyên người ta nghĩ đến tình lứa đôi vui vầy hạnh phúc, nhưng duyên mà phải đem trao thì mới thực trớ trêu làm sao. Vì sóng gió cuộc đời mà người con gái ấy phải dứt lòng chọn bên nghĩa để làm tròn chữ hiếu, còn mình phải mang ơn, nợ tình với chàng Kim- mối tình đầu tiên trong sáng và đẹp đẽ. “ Gánh tương tư” giờ đã “ đứt” giữa đường rồi:
- “Giữa đường đứt gánh tương tư”
“Đứt” đứng giữa câu như xé đôi câu thơ, xé đôi một chuyện tình, một phận người, xé đôi một tấm lòng và khía sâu hơn vào trái tim đang rỉ máu của người nghệ sĩ. NhỮng dang dở, những trĩu nặng, cả điều gì đó khắc khoải đang nhói tụ lại ở một chữ “ đứt”, làm nhói lên trong lòng người về một số phận, một tình yêu lỡ dở. Phải cảm thông lắm, phải hiểu lắm người nghệ sĩ ấy mới thấu được cảm giác đầy xót xa mà rất chân thật trong lòng người con gái khi yêu mà phải trao lại cả những kỉ vật của tình yêu ấy:
- “ Chiếc vành với bức tờ mây
- Duyên này thì giữ, vật này của chung.”
Dõi theo cả cuộc đời Kiều, Nguyễn Du biết đâu sẽ là kỉ vật gọi về kí ức và niềm đau trong lòng nàng phút chia ly. “ Chiếc vành”,” bức tờ mây” hiện ra trong dòng chảy chậm chạp, nặng nề của cả câu thơ, như lòng người con gái đang ôn lại kí ức xa xưa, đang tiếc nuối không muốn rời xa, và dường như có một sự giằng xé thể hiện trong bước đi “ dùng dằng” của nhịp thơ. Và dường như khi kỉ niệm và kỉ vật hiện về rõ nét nhất cũng là khi nỗi đau thấm thía đủ nhiều để nàng nghĩ về cái duyên chung. Duyên này phải trao đi rồi, tình này phải cắt chia rồi. “này…này..”nghe có vẻ dứt khoát mà tâm tư lại rối bời, ngoài miệng muốn thẳng thắn trao đi mà bên trong vẫn níu lại cái gì đó là “ của chung”? Người trao đi vẫn muốn có sự hiện diện của mình trong mối duyên trao đi hay chăng? Âu cung là quy luật tâm lý sâu kín và chân thật nhất mà Nguyễn Du bằng cả tấm lòng mình thấu được. Đau đớn thay khi người con gái ấy trong nỗi đau tột cùng hình dung ra một thế giới cô đơn và lạnh lẽo đối lập với cảnh êm đềm hạnh phúc của người. Xót xa thay cho một tiếng kêu thương hối lỗi muộn màng gửi đến người thương phương xa, phải chịu mặc cảm phụ tình cho đến mãi sau này vẫn không dứt. Những nỗi niềm và cung bậc khổ đau ấy, Nguyễn Du có thể nhìn thấy hết. Người còn hiểu được nỗi ê chề của nàng khi thấm thía cảnh sống ở chốn ô trọc xứ người.
- “Giật mình mình lại thương mình xót xa.”
Còn gì đau đơn hơn khi cảnh sống ê chề, tăm tối hiện tại được soi vào quá khứ đẹp tươi, trong sáng một thời, hơn nữa là khi nó được thức tỉnh khi” giật mình” đêm khuya, “ khi tỉnh rượu lúc tàn canh”, khi chỉ còn ta với lòng ta để đối thoại, để thấm thía, xót xa cho phận mình. Một nỗi “ giật mình” mà toát lên cả sự bẽ bàng, tủi nhục ê chề của thân gái hồng nhan lạc vào đoạn trường cay đắng.
Nhưng đồng thời trong cái ê chề tủi nhục tối tăm của số phận, Nguyễn Du vẫn kiếm tìm và trận trọng, nâng niu những vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Người ngợi ca lòng vị tha của nàng Kiều trong những thời khắc đớn đau nhất của đời mình vẫn nghĩ, vẫn lo cho người khác. Nàng lo Vân vì chuyện của mình khó xử mà tất cả những băn khoăn, khó nói dồn cả vào một chữ “ cậy”- thật nặng nề, nhờ em, biết em thiệt thòi nhưng vẫn hy vọng em có thể nhận lời trao của mình. Ở trong tình cảnh đó, rõ ràng KIều là người khó xử hơn cả, vậy mà vẫn nghĩ cho tình cảnh của em, mà thương em, lấy hết niềm tin đặt vào một lời chấp thuận của em- ‘ cậy em”, “ lạy em”, “ thưa” em. Nhưng khó xử cũng bởi một bên tình cho Kim Trọng còn đau đáu mối nợ sâu sắc, không thể không đáp đền. Mối thủy chung không cho nàng quên được những kỉ niệm sâu sắc đối với chàng, nhưng tấm lòng vị tha không thể để nàng không trao duyên mình cho em Vân đáp đền cho Kim Trọng.
- “ Ôi Kim Lang, Hỡi Kim Lang..”
Tiếng kêu thất thanh cất lên rồi lặng dần đi trong nỗi đau phụ người, phụ tình sâu sắc: “ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Dường như càng trong đau khổ, nhân cách con người càng bừng sáng, càng chạm đến đỉnh điểm của sự hoảng loạn trong nỗi đau, người ta càng dễ thấy khát khao hạnh phúc mãnh liệt, tấm lòng vị tha rộng lớn. Đến” Nỗi thương mình”, Nguyễn Du càng thể hiện sự trân trọng đối với tấm lòng khát khao trinh bạch của người con gái giữa miền ô trọc. Nàng nào có để tâm đến những “ mưa sở mây Tần”, tự bản thân cũng thấy mình cô đơn giữa chốn nước đục ấy, sống qua ngày với nét ‘ vui gượng” để rồi đêm đêm, trở về thành thực và đau xót với lòng mình trong cái “ giật mình” tỉnh thức. Nguyễn Du đã thấy và trân trọng nàng như trân trọng bông hoa sen giữa bùn lầy, nâng niu hạt ngọc sáng nơi dâu bể trầm luân. Tình thương phá tan những định kiến, tình thương lặn sâu xuống những tối tăm lấm láp để mò ngọc, ấy mới là tình thương của một trái tim yêu vĩ đại, ngàn đời không ngưng đập.
Nguyễn Du lớn không chỉ bởi những đóng góp cho sự giàu đẹp về Tiếng Việt. Nguyễn Du lớn bởi trái tim và nhân cách của một nghệ sĩ, cao hơn là của một nhà nhân đạo chủ nghĩa.
Nguồn Internet