Phân tích bài thơ Cảm xúc mùa thu để thấy được cảnh và tình trong thơ Đỗ Phủ
Hướng dẫn
Cảm xúc mùa thu là bức tranh mùa thu hiu hắt, thấm đượm nỗi buồn hòa quyện với bức tranh tâm trạng với nỗi lòng cô đơn, da diết của người con xa quê. Phân tích bài thơ “Cảm xúc mùa thu”để thấy được cảnh và tình trong thơ Đỗ Phủ.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích bài thơ Cảm xúc mùa thu
1. Mở bài
Giới thiệu về tác giả Đỗ Phủ và tác phẩm “Cảm xúc mùa thu”:
– Đỗ Phủ là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học đời Đường, được mệnh danh là “Thi thánh”. Ông đã để lại khoảng 1400 bài thơ, trong đó “Thu hứng” (“Cảm xúc mùa thu”) là một trong những thi phẩm xứng tầm kiệt tác thể hiện rõ tài năng của tác giả.
– Thông qua bài thơ này, chúng ta thấy được sự thay đổi của tầm nhìn giữa các câu thơ, phù hợp với sự vận động từ cảnh đến tình của tứ thơ, từ đó cho thấy mạch chuyển biến và thống nhất giữa cảnh và tình trong bốn câu thơ đầu và bốn câu thơ sau của tác phẩm.
2. Thân bài
– Bài thơ được chia thành hai phần nhưng vẫn có sự thống nhất:
+ Bốn câu thơ đầu vẽ nên bức tranh cảnh mùa thu hiu hắt, thấm đẫm nỗi buồn.
+ Bốn câu thơ sau thiên về tả tình, đó là nỗi nhớ quê hương và nỗi lòng người thi nhân.
+ Xuyên suốt bài thơ, bức tranh thiên nhiên và bức tranh tâm trạng vẫn quyện hòa và thống nhất: trong “cảnh” có “tình”, và “tình” bắt nguồn từ “cảnh”.
– Ở bốn câu thơ đầu, tác giả đã vẽ nên bức tranh mùa thu ảm đạm, hiu hắt pha chút dữ dội, sầu thẳm, hoang vu, tuy nhiên chúng ta vẫn thấy được chút “tình” của người thi nhân ẩn sau bức tranh đó:
+ Bức tranh mùa thu hiện lên:
- “ngọc thu” là cách nói ẩn dụ miêu tả hạt móc long lanh như hạt ngọc làm héo hon, điêu tàn
- núi Vu, kẽm Vu hiu hắt nhòe mờ trong “khí thu lòa”.
- Những làn sóng cuồn cuộn vọt lên đến tận lưng trời cùng hình ảnh mây từng lớp từng lớp đùn lên, sa sầm giáp mặt đất nơi cửa ải → sự đối xứng giữa sóng và mây: sóng hướng lên cao, mây sà xuống đất để lại ấn tượng về sự dữ dôi, mạnh mẽ.
+ Bức tranh tâm trạng ẩn sau bức tranh thiên nhiên thể hiện thông qua những thi liệu, hình ảnh thơ mà tác giả đã chọn lựa:
- “rừng phong” là một hình ảnh ước lệ, không chỉ là biểu tượng cho mùa thu mà còn là hình ảnh ẩn dụ cho những ý niệm về nỗi buồn, về sự chia li.
- Sự xuất hiện của sóng cuồn cuộn và mây đùn lên trong mối quan hệ đối xứng tạo nên một cảnh tượng dữ dội nhưng lại tô đậm thêm vẻ sầu thẳm, hoang vu.
– Ở bốn câu thơ tiếp theo, “tình” không còn được bộc lộ một cách kín đáo mà được thể hiện trực tiếp và lấn át “cảnh”.
+ Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ” (Khóm cúc nở hoa hai lần: những giọt lệ ngày trước) gợi nên hoài niệm về mùa thu trước:
- hai lần nhìn hoa cúc nở, tưởng chừng như cúc đã nhỏ lệ.
- gợi ra hình ảnh nhà thơ ngắm nhìn khóm cúc làm chảy dòng lệ của người thi nhân- dòng lệ hiện tại cũng là dòng lệ trong quá khứ.
+ “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Con thuyền lẻ loi buột chặt tâm lòng nhớ vườn cũ) thể hiện rõ nồi buồn li hương cùng nỗi nhớ quê nhà luôn khắc khoải.
+ Không khí “may áo rét” và âm thanh tiếng chày đập vải vang lên dồn dập không hề gợi nên sự rộn ràng tươi vui mà càng tô đậm thêm nỗi buồn, nỗi sầu trong tâm hồn thi nhân.
+ Trong những câu thơ thiên về “tình” này, chúng ta vẫn thấy được sự đồng nhất giữa “tình” và “cảnh”:
- giữa hiện tại và quá khứ: “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ”- giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ quá khứ,
- giữa sự vật và con người qua hình ảnh con thuyền cô đơn buộc chặt mối tình đối với quê hương.
3. Kết bài
Ý nghĩa của “tình” và “cảnh” được thể hiện trong bài “Thu hứng”:
– Mối quan hệ giữa “tình” và “cảnh” trong bài thơ phù hợp với đặc trưng của thơ ca trung đại nói chung và văn học đời Đường nói riêng. Đó là quan niệm “Thiên nhân tương đồng” thể hiện sự đồng nhất giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ.
– Mối quan hệ đó thể hiện rõ tư duy trong tứ thơ Đường: “Thơ Đường là thơ của các mối quan hệ”.
Theo Tapchivanhoc.com