Động phong nha ngữ văn 6
Hướng dẫn
I. ĐỀ LUYỆN TẬP
Đề 1. Hãy giới thiệu đường du lịch đi tới Phong Nha qua bài văn “Động Phong Nha” của Trần Hoàng.
Đề 2. Qua bài “Động Phong Nha” của Trần Hoàng, emhãy nói lên cảm nhận của mình về cảnh quan thiên nhiên kì thú, nên thơ của “Kì quan đệ nhất động”này.
Đề 3. Cảm nhận của em về bảy cái “nhất” của Phong Nha qua bài “Động Phong Nha” của Trần Hoàng
Đề 4. Chép lại đúng và đẹp một đoạn văn giới thiệu vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của động Phong Nha qua bài văn của Trần Hoàng
Đề 5. Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài văn “Động Phong Nha”của Trần Hoàng (Bài tự luận).
II. BÀI VĂN TỰ LUẬN
Đề 1. Hãy giới thiệu đường du lịch đi tới Phong Nha qua bài văn “Động Phong Nha” của Trần Hoàng.
“Động Phong Nha”là bài viết của Trần Hoàng in trong cuốn “Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh TrungTrung Bộ”. Bài văn đã giới thiệu cho các bạn gần xa biết một vài cảnh đẹp kì ảo, kì thú của động “Đệ nhất kì quan Phong Nha”.
Đường du lịch đi tới Phong Nha vô cùng thuận tiện.
Địa thế Phong Nha nằm trong một quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng ở miền Tây tỉnh Quảng Bình. Đường đi tới Phong Nha có hai đường. Đường thủy ngược dòng sông Gianh đến ngã ba sông Gianh gặp sông Son, theo sông Son mà vào. Đường thứ hai đi theo tỉnh lộ số 2 đến bến sông Son, rồi đi thuyền máy mà tới. Phong cảnh trên đường tới Phong Nha rất hữu tình. Sông Son “một màu xanh thẳm và rất trong”.Những núi đá vôi trùng điệp. Xóm làng, nương ngô, bãi mía nằm rải rác, bát ngát một màu xanh ấm no thanh bình.
Đề 2. Qua bài “Động Phong Nha”của Trần Hoàng, em hãy nói lên cảm nhận của mình về cảnh quan thiên nhiên kì thú, nên thơ của “Kì quan đệ nhất động”này.
Động Phong Nha mang vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo riêng, được du khách gần xa ca ngợi là “Kì quan đệ nhất động”của dải đất miền Trung cát trắng. Cảnh quan thiên nhiên kì thú, nên thơ với bao hang động và sông ngầm tuyệt đẹp.
Cảnh quan thiên nhiên kì thú, nên thơ của Phong Nha như vẫy gọi…
Phong Nha có 2 động: Động Khô và Động Nước. Động Nước là điểm du lịch hấp dẫn nhất. Động Nước còn gọi là “Động chính Phong Nha”có 14 buồng; mỗi buồng là một cái hang như dẫn du khách vào chốn thần tiên. Có hang tối om, có hang lờ mờ, du khách phải dùng đèn, đuốc. Một hành lang dài nối các “buồng” dài độ 1500m. Có thể đi chơi bằng thuyền, có thể đi men các bãi cát và leo lên vách động. Sông ngầm Phong Nha được coi là “dài nhất”, tạo nên vẻ đẹp sơn thủy kì thú mộng ảo.
Hang động Phong Nha đem đến cho du khách bao điều “kinh ngạc và thích thú trước vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của nó”. Đó là dáng hình các thạch nhũ trông giống như con gà, con cóc, những cột như những đốt trúc dựng đứng trên mặt nước… Có thạch nhũ hình mâm xôi, cái khánh. Có thạch nhũ hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ… Đèn đuốc làm cho thạch, nhũ lóng lánh sắc màu “như kìm cương” Bàn tay của tạo hóa thật kì diệu. Trên các vách động, thỉnh thoảng du khách lại nhìn thấy một nhánh phong lan xanh biếc điểm tô. Bãi cát trong động Phong Nha êm đẹp, mát mẻ như bến đợi, bến chờ, bến dừng, bến nghỉ cho du khách sau một chặng trèo hang, leo động.
Giọt nước “hữu tình” từ những thạch nhũ rơi xuống “gõ long tong”, Trần Hoàng cảm thấy “âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt”.
Tóm lại, vẻ đẹp thiên nhiên động Phong Nha “vừa có nét hoang sơ, bí hiểm, lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ”,xứng dáng là một danh lam thắng cảnh, “đệ nhất kì quan” của đất nước ta.
Đề 3. Cảm nhận của em về bảy cái “nhất” của Phong Nha qua bài “ĐộngPhong Nha”của Trần Hoàng
Động Phong Nha cỏ bảy cái “nhất” từ ngđược du khách gần xa trầm trồ.
Không phải hợm hĩnh khoe khoang tự đắc như một kẻ thấp hèn: “Vại cà nhà ta là hương hoa, vàng ngọc”. Trần Hoàng đã giới thiệu cho ta biết, cho ta hay”7 cái nhất”của động Phong Nha: “hang động dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộngvà đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất”. Địa chỉ của ý kiến ấy, nhận xét ấy là đoàn thám hiểm Hội Địa lý Hoàng gia Anh đã được ghi rõ trong Báo cáo khoa học của nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-be làm trưởng đoàn.
Phần cuối, tác giả khẳng định động Phong Nha là một điểm du lịch hấp dẫn đối với các nhà khoa học, nhà thám hiếm, khách du lịch trong và ngoài nước. Phong Nha đang xây dựng cơ sở hạ tầng để tương xứng với tầm vóc thiên nhiên của nó.
Tóm lại, bài “Động Phong Nha” mang tính chất bút ký của một du khách, như một bản giới thiệu của một hướng dẫn viên du lịch. Bài văn toát lên niềm vui thích, tự hào trước bao vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của thiên nhiên hang động Phong Nha; tự hào về một điểm du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học của đất nước ta, “hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới”. Đó là tình yêu giang sơn gấm vóc.
Ngành du lịch nước ta đang phát triển mạnh mẽ. Động Phong Nha của khúc ruột miền Trung đang vẫy gọi du khách gần xa.
Đề 4. Chép lại đúng và đẹp một đoạn văn giới thiệu vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của động Phong Nha qua bài văn của Trần Hoàng
Đọc bài văn của Trần Hoàng, em cảm thấy mình là một du khách như lạc vào một thế giới của tiên cảnh:
“Đi thuyền thăm Động Phong Nha, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc và thích thú vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của nó. Dưới ánh sang lung linh của đèn đuốc các khối thạch nhũ hiện lên đủ hình khối, màu sắc. Có khối hình con gà, con cóc, có khối xếp thành đốt trúc dựng đứng trên mặt nước… Lại có khối mang hình mâm xôi, cái khánh, hoặc hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ, v.v… Bàn tay tài hoa của tạo hóa khéo tạo cho các khối thạch nhũ không những chỉ đẹp về đường nét mà còn rất huyền ảo về màu sắc, một sắc màu long lánh như kim cương không bút nào lột tả hết…”.
Du khách không chỉ được say mê ngắm nhìn mà còn được lắng nghe âm thanh diệu huyền mơ hồ xa xăm:
“Một tiếng nước gõ long tong, một tiến gnói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi canh chùa, đất Bụt”.
III BÀI ĐỌC THAM KHẢO
Phong Nha – kì quan đất nước
Quảng Bình, mảnh đất nhỏ hẹp và khắc nghiệt của miền Trung lại được trời phú cho một kì quan tuyệt thế, đó là động Phong Nha. Động Phong Nha thực ra là một dòng sông ngầm trong lòng núi đá vôi dài hàng chục ki-lô-mét. Phong Nha đẹp không chỉ bởi phong cảnh non nước hữu tình, không chỉ bởi những cái “giăng gió”kì lạ mà thực ra với thời gian năm tháng những nhũ đá được trau chuốt bào mòn hiện lên những cungđiện nguy nga nơi trần thế…
Nhìn cửa động Phong Nha du khách ngỡ như lạc vào cửa một cung đình thời tiền sử: những vách đá nhấp nhô, những vòm cửa như những thành ốp đá. Ngắm nhìn nhũ đá động Tiên Sơn chẳng khác nào nhìn những bộ váy áo diêm dúa của tiên nữ giáng trần, những sợi nhũ đá khác nào đăng ten làm rạng rỡ sang trọng dáng điệu cô dâu trong ngày vu quy. Hang Tiên quả là cảnh đẹp phi trần thế bởi các nhũ đá kết thành những vẻ đẹp huyền thoại, bí hiểm mà vô cùng gợi cảm. Hang Kì Vĩ gợi cho du khách những cảm xúc hoành tráng. Hang Cung Đình có cả ngai, bệ thờ, có tả, hữu rồng chầu, hổ phục, có đấng tối cao và bề tôi tụ hội.
Ở Phong Nha không chỉ có “thế quyền” mà tạo hóa còn lạo dựng cho nơi đây có cả sự trị vì của “thần quyền”: Đó là hang Phật Bà. Đức Phật từ bi hình như đang cúi xuống cứu vớt chúng sinh và xung quanh vần vũ mây trời.
Hang Bi Kí cũng là một sáng tạo độc đáo của tạo hóa khiến cho du khách không khỏi sững sờ thán phục. Ở Bi Kí du khách ngỡ được tận mắt chiêm ngưỡng những hoành phi câu đối được tạc bằng nhũ đá, một sân khấu diêm dúa cầu kì với bao lớp lang cánh gà, phông màn, bậc lên, bậc xuống… Huyền thoại Phong Nha không còn là hang động thiên nhiên mà thật sự giống như chốn Bồng Lai tụ hội những vị tiên giáng trần.
Phong Nha xứng đáng được tôn vinh như là một trong những kì quan thiên tạo bậc nhất của đất nước. Phong Nha không chỉ đẹp ở non nước hữu tình mà còn là một thế giới trần gian và phi trần thế được tích tụ, hội tụ trong ngôn ngữ, đã được tạc bởi bàn tay tạo hóa đầy tài năng và quyền năng…
Phạm Viết Đào
Theo Baigiangvanhoc.com