Đề bài: Phân tích bài Cảm hoài của Đặng Dung
Dân tộc Việt Nam có truyền thống bề dày lịch sử, trong suốt chiều dài của quá trình dựng nước và giữ nước dân tôc ta đã trải qua bao thăng trầm biến cố. Và mỗi lần có giặc ngoại xâm tinh thần yêu nước lại dâng cao. Các tác phẩm thơ văn viết về lòng yêu nước là bao trùm hơn cả. Thường khi nhắc đến thơ ca ta thường nghĩ đến những nhà nho, văn nhân là lực lượng chính sáng tác thơ văn nhưng trong lịch sử có nhiều danh tướng vô cùng tài ba khi đánh giặc và khi cầm bút họ là thi nhân. Tiêu biểu như bài “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt, hay tướng Trần Quang Khải có “Tụng giá hoàn kinh sư” và thuật hoài của Phạm Ngũ Lão. Nếu những tác phẩm trên đều ca ngợi sức mạnh ca ngợi triều đại và lòng tự hào trước những chiến thắng lừng lẫy thì “ cảm hoài” của Đặng Dung được coi là bài thơ bi hùng nhất trong nền văn thơ cổ điển Việt Nam.
Đặng Dung là bậc anh hùng hào kiệt lừng lẫy ở thời Hậu Trần, bài “cảm hoài” có lẽ được Đặng Dung viết vào thời điểm trước khi bị giặc Minh bắt. Thời gian này do thua trận ông phải sống lẩn lút trong rừng, biết đã lỡ thời vận cơ hội phục quốc, đánh đuổi chống giặc ngoại xâm dần tiêu tan ông đã bày tỏ nỗi lòng qua “cảm hoài” đó là sự bi tráng của người anh hùng chí lớn nhưng thất cơ lỡ vận. Bài thơ mở đầu với câu thơ:
“Thế sự du du nại lão hà”
Đây là tiếng lòng của Đặng Dung, tiếng lòng đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan. Cuối thế kỉ XIV nhà Trần suy vong Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập ra nhà Hồ, triều mới không được lòng dân, nhà Minh nhân cơ hội sang xâm lược nước ta. Cha con Hồ Quý Ly thất bại bị bắt về Trung Quốc nước ta bị giặc chiếm đóng, dân chúng chìm trong tang tóc đau thương. Tội ác của giặc Minh ghê tởm, đất trời cũng phải phẫn nộ Nguyễn Trãi đã ghi lại bằng những lời tố cáo đanh thép trong bình ngô đại cáo:
“Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Giặc Minh hung tàn gây ra bao tội ác trời không dung đất không tha câu thơ đầu như một tiếng than về nỗi lòng bất lực trước thời cuộc. Người anh hùng thất thế, việc lớn chưa thành nước mất nhà tan: “việc đời dằng dặc, mà ta đã già rồi biết làm sao đây?”. Trong lòng tác giả dâng trào cảm xúc khó tả, là một con người luôn có ý thức trách nhiệm với đất nước, nhân dân nên Đặng Dung lúc nào cũng mang trong mình khát khao cống hiến nhưng thời gian thoi đưa, nhắm mắt mở mắt đời người được mấy thủa. Người anh hùng có chí lớn, tài giỏi nhưng tránh sao được quy luật của tự nhiên: “Sinh, lão, bệnh, tử” cay đắng bất lực trước thực tại phũ phàng, ông đành thu hết tâm tư vào một cuộc say ca:
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Ý tưởng hoài bão thôi đành thu vào một khúc ca say để cố quên đi hiện thực cay đắng. Nhưng sự quên đi trong cuộc ca say đó cũng vô ích bởi người anh hùng sao có thể thu chí lớn, một con người trách nhiệm như Đặng Dung sao có thể nhắm mắt làm ngơ bỏ mặc thế sự.
Hai câu thơ tiếp theo nói về việc đời xưa nay thành bại chung quy là tại trời, đã nêu bật lên sự đối lập giữa “gặp thời và thất thế” đối với người anh hùng như một quy luật lịch sử cay đắng không thể thay đổi:
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Tức là: “Gặp thời anh hàng thịt, kẻ câu cá cũng làm nên công trạng
Lỡ vận bậc anh hùng cũng phải nuốt hận nhiều”
Cha con Đặng Dung đều là những anh hùng hào kiệt nhưng họ lại là những anh hùng lỡ vận nên đành bất lực lỡ dở sự nghiệp lớn lao. Trong lịch sử biết bao người xuất thân bần hàn nhưng gặp thời thì kẻ “bán thịt, bán cá” cũng đạt được thành công còn ông xuất thân con nhà danh tướng nhưng lỡ thời vận thì dù có tài giỏi cũng khó làm nên việc lớn. Đặng Dung cảm nhận được vận nước đang vô cùng ảm đạm, Thất bại là điều khó tránh khỏi nên nỗi lòng ông nặng trĩu buồn đau bất lực để phải “ẩm hận” tức là uống hận, nuốt hận, đã thể hiện sự tột cùng căm phẫn vì bọn cuồng Minh tàn ác giày xéo muôn dân. Uất hận vì xa cơ lỡ vận chẳng thể cống hiến giành lại giang sơn đang oằn mình với bao nỗi đau. Tuy “vận” của mình đã “khứ” nhưng Đặng Dung vẫn mong có cơ hội xoay vần để quyết sống mái với giặc một phen:
“Chí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãng thiên hà”
Lòng Đặng Dung luôn “phò chúa”, đem tài giúp chúa, xoay chuyển mong lật lại thế cờ giành lại non sông và ông có một ý tưởng thật táo bạo thể hiện tột cùng lòng yêu nước. Ta choáng ngợp trước hình ảnh thơ: “Muốn kéo sông Ngân xuống để rửa giáp binh” ông muốn tẩy binh để dốc toàn sức lực dù biết sẽ là một cuộc chiến tranh khốc liệt, rất nhiều máu sẽ đổ, nhiều sinh mạng sẽ tan biến. nhưng với tấm lòng yêu nước, ông sẵn sàng làm điều đó vì chỉ có như vậy mới có thể đánh đuổi giặc xâm lược, nền hòa bình thực sự bắt buộc phải đổi lại bằng xương máu hi sinh. Nhưng “thiên hà” con sông của vũ trụ với muôn vàn tinh tú kia ở quá xa trên bầu trời xa thẳm mãi là ước muốn chẳng thể thực hiện. Trong cuộc đời chiến đấu Đặng Dung không một giây phút nào quên đi nợ nước thù nhà ông luôn một lòng muốn tìm ra con đường để giành lại giang sơn, giành lại hòa bình độc lập cho dân tộc. Mong ước lớn lao là vậy nhưng thực tại cay đắng biết chừng nào khi mà:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
“Quốc thù” còn đó tông miếu tổ tiên bị quật phá, con dân lầm than, đâu đâu cũng là cảnh đầu rơi máu chảy sinh linh ai oán. Còn gì buồn hơn cho người anh hùng một lòng vì dân vì nước nhưng sự nghiệp đành dang dở, chí lớn chưa thành mà thời gian thoi đưa, con tạo xoay vần tuổi xanh qua đi tuổi già đã tới. Bao hoài bão còn chưa thực hiện người anh hùng đành bất lực câu thơ đã lột tả nỗi lòng Đặng Dung sao mà chua xót ai oán. Những tưởng bài thơ khép lại trong tiếng thở dài bất lực tuyệt vọng thì câu thơ cuối:
“Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma”
Dù tuổi già đầu bạc vận thời đã qua và nếu thất bại nhưng người nghĩa sĩ Đặng Dung không có điều gì phải hổ thẹn, người anh hùng vẫn sẽ mài gươm báu chiến đấu đến giây phút cuối cùng như lưỡi gươm báu ánh lên dưới trăng sáng sẽ không bao giờ tắt, ý chí sắt đá người anh hùng Đặng Dung vẫn hiên ngang đến giây phút cuối đời. Cuộc khởi nghĩa thất bại ông bị bắt nhưng không chịu nhục mà khom lưng uốn gối trước giặc người anh hùng mài gươm dưới nguyệt đã trầm mình tự vẫn giữ trọn khí tiết.
Đặc sắc của bài thơ “cảm hoài” là ở nghệ thuật thơ điêu luyện, hình ảnh thơ liên tưởng sâu rộng kì vĩ đã khắc họa hình tượng nhân vật trữ tình rất đặc sắc vừa bi phẫn nhưng không hề tuyệt vọng buông xuôi. Nhà Hồ thất bại, đất nước rơi vào cảnh nô lệ lầm than hơn hai mươi năm, người anh hùng Đặng Dung tuy lỡ vận vẫn đời đời hiên ngang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết:
“Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công”
Ta không thể lấy sự thành bại để luận anh hùng mà chính khí phách cùng lý tưởng cao đẹp mới là bản chất của anh hùng và Đặng Dung chính là một người anh hùng trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Bài thơ “cảm hoài” là một nỗi buồn lớn, là tiếng kêu bi phẫn dù bất lực trước thời cuộc nhưng thể hiện lòng yêu nước thiết tha của người anh hùng mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Tiếng lòng đau đớn, xót xa của Đặng Dung được gửi gắm qua cảm hoài xứng đáng là một kiệt tác đến muôn đời sau.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu