Em hãy phân tích bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.
Bài làm
Thâm Tâm được biết đến là một nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, là một nhà thơ luôn mang nặng những tâm sự của thời đại cái tôi, với một giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, phảng phất chất thơ cổ điển. Đọc thơ của nhà thơ Thâm Tâm, ta như cảm nhận được những suy tư, uất ức nhưng ẩn sâu trong đó lại là tình yêu nước thầm kín và khát vọng mãnh liệt thoát ra khỏi cuộc sống bế tắc của thực tại. Thi phẩm đặc sắc “Tống biệt hành” là một bài thơ khá tiêu biểu của Thâm Tâm, thể hiện được phần nào cảm hứng sáng tác, tâm hồn của thi nhân.
Bài thơ “Tống biệt hành” như đã viết lên, viết thật xúc động về một cuộc chia li, sự ra đi không hẹn ngày về. Qua bài thơ mà nhà thơ Thâm Tâm thể hiện được những cảm xúc, dãi bày được những tình cảm cũng như những nỗi niềm sâu kín trong chính tâm hồn của mình. Mở đầu bài thơ thật đầy cảm xúc biết bao, nhà thơ đã gợi ra không khí của cuộc chia ly cũng như trạng thái tình cảm trước cuộc chia ly ấy:
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Có cuộc chia ly nào mà không đầy lưu luyến giữa người đi và kẻ ở, và trong hoàn cảnh này, với tư cách là người ở lại, nhà thơ Thâm Tâm vừa thể hiện nỗi buồn li biệt, vừa thể hiện được tình cảm tha thiết với người đi. Và chính những tình cảm rất chân thật này chi phối cách suy nghĩ của nhà thơ, dù tiễn biệt ngàn trùng cũng phải chia li, nhưng nhà thơ vẫn xúc động khi khung cảnh ấy thực sự diễn ra, và thể hiện sự tiếc nuối khi không đưa được xa hơn “Đưa người, ta không đưa qua sông”, vì bến sông bên kia chính là điểm đến của người đi. Cũng đồng nghĩa rằng giờ phút chia li đã đến. Tâm trạng nhà thơ được tái hiện một cách sống động qua tiếng sóng lòng “Sao có tiếng sóng ở trong lòng”, đó là những dao động, những nỗi niềm khắc khoải mãi khôn thể nào mà nguôi cuồn cuộn, dạt dào khi sắp phải chia xa với người mà mình yêu mến.
Cái dáng chiều, bóng chiều thường gợi ra cho con người những nỗi buồn, nỗi nhớ man mác. Và có thể nhận thấy rằng trong cuộc chia li này, bóng chiều cũng xuất hiện nhưng không có gì đặc biệt, không đỏ thắm cũng không vàng vọt do tàn dư của ánh nắng mặt trời. Có thể nói trong cách miêu tả của nhà văn Thâm Tâm, ta cảm nhận được cái nhạt nhòa của ánh sáng yếu ớt lúc này “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt”. Nhưng lại không thể phủ nhận trong cái nhìn của người ở thì ánh hoàng hôn phản chiếu qua ánh mắt trong “Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”, ta có thể hiểu ánh hoàng hôn phản chiếu qua ánh mắt này không phải hình ảnh thực mà chỉ là hình ảnh giả tưởng, nhằm nhấn mạnh sự nhớ thương của người ở đối với người đi.Xét về phương diện mặt tả thực, ta cũng có thể hiểu đó chính là sắc đỏ của ánh mắt khi con người đang xúc động cao độ, đang nhớ thương vô hạn.
“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng”
Câu thơ ngắn đó nhưng lại gợi ra cho ta rõ hơn về khung cảnh của cuộc chia li, đó không phải không khí đông đúc bạn bè người thân, mà chỉ có hai chủ thể, đó chính là tác giả – người ở và người đi- người mà nhà thơ yêu mến “Đưa người ta chỉ đưa người ấy”. Và tâm trạng thật lạ kì của người đi, kẻ ở cũng hoàn toàn trái ngược nhau “Một giã gia đình, một dửng dửng”, đối với nhà thơ, người đi như một người thân trong gia đình, gắn bó ruột thịt nên khi phải chia xa thì không tránh được cảm giác đau đớn, hụt hẫng. Ngược lại với đó, thì người đi thì “dửng dưng”, điều cần nhấn mạnh ở đây,là ta cần hiểu đúng nghĩa của từ này. “Dửng dưng” không có nghĩa là vô tâm, là sự hời hợt, không có cảm xúc gì mà nó thiên về tư thế khi ra đi hơn. Đó cũng là một tư thế hiên ngang, một ý chí bất khuất, không hối hận.
“Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong”
Quả đúng như người đọc đã dự đoán, tư thế ý chí của người đi đến khổ thơ này được nhà thơ nhấn mạnh, làm sáng tỏ, rạch ròi. “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ”, mà nhà thơ dùng những từ Hán Việt để làm cho không khí của buổi đưa tiễn mang màu sắc trang trọng. “Con đường nhỏ” ở trong bài thơ đã giúp ta có thể hiểu đó chính là con đường lí tưởng mà người đi đã lựa chọn, vì nhỏ nên ắt hẳn sẽ có những gian nan, khó khăn khi thực hiện cuộc hành trình ấy. “Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại”, câu thơ này như đã thể hiện được bất khuất trong ý chí, tinh thần mang màu sắc của những chiến binh xưa, ra đi không hẹn ngày về. Tuy nhà thơ không nói rõ chuyến đi xa này điểm đến là đâu, mục đích là gì. Nhưng chỉ với việc dựa qua sắc thái của câu thơ, ta cảm nhận được cái chân thành, cao cả trong lí tưởng, khi chưa hoàn thành được sự nghiệp của bản thân thì quyết không trở về. Và cũng xác định sẵn tư tưởng cho người ở lại, nếu ba năm tin tức bặt vô thì cũng có nghĩa là người ấy cũng không thể trở về được nữa “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”.
“Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”
Có thể nói rằng chuyến đi không hẹn ngày về này không chỉ có Thâm Tâm cảm thấy đau đớn, xót xa mất mát mà còn rất nhiều người thân của người đi cũng không khỏi bồi hồi, lưu luyến “Ta biết người buồn chiều hôm trước”, đó chính là những người thân của người đi. Và đã là người thân thì đâu ai muốn người thân yêu của mình phải đi vào chỗ hiểm nguy, chết chóc. Cũng vì vậy mà các chị đã hết lời khuyên em, dù biết chẳng thể đổi thay gì “Một chị, hai chị cũng như sen/ Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”. Giọt lệ tràn mi thể hiện được sự nỗi đau cũng đồng thời thể hiện sự chấp nhận đầy miễn cưỡng, không muốn nhưng vì em các chị vẫn đồng ý, động viên.
“Ta biết người buồn sáng hôm nay
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc, chiếc khăn tay”
Bên cạnh cái “dửng dưng” khi ra đi thì những nỗi buồn được người đi giấu kín trong đáy sâu của tâm hồn. Người không chỉ buồn thương khắc khoải buổi chiều hôm trước, khi chia tay người thân, mà ngay giờ phút này đây, vào giờ phút chia li thì cảm giác chia phôi, mất mát cũng chưa một phút phai nhạt trong con người ấy. Nhưng “Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay”, nhà thơ tin tưởng vào tương lai, vào sự đoàn viên không xa, bởi trời vẫn đẹp, tiết trời còn chưa sang thu. Dùng thời gian để nói về ý niệm tình cảm, có thể thấy đây là nét độc đáo trong cách thể hiện của nhà thơ. Hình ảnh em nhỏ ngây thơ xuất hiện thật bất ngờ, làm cho ta suy nghĩ, chắp mối quan hệ và gợi những liên tưởng phong phú. Đó có thể là một người em đơn thuần của người đi, hay đó cũng có thể là người thương của người đi. Chiếc khăn tay đã được gói tròn một cách cẩn thận, là tình cảm song cũng là niềm thương tiếc với người đi “Gói tròn thương tiếc, chiếc khăn tay”.
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say”
Ở những câu thơ tiếp theo lại là khoảng thời gian sau đó, khi người đi mà không thấy ngày trở về. Nhà thơ như đã nhận thức được hiện thực buồn ấy những vẫn tự hỏi mình một cách chua xót “Người đi! Ừ nhỉ, người đi thực”, đó chính là cái mơ hồ của cảm giác, dù người đã đi thực rồi nhưng vẫn tưởng như không. Người đi để lại sau lưng tất cả “Mẹ thà coi như chiếc lá bay”, người đi rồi, mẹ già lẻ bóng thấp thỏm chờ con, dù mái đầu đã bạc nhưng không có người phụng dưỡng, chăm lo. “Chị thà coi như hạt bụi”, em không về, người chị ôm nỗi nhớ em, sầu thương. “Em thà coi như hơi rượu say”, hình ảnh này khá độc đáo, vì hơi rượu làm người ta say, thăng hoa về cảm xúc trong chốc lát. Nhưng khi hơi rượu tàn thì sự thăng hoa ấy có thực sự tồn tại, hay chỉ tồn tại trong kí ức đầy mơ hồ.
Như vậy, thi phẩm “Tống biệt hành” của Thâm Tâm nói về cuộc chia ly đầy cảm động, thật lưu luyến của người đi, kẻ ở. Cũng như đã nói lên khát vọng, lí tưởng cháy bỏng của người đi, dù không biết điểm đến của người đi là đâu nhưng qua sự quyết tâm thì người đọc cũng hiểu khát vọng ấy đủ lớn, đủ cao cả để người đi bỏ lại sau lưng những tình cảm cá nhân, những thứ quý giá của cuộc đời mình. Và khi người đi không trở lại thì dư âm của nỗi đau, của sự xót thương vẫn còn tồn đọng mãi không phai.