Đề bài: Em hãy nêu cảm nghĩ của mình về bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh
Bài làm
Bài thơ “Cảnh khuya” được tác giả Hồ Chí Minh viết năm 1947, sau khi nước ta thắng lớn tại Việt Bắc. Một số địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như Sông Lô, Đoan Hùng bởi những chiến công hiển hách của mình trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thoát khỏi ách nô lệ. Bài thơ thể hiện tấm lòng yêu nước vô cùng mãnh liệt, sâu sắc của tác giả.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”Trong đêm tối tĩnh mịch, yên lắng tới nao lòng tiếng suối chảy róc rách nghe thật gần, thật rõ, giống như tiếng hát của một cô thiếu nữ vừa trong veo, vừa lảnh lót. Tác giả nhìn qua ô cửa sổ cảm thấy ánh trăng đêm nay thật sáng trong soi tỏ mặt người. Hình ảnh trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa, thể hiện thuật miêu tả vô cùng độc đáo của tác giả Hồ Chí Minh.
Trong đêm khuya tĩnh mịch đó hình ảnh đêm trăng với tiếng suối, bóng đêm, hoa cỏ hiện lên rõ nét như được vẽ lên trên vải lụa. Một khung cảnh nên thơ, trữ tình tạo nỗi buồn bâng khuâng cho tác giả. Trước một cảnh đẹp tuyệt trần như vậy những chủ tịch Hồ Chí Minh lại cảm thấy trong lòng mình khó ngủ, trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành do trong lòng người vẫn nặng mang một nỗi buồn sâu sắc. Đó chính là nỗi buồn lo lắng cho vận mệnh nước nhà.
Đất nước ta vẫn còn trong bóng tối, vẫn còn trong đêm dài nô lệ, chưa thoát khỏi ách đô hộ thống trị của thực dân Pháp. Người dân của ta đang trong cảnh lầm than, khốn khổ. Nạn đói bủa vây những người dân vô tội, nạn đói năm 1945 đã cướp đi tính mạng của 2 triệu người dân trên đất nước ta, khiến cho một vị lãnh tụ như chủ tịch Hồ Chí Minh không khỏi cảm thấy xót xa, đau đớn thắt lòng. Người làm sao mà ngủ ngon giấc, khi trong lòng mình mang nặng nỗi ưu tư, phiền muộn như vậy.
Đây không phải lần đầu tiên người so sánh tiếng suối với một tiếng hát hay tiếng đàn. Trước đó trong bài “Côn Sơn Ức Trai” tác giả đã có sự cảm nhận rất tinh tế về tiếng suối như sau:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Tiếng suối nghệ thật bình yên thơ mộng tựa như những cung đàn đang dạo những nốt trầm bổng làm say đắm lòng người. Trong những năm đầu thế kỷ XX tác giả Nguyễn Khuyến cũng từng miêu tả tiếng suối như thế này:
“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo…”
Trong mỗi câu thơ, thể hiện một khung cảnh, âm thanh, điệu nhạc khác nhau thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận cũng như trong quan sát của từng tác giả. Tuy nhiên, tựu chung lại thì các tác giả dù là Hồ Chí Minh hay Nguyễn Khuyến đều cảm thấy tiếng suối, tiếng nước chảy róc rách là một âm thanh nghe vô cùng đắm say, gợi lên nhiều xúc cảm cho con người.
Và dù trong hoàn cảnh nào thì tác giả Hồ Chí Minh vẫn luôn nặng lòng vì đất nước, trong lòng người luôn trăn trở một nỗi niềm khôn nguôi đó chính là vận mệnh của dân tộc, của nước nhà.
Trong bài thơ “Không ngủ được” Bác đã viết như sau:
“Một canh, hai canh, lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”
Đây không phải lần đầu tiên người mất ngủ vì non sông, vì đất nước có lẽ đêm nay cũng như hàng ngàn đêm khác Bác Hồ của chúng ta đều khó ngủ khi suy nghĩ tới đại cục, tới những số phận người dân Việt Nam. Mặc dù người đang được nhìn thấy một khung cảnh vô cùng thơ mộng, giống như chốn thần tiên ở nhân gian với ánh trăng thanh, sáng vằng vặc, tiếng suối trong veo như tiếng hát của một cô thôn nữ, hình ảnh cỏ cây hoa lá vô cùng nên thơ tưởng chốn bồng lai tiên cảnh. Nhưng dù được sống trong khung cảnh hữu tình tới như vậy thì Bác Hồ của chúng ta vẫn không cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi, để nhìn ngắm cảnh vật, hoặc ngủ một giấc say nồng. Trong hoàn cảnh nên thơ gợi tình như vậy Bác Hồ của chúng ta vẫn cảm thấy nặng lòng, muộn phiền chất chứa.
Điều này thể hiện tình yêu mãnh liệt người dành cho quê hương, cho dân tộc. Một tấm lòng nhân văn thương nước thương dân vô bờ bến. Người xứng đáng là chủ tịch kính yêu, lãnh đạo toàn dân ta, xứng đáng là người cha già của toàn dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh thể hiện giấc mơ tự do, khát vọng độc lập mãnh liệt của người. Nó là một giấc mơ đẹp, giấc mơ của sự chính nghĩa nhất định sẽ thành công.
Bài thơ “Cảnh khuya” là bài thơ hay, thể hiện cảnh đẹp của núi rừng Việt Bắc. Đồng thời cũng thể hiện tấm lòng yêu nước, lo lắng cho quê hương, dân tộc của người. Dù trong hoàn cảnh nào người vẫn luôn lo lắng, thao thức mất ngủ vì vận mệnh nước nhà. Đó chính là nghệ thuật là nét đẹp riêng của bài thơ.
Qua bài thơ ta càng thêm kính yêu trân trọng tấm lòng yêu nước thương dân của chủ tịch Hồ Chí Minh “người không con mà có triệu con”.