Phân tích bài Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu
Trong nền văn học Việt Nam có những nhà thơ còn là những nhà chính trị tài ba, những anh hùng cứu nước. Nếu như chúng ta biết đến Hồ Chí Minh, một người không bao giờ tự xưng là nhà thơ nhà văn nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng lại những vần thơ hay, Tố Hữu cũng là một nhà thơ đồng thời là một chiến sĩ đấu tranh cách mạng thì ta cũng không thể nào không nhắc đến Phan Bội Châu. Ông là một nhà cách mạng hết lòng vì sự nghiệp đất nước. Cũng giống như Hồ Chí Minh thì Phan Bội Châu cũng có những sáng tác văn học nhất định. Trong số những sáng tác của ông phải kể đến bài thơ Xuất dương lưu biệt
Bài thơ này được sáng tác vào cuối thế kỉ XIX, phong trào Cần Vương thất bại, thực dân Pháp chiếm toàn phần Đông Dương. Tình hình chính trị của đất nước vô cùng hỗn loạn. Năm 1905 sau khi thành lập hội Duy Tân, hội đã chủ trương cho Phan Bội Châu ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Trong bữa cơm chia tay anh em đồng chí để lên đường Phan Bội châu đã làm bài thơ này để thay lời chia tay họ. Bài thơ thể hiện rất rõ ý chí làm trai và ý chí của một người cách mạng.
Hai câu thơ đầu thể hiện rất rõ chí làm trai của Phan Bội Châu nói riêng và của thời phong kiến nói chung:
“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.”
(Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời)
Nói đến chí làm trai hẳn ai trong chúng ta cũng từng biết đến những quan niệm về chí làm trai của Nguyễn Công Trứ và Phạm Ngũ Lão:
“Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ chí anh hùng trong bốn bể”
Hay
“công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe thuyết Vũ hầu”
Và đến Phan Bội Châu lại tiếp tục nêu lên chí làm trai thời phong kiến. Thế nhưng trước sự ảnh hưởng cái mới của thời đại mình nhà thơ đã kế thừa những quan niệm xưa của cha ông và nêu lên những cái mới trong quan niệm chí làm trai của mình. Làm trai thì phải làm những việc lạ nghĩa là làm những việc hiển hách phi thường. Dám làm những việc kinh thiên động địa xoay chuyển đất trời chứ không thể ngồi im để mặc cho đất trời xoay chuyển mình được. Phải chăng đó chính là khát vọng sống mãnh liệt của chàng trai đầy nhiệt huyết với cuộc đời. Cảm hứng ấy gần gũi với những triết lý nhân sinh của nho giáo nhưng cũng đồng thời mang nét táo bạo mới mẻ hơn. Con người chúng ta luôn phải chiều theo sự xoay chuyển của trời đất những tác giả ở đây lại không thể để cho càn khôn tự chuyển dời được. Chính vì thế mà nhà thơ thể hiện được lý tưởng sống của một con người khỏe khoắn ngang tàng.
Hai câu thực nhà thơ tiếp tục đi vào làm rõ chí làm trai của mình. Càng nói ra càng thấy Phan Bội Châu quả là một vị anh hùng tài năng và đầy khí phách:
“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?”
Thời gian khoảng trăm năm là một đời con người, tác giả khẳng định trong khoảng trăm năm ấy cần có tác giả. Một đời người hay chính là hiện tại ấy phải cần có một anh hùng với chí làm trai mạnh mẽ táo bạo của nhà thơ. Ở đây ta thấy xuất hiện cái tôi cá nhân riêng biệt. Nhưng ở cái tôi ấy ta cảm nhận được cái tôi nhỏ bé, ý thức cá nhân với tư cách là một công dân với tinh thần trách nhiệm với đất nước mình. Đó tuyệt nhiên không phải cái tôi ngạo nghễ ngông nghênh. Cái tôi ấy được nhà thơ xưng là “tớ” thể hiện sự gần gũi. Trong trăm năm ấy một bậc đại trượng phu sống không phải để hưởng hết những lạc thú của cuộc đời mà để cống hiến tài trí của mình cho đất nước. Hiện tại có nhà thơ thì say này chẳng nhẽ lại không có ai là anh hùng thật sự. Nói như thế nhà thơ như khẳng định những bậc anh hùng hào kiệt nước ta đời nào cũng có. Tác giả cũng thể hiện được sự tự hào về bản thân mình. Câu thơ có hình thức là một câu nghi vấn song thực chất nó có tác dụng làm tăng cấp độ ý chí muốn làm những việc lớn để cống hiến hết mình tổ quốc thân yêu.
Không những thế chí làm trai còn gắn liền với vận mệnh đất nước, sự vinh nhục được thể hiện rất rõ:
“Non sông đã mất, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài”
Non sông đã mất thể hiện cảnh tượng nước nhà rơi vào tay giặc, tất cả nhân dân phải chịu ách thống trị nô lệ của giặc, hàng ngày họ phải sống trong cảnh áp bức bóc lột. Đối với một bậc trượng phu khi phải sống trong cảnh nước mắt ấy thì coi như đã chết rồi. Chính vì thế mà ông đưa ra ý tưởng bỏ sách thánh hiền. Đó là một ý tưởng táo bạo nhưng lại mang sự tiến bộ. Đối với nhà thơ thì tình cảnh đất nước như thế không còn học đạo vua tôi, đạo sơ chung. Bởi vì theo nhà thơ sách thánh hiền khi ấy chẳng giúp ích gì được cho cảnh nước mất nhà tan, nếu cứ khư khư ôm giữ thì chỉ là ngu mà thôi. Tuy nhiên không phải nhà thơ phủ nhân hết những lợi ích của sách thánh hiền, nếu nói như thế chẳng khác nào ông cha ta ngu khi đọc sách đó. Mà điều tác giả muốn khẳng định là khi ấy đọc sách thánh hiền không có tác dung và không phù hợp với hoàn cảnh đất nước.
Từ những ý niệm về chí làm trai khi sống là một bậc trượng phu trên cuộc đời, cùng với những diễn biến phức tạp của lịch sử Phan Bội Châu thể hiện nguyện vọng và mong muốn của mình:
“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.”
Hình ảnh ấy “bể đông theo cánh gió” và “muôn trùng sóng bạc” là hai hình ảnh mang tính chất hào hoa lãng mạn thể hiện được khát khao cao đẹp mãnh liệt của nhà thơ. Phan Bội châu muốn vượt lên thực tại đen tối của đất nước để quyết tâm lên đường làm nghiệp lớn bảo vệ cho đất nước cũng chính là bảo vệ cho sự sống còn và vinh nhục của chí làm trai. Nhà thơ muốn vượt bể Đông để theo cánh gió, cái cánh gió ấy sẽ đưa ông đến những mảnh đất văn minh ở đó ông sẽ học tập và đem những gì mình học được về cứu đất nước. Muôn trùng sóng bạc như đưa chân người anh hùng đi làm chí lớn.
Tóm lại cả bài thơ là một quan niệm chí làm trai của Phan Bội Châu. Đối với ông chí làm trai ấy phải làm được những điều hiển hách được ghi tên trong bảng vàng lưu danh muôn đời. Vận mệnh của chí làm trai gắn liền với vận mệnh của đất nước. Với giọng điệu hào hung trang nghiêm, cách sử dụng từ ngữ hấp dẫn lôi cuốn bài thơ hiện lên như một bài ca hào hùng về chí làm trai. Nó dường như tiếp sức cho Phan Bội Châu đi trên con đường cứu nước.
Nguồn: Kênh văn mẫu