Nêu ý nghĩa và bài học được rút ra từ truyện cười Lợn cưới áo mới
Hướng dẫn
“Lợn cưới áo mới” là truyện cười chứa đựng nhiều thông điệp, bài học sâu sắc về cách ứng xử trong cuộc sống. Em hãy nêu ý nghĩa và bài học được rút ra từ truyện cười Lợn cưới áo mới.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu truyện cười Lợn cưới áo mới và bài học từ truyện cười: Những tác phẩm truyện cười không chỉ mang lại những tiếng cười sảng khoái sau những ngày giờ lao động mệt nhọc mà còn là công cụ truyền đạt những điều hay lẽ phải, kinh nghiệm cuộc sống cũng như phê phán những thói hư tật xấu trong cuộc sống. Và truyện cười “Lợn cưới áo mới” là một câu chuyện như vậy
2. Thân bài
-Khái quát nội dung truyện cười: Kết cấu của truyện ngắn nhưng cô đọng và hấp dẫn, truyện kể về hai anh chàng có tính khoe của gặp nhau, một người thì muốn khoe chiếc áo mới may còn một người muốn khoe con lợn cưới của mình. Anh chàng có chiếc áo mới may vốn sẵn tính khoe nên liền mặc ngay không chờ đợi, mặc rồi còn đứng hóng ở cửa chờ người đi qua sẽ khen
-Bài học về sự phê phán những kẻ có tính khoe khoang: Trước hết, đó là sự lên án, phê phán đối với những kẻ khoác loác, khoe khoang một cách lố bịch, nhắc nhở chúng ta không nên a dua và học tập theo những kẻ hợm hĩnh đó
-Bài học nhắc nhở con người về tính khiêm tốn: Khuyên con người ta nên học đức tính khiêm tốn, luôn không ngừng học tập và rèn luyện để trau dồi bản thân, không nên có chút tự cao về những gì mình đang có.
-Bài học về thước đo giá trị của con người: Các tác giả dân gian muốn khẳng định với người đọc rằng, thước đo giá trị của con người chính là trí thức, tài năng, đóng góp và cống hiến của bản thân đối với cộng đồng, xã hội
3. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa và bài học của truyện: Như vậy, qua truyện cười này, chúng ta đã rút ra cho mình được những bài học vô cùng bổ ích và ý nghĩa. Đó là những bài học rất thực tế đối với mọi lứa tuổi, hoàn cảnh và thời thế.
II. Bài tham khảo
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện cười chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn học của nhân dân. Những tác phẩm truyện cười không chỉ mang lại những tiếng cười sảng khoái sau những ngày giờ lao động mệt nhọc mà còn là công cụ truyền đạt những điều hay lẽ phải, kinh nghiệm cuộc sống cũng như phê phán những thói hư tật xấu trong cuộc sống. Và truyện cười “Lợn cưới áo mới” là một câu chuyện như vậy.
Kết cấu của truyện ngắn nhưng cô đọng và hấp dẫn, truyện kể về hai anh chàng có tính khoe của gặp nhau, một người thì muốn khoe chiếc áo mới may còn một người muốn khoe con lợn cưới của mình. Anh chàng có chiếc áo mới may vốn sẵn tính khoe nên liền mặc ngay không chờ đợi, mặc rồi còn đứng hóng ở cửa chờ người đi qua sẽ khen. Tuy nhiên anh ta đã rất tức tối, bực bội vì đứng từ sáng đến chiều chẳng có ai hỏi thăm.
Hành động mặc áo liền sau khi may và đứng hóng ở cửa đã lột tả được bản chất đáng chê cười ở anh chàng này. Chỉ vì một chiếc áo mới mà anh ta đã biến mình thành một đứa trẻ, người xưa có câu “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”, chỉ có trẻ con được áo mới thì mới vui mừng và đem khoe. Khi có anh chàng tìm lợn tới hỏi thăm, anh ta vội vàng giơ ngay vạt áo lên rồi trả lời một cách thừa thãi rằng: “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả”.
Như vậy là anh ta đã đạt được mục đích khoe khoang của mình, nhưng đó là cách khoe khoang có phần lố bịch và trơ trẽn, vô duyên. Về anh chàng có con lợn cưới, nhà có cỗ mà con lợn làm cỗ xổng chuồng chạy mất, trong hoàn cảnh đó, đáng lẽ ra anh ta nên chú tâm vào việc miêu tả con lợn làm sao cho người khác nhận ra là lợn của mình. Nhưng không, anh ta lại lợi dụng tình hình đó để khoe rằng nhà mình có con lợn cưới, ý chỉ cỗ to, anh ta đã coi trọng việc khoe khoang hơn là tìm con lợn. Tóm lại, dễ dàng nhìn ra thói khoe khoang đã ngấm vào máu và bản chất của hai nhân vật này, họ chỉ chờ có cơ hội là khoe ngay, quả thật rất đáng chê trách và mỉa mai, phê phán.
Câu chuyện đã giúp người đọc rút ra được nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc. Trước hết, đó là sự lên án, phê phán đối với những kẻ khoác loác, khoe khoang một cách lố bịch, nhắc nhở chúng ta không nên a dua và học tập theo những kẻ hợm hĩnh đó. Đồng thời khuyên con người ta nên học đức tính khiêm tốn, luôn không ngừng học tập và rèn luyện để trau dồi bản thân, không nên có chút tự cao về những gì mình đang có. Cuối cùng, các tác giả dân gian muốn khẳng định với người đọc rằng, thước đo giá trị của con người chính là trí thức, tài năng, đóng góp và cống hiến của bản thân đối với cộng đồng, xã hội. Còn những thứ như tiền bạc, địa vị chỉ là phù du, không đáng để đem ra đánh giá con người.
Như vậy, qua truyện cười này, chúng ta đã rút ra cho mình được những bài học vô cùng bổ ích và ý nghĩa. Đó là những bài học rất thực tế đối với mọi lứa tuổi, hoàn cảnh và thời thế. Chúng ta phải luôn ghi nhớ và áp dụng phù hợp vào cuộc sống học tập, làm việc của chúng ta.
Theo Tapchivanhoc.com