Hướng dẫn soạn văn Chí Phèo của tác giả Nam Cao – Chương trình Ngữ văn lớp 11
Hướng dẫn
Chí Phèo là một trong những tác phẩm hiện thực đặc sắc nhất phản ánh chân thực đời sống khổ cực đầy bi kịch của người nông dân lương thiện. Hướng dẫn soạn văn Chí Phèodưới đây sẽ cung cấp thêm những đơn vị kiến thức hữu ích cho quá trình tìm hiểu tác phẩm này.
I. Hướng dẫn tìm hiểu
Câu 1. Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong phần mở đầu
Trả lời:
Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao: Nam Cao mở đầu truyện bằng một tình huống độc đáo, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ và kích thích trí tò mò của độc giả: giữa một trưa nắng gắt tại làng Vũ Đại, Chí Phèo vừa đi vừa chửi, nhưng điều lạ lùng là không có người chửi lại hắn và cũng không có người nghe hắn chửi.
Ý nghĩa tiếng chửi Chí Phèo:
– Tạo nên bối cảnh đặc biệt để nhân vật xuất hiện, gây ra ấn tượng mạnh và kích thích trí tò mò của người đọc.
– Đây là tiếng chửi của một kẻ say rượu có vẻ vu vơ mơ hồ, nhưng thật ra rất tỉnh táo, thể hiện qua việc thu hẹp không gian đối tượng của tiếng chửi: chửi trời, chửi đời, cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí. Từ đó tiếng chửi thể hiện sự bất mãn về cuộc đời, về xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
Câu 2. Việc gặp gỡ Thị Nở có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời Chí Phèo? Những gì đã diễn ra trong tâm hồn Chí Phèo sau cuộc gặp gỡ đó?
Trả lời
Ý nghĩa cuộc gặp gỡ với Thị Nở và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:
– Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Chí Phèo, từ một con quỷ dữ muốn trở lại làm người. Sự quan tâm ân cần, chăm sóc của Thị Nở khiến Chí Phèo nhớ lại mơ ước nhỏ nhoi về cuộc sống bình dị, lương thiện trước kia.
– Khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí cảm thấy ngạc nhiên, cảm động và thấy mắt mình ươn ướt, bởi từ trước đến nay, không ai chủ động cho hắn thứ gì, những gì hắn muốn có đều phải cướp giật, liều mạng mới dành lấy được. Sau đó khi thưởng thức bát cháo hành nghi ngút khói, hắn vùa vui vừa buồn, vui vì nhận được sự quan tâm chăm sóc từ một người đàn bà, buồn vì cay đắng nhận ra bi kịch tha hóa của bản thân.
– Với sự chăm sóc của Thị Nở, trong lòng hắn bỗng trỗi dậy mơ ước của một thời xa xôi về cuộc sống lương thiện, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Hắn lắng nghe những thanh âm quen thuộc của cuộc sống- thứ mà trước đây hắn chưa từng cảm nhận được.
Câu 3. Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối chung sống. Vì sao Chí Phèo lại hành động thật dữ dội, bất ngờ?
Trả lời
Khi bị thị Nở từ chối, Chí Phèo đã trải qua diễn biến tâm lí đầy phức tạp: thức tỉnh – hi vọng – thất vọng, đau đớn – phẫn uất – tuyệt vọng.
– Đầu tiên, Chí Phèo tỉnh ngộ và nhớ về khao khát cuộc sống lương thiện trước đây, hi vọng xây dựng một cuộc sống cùng Thị Nở.
– Sau đó, Chí đau đớn nhận ra bị kịch tha hóa của mình không còn lối thoát.
– Chí đau đớn thừa nhận rằng mình không thể quay trở về cuộc sống lương thiện trước đây “ôm mặt khóc rưng rức” và quyết định dùng dao kết liễu kẻ thù và tự sát. Chí chết trên ngưỡng cửa quay trở lại làm người lương thiện.
Câu 4. Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, hãy làm rõ nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao
Trả lời
Nhân vật điển hình là nhân vật có sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cái quen thuộc và cái độc đáo. Tiêu biểu là các nhân vật như Chí Phèo và Bá Kiến.
– Tác giả đã xây dựng và miêu tả thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo- người nông dân bị tước đoạt quyền làm người, bị tha hóa cả nhân hình và nhân tính.
– Trong tác phẩm, Chí Phèo hiện lên là người có nội tâm, cá tính độc đáo, cho thấy nhân vật hành động theo ý muốn của mình chứ không hề phụ thuộc vào ý kiến của tác giả, thể hiện rõ bút pháp xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
Câu 5. Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện có gì đặc sắc?
Nghệ thuật kể chuyện của tác giả:
– Giọng điệu trần thuật linh hoạt, phong phú và có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại với độc thoại, giữa lời nói gián tiếp và lời nói trực tiếp.
– Cách dẫn dắt tình tiết linh hoạt, không theo trật tự tuyến tính thông thường nhưng vẫn rành mạch sáng sủa, chặt chẽ.
– Ngôn ngữ tác phẩm tự nhiên, sống động, thể hiện rõ tính cách và diễn biến tâm lí nhân vật.
II. Luyện tập
Theo Tapchivanhoc.com