Phân tích bài ca dao Trèo lên cây khế nửa ngày/Ai làm chua xót lòng này khế ơi lớp 10

Tự bao giờ đến bây giờ, thơ ca vẫn luôn có sức đồng cảm mãnh liệt với con người. Từ thuở sơ khai, khi con người bắt đầu cuộc sống nguyên sơ, thơ ca đã trở thành người bạn đường không thể thiếu. Những khi mệt nhọc hay nhàn hạ, khi đau buồn hay hạnh phúc, họ đều cất lên những câu ca để thể hiện nỗi lòng và tìm tiếng nói đồng cảm với mọi người. Và ca dao ra đời. Những câu ca dao yêu thương tình nghĩa đã làm phong phú đời sống tinh thần của con người, là tấm gương phản chiếu tâm hồn qua các thế hệ. Một trong những câu ca dao hay nhất là những câu viết về tình yêu đôi lứa. Có thể kể đến câu ca dao: “Trèo lên câu khế nửa ngày…” Trong chương trình lớp 10, các bạn sẽ được phân tích bài ca dao trên. Chú ý chia các câu thơ thành ý rõ ràng, hợp lí, phân tích có giọng điệu và cảm nhận riêng của mình. Sau đây sẽ là một số bài viết mẫu các bạn có thể tham khảo trước khi viết bài. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH BÀI CA DAO: “TRÈO LÊN CÂY KHẾ NỬA NGÀY…”

Trong cuốn “Đaghetxtan của tôi”, nhà thơ Nga Raxun Gamzatop từng viết:

  • “Những chiếc bình đẹp nhất
  • Nặn từ đất bình thường
  • Những câu thơ đẹp nhất
  • Từ những chữ bình thường”.

Những câu thơ hay nhất, rung cảm lòng người không phải là những câu thơ sang trọng, mực thước, là mẫu mực muôn thuở mà lại là những câu thơ giản dị đến không ngờ nhưng lại được cất lên từ chính tấm lòng chân thật của con người. Đó chính là những câu ca dao. Một trong những bài ca dao yêu thương tình nghĩa ghi dấu ấn trong lòng người đọc là bài ca dao:

  • “Trèo lên cây khế nửa ngày,
  • Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!
  • Mặt trăng sánh với mặt trời.
  • Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
  •  Mình đi có nhớ ta chăng?
  • Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời.”

Bài ca là tiếng nói tiếc nuối, xót xa của những chàng trai gặp cảnh tình duyên lỡ dở.

Xem thêm:  Liệt kê những thơ lục bát chế bựa cực hài hước,vui nhộn

Bài ca dao mở đầu với thế hứng rất quen thuộc trong văn học dân gian, như bài ca dao:

  • “Trên trời có đám mây xanh
  • Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng
  • Ước gì anh lấy được nàng
  • Để anh mua gạch Bát Tràng về xây.”

Hay:

  • “Trèo lên cây bưởi hái hoa,
  • Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
  • Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
  • Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!”

Trèo lên cây khế là việc rất bình thường, nhưng ở trên cây khế đến “nửa ngày” thì thật là vô lí! Nhưng chính cái vô lí ấy lại diễn đạt đúng tâm trạng  của chàng trai: chua xót đến ngơ ngẩn. “Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!”, câu đầu đã mở lối một cách hết sức tự nhiên cho lời tâm sự bật ra ở câu thứ hai. Nỗi chua xót trong lòng chàng trai vì “ai” đó, chỉ biết ngỏ cùng cây khế. Vì đâu mà chua xót? Vì một lí do nào đó, có thể là ngần ngại không dám nói ra lời yêu? vì cha mẹ không đồng ý? Hoặc vì gia cảnh? Nhưng dù sao thì họ cũng không thể vẹn tròn hạnh phúc. Chàng trai không biết làm gì, đành buông lời luyến tiếc: “Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!” Âm điệu xót xa nằm ngay ở hai chữ “chua xót”- một nỗi đau nhức nhối, khôn nguôi. Đó không phải lời đãi bôi, nói vui đùa với cô gái mà là lời luyến tiếc. Bởi càng yêu nhiều lại càng tiếc nhiều, lại chỉ có thể ngậm ngùi:

  • “Bây giờ em đã có chồng
  • Như chim vào lồng như cá cắn câu
  • Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
  • Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Tuy tình duyên lỡ dở, tình cảm của chàng trai không trọn vẹn nhưng tấm lòng vẫn bền vững, thủy chung:

  • “Mặt trăng sánh với mặt trời.
  • Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
  •  Mình đi có nhớ ta chăng?
  • Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời.”

Những cặp hình ảnh sóng đôi: “mặt trăng” và “mặt trời”; “sao Hôm” và “sao Mai”, “sao Vượt” và “trăng” như hình ảnh của anh và em, của “ta” và “mình”. Có ngày thì không có đêm, có mặt trời thì không thể có mặt trăng, sao Hôm và sao Mai, sao Vượt và trăng dẫu cùng một bầu trời vẫn muôn trùng xa cách. Càng xa cách lại càng nhớ thương vời vợi, để rồi nỗi nhớ bật lên thành câu hỏi da diết: “Mình đi có nhớ ta chăng?”. Những câu hỏi như thế xuất hiện khá nhiều trong ca dao tình yêu:

  • “Mình về có nhớ ta chăng
  • Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình”
  • “Ta về ta cũng nhớ mình
  • Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao”.

Danh xưng “ta” và “mình” thể hiện sự gắn bó trong hai con người, thân thiết như vợ chồng. Với người con trai, người con gái ấy đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Dẫu anh và em phải xa cách, dẫu tình cảm không thể trọn vẹn thì chàng trai vẫn hướng về mình, về tình cảm đôi mình trong liên tưởng đẹp đẽ. Và vượt lên tất cả là tấm lòng son sắt không đổi thay- là lối sống cao đẹp trong ứng xử của tâm hồn, tính cách Việt.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ của em về mùa xuân

Như vậy, chỉ với sáu câu thơ mà có thể diễn tả đầy đủ cung bậc tình cảm, trạng thái của người con trai trong tình yêu: sự chua xót, khôn nguôi vì tình yêu lỡ dở nhưng đó cũng chỉ là một biểu hiện của tình yêu. Tấm lòng thủy chung, son sắt của chàng trai dành cho người con gái chính là biểu tượng cao nhất của tình cảm cao đẹp, của nghĩa tình con người Việt Nam. Lời thơ giản dị như lời ăn tiếng nói, như chính tâm hồn chân chất của những người nông dân vậy nhưng nó có sức lay động mãnh liệt. Vì nó chạm vào được trái tim con người, vì ta cảm và hiểu với những tâm trạng ấy.

Những bài ca dao ấy, chính là “viên ngọc quý” (Hồ Chí Minh) của kho tàng văn học Việt Nam. Khi nào con người còn sống, còn biết yêu ghét và vui buồn thì những câu ca dao như thế còn có sức sống và giá trị trong lòng người đọc.

Nguồn Internet

Check Also

myhuyen 1 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *