Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca
Bài làm
Thanh Thảo là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông là tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” được rút trong tập “Khối vuông ru-bích” là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của ông.
Tác phẩm được viết theo thể thơ tự do, mang phong cách tượng trưng – siêu thực. Nhan đề bài thơ đã nhắc tới cây đàn ghi ta, đây là một loại nhạc cụ của đất nước Tây Ban Nha, Lor-ca là nhà thơ, người nghệ sĩ với khao khát cách tân nền nghệ thuật nước nhà. Ông bị bọn phát xít bắn chết, một cái chết bi thương và đầy đau đớn. Mở đầu bài thơ là lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” đã thể iện một tình yêu thiết tha đối với nghệ thuật, đất nước. Đây là di chúc của nhà thơ Tây Ban Nha, dường như ông đã dự cảm trước về cái chết của mình. Mong muốn ấy cũng thể hiện sự xóa bỏ tầm ảnh hưởng của mình đối với các thế hệ sau.
Hình tượng Lor-ca hiện lên là một người nghệ sĩ tự do, khát khao cách tân nghệ thuật.
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếch choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Khổ thơ đã gợi nên không gian, bối cảnh Tây Ban Nha lúc bấy giờ, Tây Ban Nha hiện lên với những trận đấu bò tót đẫm máu cùng màu áo choàng đỏ gắt của các đấu sĩ. Đó cũng là hiện thực đất nước lúc bấy giờ, một đất nước với nền chính trị độc tài khiến cuộc sống muôn dân đau khổ, bất mãn. Tiếng đàn bọt nước là hình ảnh tượng trưng chuyển từ thính giác sang thị giác cùng với chuỗi âm thanh “li-la li-la li-la” đã cho thấy sự bất tử của tiếng đàn, dù đã như bọt nước rồi đột ngột vỡ tan nhưng âm thanh ấy không mất đi mà vẫn hiển hiện trong không gian. Nghệ thuật vẫn tồn tại và có sức sỗng mãnh liệt không thể chôn vùi. Thanh Thảo sử dụng nghệ thuật láy âm “Li-la li-la li-la” để gợi ra hợp âm quen thuộc của cây đàn ghi ta, li la cũng là tên gọi của loài hoa tử linh hương tươi đẹp. Lor-ca hiện lên với hình ảnh một người nghệ sĩ khao khát đổi mới, cách tân nền nghệ thuật cằn cỗi, đi theo lối mòn. Dẫu hành trình ấy có phải “đi lang thang về miền đơn độc” trên “yên ngựa mỏi mòn” thì cũng là cuộc đấu tranh chính nghĩa vì tự do và sự đổi mới.
Ngỡ tưởng ông sẽ thành công với công cuộc cách tân đó nhưng ông đã bị phát xít bắn chết và khát khao cách tân bị dang dở.
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bè bết đỏ
Lor-ca bộ điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”
Cái chết đến quá đột ngột khiến chính bản thân Lor-ca cũng không ngờ tới. Hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” một lần nữa xuất hiện thể hiện cái chết đầy bi thương, oan khuất của người nghệ sĩ ấy. Thanh Thảo sử dụng thủ pháp đối lập “hát nghêu ngao” với “áo choàng bê bết đỏ” làm nổi bật lên sự đối lập giữa tự do của người nghệ sĩ với sự tàn ác của bọn phát xít. Chúng đã điệu ông về bãi xử bắn nhưng Lor-ca ra đi với tinh thần hiên ngang như đang đi trong một giấc mộng đẹp.
Tiếng ghi ta đã được ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ âm thanh trở thành màu sắc, hình khối. “Tiếng ghi ta nâu” suy tư, trầm lặng, “tiếng ghi ta lá xanh” là màu của cuộc sống, hi vọng đến “tiếng ghi ta tròn bọt nước” là sự bàng hoàng đến mức tức tưởi rồi vỡ tan ra, tiếng ghi ta đau đớn khi “ròng ròng máu chảy”. Tiếng ghi ta đó đã được nhân hóa để mang các trạng thái của con người, đó cũng chính là số phận của Lor-ca. Thanh Thảo đã tái hiện lại cái chết của Lor-ca đầy đau đớn và bi thương.
Người nghệ sĩ bị tiêu diệt nhưng tài năng và những tác phẩm của ông thì còn mãi.
“Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng.
Ước nguyện “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” của Lor-ca đã không được thực hiện. Tiếng đàn ấy không ai muốn chôn cất nó, không ai muốn phải chôn vùi đi một tài năng đã có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật. Thanh Thảo so sánh tiếng đàn với loài cỏ mọc hoang, càng bị giẫm đạp càng có sức sống kiên cường bền bỉ. Phải chăng nhà thơ ngụ ý nói tài năng nghệ thuật của Lor-ca cũng như vậy? Hình ảnh tượng trưng “giọt nước mắt vầng trăng” đã thể hiện tài năng của Lor-ca luôn được tỏa sáng đồng thời cũng là ẩn dụ cho việc bọn phát xít đã ném xác ông xuống giếng nhưng giếng sâu không làm chìm ẩn tài năng của người nghệ sĩ mà làm tài năng ấy thêm phần long lanh, huyền ảo.
Dường như Lor-ca đã tiên đoán trước được cái chết của mình nhờ vào các đường chỉ tay nhưng ông không nghĩ nó lại đến sớm và đột ngột như thế. Số phận Lor-ca thật ngắn ngủi so với sự dài rộng của cuộc đời. Chàng đã:
“chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la”
Bộ lạc Di-gan là một tộc người thích sống tự do, mưu sinh bằng nghề múa, hát, xem tướng và bùa chú. Hành động “ném lá bùa”, “ném trái tim mình” thể hiện một sự lựa chọn, một sự giải thoát của người nghệ sĩ. Lá bùa chỉ có ý nghĩa khi Lor-ca còn sống và trái tim cũng chỉ có ý nghĩa khi nó vẫn còn đập. Lor-ca đã giã từ cuộc sống để sang thế giới bên kia trở thành bất tử cùng sự nghiệp của mình. Chàng đã hoàn thành sứ mệnh ở trần gian để đi vào cõi vĩnh hằng, không một thế lực nào có thể tiêu diệt được.
Âm thanh “li-la li-la li-la” như một khúc vĩ thanh tạo cho bài thơ giàu nhạc tính. Đó cũng là dư âm của tiếng đàn ghi ta, dư âm của một tài năng có cái chết bi thương, đẫm máu. Âm thanh ấy còn gợi ra sự sống cứ tiếp tục tuần hoàn để nghệ thuật được hồi sinh và phát triển. Nghệ thuật không có sự ngăn cách và ranh giới, nhà thơ Thanh Thảo đã thể hiện tình cảm xót thương, ngưỡng mộ với một người nghệ sĩ phương Tây bằng tất cả sự chân thành.
Bài thơ đã thể hiện nỗi đau xót sâu sắc của Thanh Thảo trước cái chết của nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha có tên Lor-ca. Ông đã kết hợp hai yếu tố thơ và nhạc để tạo sức gợi mở đa dạng, phong phú về hình ảnh và sự mới mẻ về ngôn từ. Thể thơ tự do kết hợp với việc nhà thơ không sử dụng dấu câu đã làm mạch cảm xúc cứ thế tuôn chảy một cách tự nhiên mà không bị gò bó vào khuôn khổ nào cả. Bên cạnh đó, bài thơ cũng thể hiện sự ngưỡng mộ của Thanh Thảo với tài năng của người nghệ sĩ mang phong thái tự do Lor-ca.