[Văn mẫu tuyển chọn] Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Phân tích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
– Khái quát chung
2. Thân bài:
* Khái quát:
– Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ lớn, một nhà chính trị của Việt Nam. Thơ của Nguyễn Khoa Điềm lấy chất liệu từ văn học Việt Nam và cảm hứng từ quê hương, con người và tình thần chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam yêu nước
– Bài thơ “Đất nước” ra đời trên chiến trường Bình Trị Thiên vào mùa đông năm 1971
* Phân tích:
– “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
……………………………………………
Đất Nước có từ ngày đó…”
+ “ngày xửa ngày xưa”: đất nước đã có từ rất lâu rồi
+ Đất nước bắt đầu từ sự tích trầu cau, từ đời vua Hùng dựng nước.
+ Đất nước bước ra từ sự tích Thánh Gióng nhổ tre mà đánh đuổi giặc Ân
+ Đất nước hóa thân vào tục lệ búi tóc sau đầu của bà mẹ Việt Nam, đất nước thấm nhuần trong tình yêu thương gắn bó của cha và mẹ, đất nước đi cùng sự trưởng thành và lớn lên của nền văn minh lúa nước,…
+ Kết cấu câu “Đất nước đã có rồi…đất nước có trong…đất nước bắt đầu với…đất nước lớn lên…” đã gợi mở ra trước mắt chúng ta không chỉ là cội nguồn mà còn là cả quá trình phát triển đi lên của đất nước.
– “Đất là nơi anh đến trường
…………………………………………………
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
+ Đất nước là nơi tụ họp, sinh sống của con người: “là nơi anh đến trường”, “là nơi em tắm”, “là nơi ta hò hẹn”, “là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.
+ Tình yêu đôi lứa đã hòa cùng tình yêu đất nước thành một thể thống nhất.
+ Hình ảnh “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”, “con cá ngư ông móng nước biển khơi” mang âm hưởng dân ca, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.
=> Đất nước chính là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân với cộng đồng
– “Thời gian đằng đẵng
…………………………….
Đất nước vẹn tròn, to lớn”
+ Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.
+ Ngày giỗ Tổ là lời nhắc nhở con cháu dù đi đâu xa, làm ăn trăm ngả cũng phải biết về cội nguồn dân tộc mình
+ Đất nước là sự hài hòa giữa anh và em.
-“Mai này con ta lớn lên
………………………………
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
+ Nhìn về tương lai của đất nước là nhìn vào sứ mệnh của mỗi cá nhân ngày hôm nay.
+ Gắn bó, san sẻ, mang đất nước ngày một đi xa là một phần trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay.
– “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
……………………………………………….
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”
+ “núi Vọng Phu”, “hòn Trống Mái” : sự kết tinh cho tình yêu chung thủy của biết bao cặp vợ chồng trong chiến tranh.
+ Hình ảnh “núi Bút”, “non Nghiên” : truyền thống hiếu học ngàn đời của toàn thể dân tộc Việt Nam.
+ Thánh Gióng trong cuộc chiến với giặc Ân, là sự góp công của thế hệ vua Hùng.
– “Em ơi em
………………………
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
+ Cụm từ “người người lớp lớp” : sức mạnh bất chiến bất bại của toàn thể dân tộc ta trong những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
+ “Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta” : sự hiện diện của thế hệ thanh niên lên đường trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, sức mạnh của tuổi trẻ anh hùng ca.
+ Người con trai sẵn sàng góp sức mình nơi tiền tuyến lửa đạn
+ Người con gái lui về hậu phương chăm nom gia đình, nhà cửa trở thành hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần cho tiền tuyến xa xôi
-“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
……………………………………………………..
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”
+ Truyền lại hạt lúa: truyền lại cả một nền văn minh lúa nước lâu đời đã ươm mồng sự sống, nuôi sống con người Việt Nam trong chính những cuộc chiến đầy cam go.
+ Truyền lửa: sự nối tiếp niềm tin và sức sống mãnh liệt của lớp lớp thế hệ muôn đời.
+ Truyền lại giọng nói: nâng niu, trân trọng tiếng nói quê hương, dân tộc mình.
+ “Gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”: xây dựng lên tên làng tên xã, dù di dân nhưng vẫn mang theo để giữ gìn.
– “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
………………………………………………………………………..
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
+ Đất nước gắn liền với ca dao dân ca.
+ Đoạn thơ đã gợi lên ba nét đẹp truyền thống trong văn hóa của con người Việt Nam: say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa, kiên quyết chống trả giặc ngoại xâm.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận
– Cảm nhận cá nhân
Bài văn tham khảo
Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ lớn, một nhà chính trị của Việt Nam. Thơ của Nguyễn Khoa Điềm lấy chất liệu từ văn học Việt Nam và cảm hứng từ quê hương, con người và tình thần chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam yêu nước… Trong kháng chiến chống Mĩ, thơ của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện rõ được hình ảnh con người Việt Nam và bản chất anh hùng bất khuất của chiến sĩ Việt Nam. Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khoa Điềm: Đất ngoại ô, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm, trường ca Mặt đường khát vọng,… Tác phẩm được xem là thành công nhất của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đó chính là bài thơ “Đất nước”. Bài thơ ra đời trên chiến trường Bình Trị Thiên vào mùa đông năm 1971. Với việc kết hợp tinh tế giữa ca dao và dân ca vào trong thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện được cảm nhận mới lại của tác giả đối với đất nước.
Ngay từ những câu thơ mở đầu, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã trầm ngâm, suy tư về cội nguồn của đất nước:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết tròng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
Cụm từ mang tính nhấn mạnh “ngày xửa ngày xưa” đã khẳng định yếu tố thời gian trong sự hình thành nên đất nước: đất nước đã có từ rất lâu rồi! Đất nước bắt đầu từ sự tích trầu cau, đất nước từ đời vua Hùng dựng nước. Đất nước bước ra từ sự tích Thánh Gióng nhổ tre mà đánh đuổi giặc Ân, trở thành khúc hùng ca trải dài suốt chiều lịch sử. Và như vậy, vẻ đẹp ngàn đời của lịch sử đất nước kết tinh trong miếng trầu bà ăn, trong câu chuyện mẹ hay kể và trong thần thoại Thánh Gióng. Dưới ngòi bút và cách nhìn nhận của Nguyễn Khoa Điềm đất nước đã hằn in sâu trong tiềm thức của mỗi cá nhân. Đất nước hóa thân vào tục lệ búi tóc sau đầu của bà mẹ Việt Nam, đất nước thấm nhuần trong tình yêu thương gắn bó của cha và mẹ, đất nước đi cùng sự trưởng thành và lớn lên của nền văn minh lúa nước,…Tác giả đã quan sát thật chi tiết và cụ thể để nói về cội nguồn của đất nước trên những phương diện và mối quan hệ hết sức đời thường. Trong kết cấu câu “Đất nước đã có rồi…đất nước có trong…đất nước bắt đầu với…đất nước lớn lên…” đã gợi mở ra trước mắt chúng ta không chỉ là cội nguồn mà còn là cả quá trình phát triển đi lên của đất nước.
Trong đoạn thơ tiếp theo tác giả tiếp tục nêu lên những định nghĩa về đất nước:
“Đất là nơi anh đến trường
………………………………….
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Nếu như tách riêng biệt thành hai phần “đất” và “nước” để định nghĩa thì nó chỉ nói lên những khoảng không gian sống và sinh tồn của con người, loài vật nhưng khi ghép lại “đất nước” lại là một định nghĩa hoàn toàn khác, mang ý nghĩa thiêng liêng khái quát trọn sự gắn kết giữa 54 anh em dân tộc.
Dưới góc độ địa lí:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Đất nước trong định nghĩa của Nguyễn Khoa Điềm là nơi tụ họp, sinh sống của con người “là nơi anh đến trường”, “là nơi em tắm”, “là nơi ta hò hẹn”, “là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Như vậy đất dẫn bước anh đến trường, mở ra vùng trời tri thức, nước gội mát tâm hồn em và cùng với sự lớn lên đất nước trở thành nơi anh và em hò hẹn, trở thành nơi chôn giấu nhiều niềm thương nỗi nhớ. Đến đây, tình yêu đôi lứa đã hòa cùng tình yêu đất nước thành một thể thống nhất. Trong đất nước có anh và có em; trong anh và em cũng có hình ảnh của đất nước.
Đất nước trở thành không gian của rừng sâu biển lớn. Hình ảnh “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”, “con cá ngư ông móng nước biển khơi” mang âm hưởng dân ca, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.
Đất nước chính là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân với cộng đồng. Đoạn thơ là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà kín đáo về trách nhiệm và sứ mệnh của thế hệ trẻ với quê hương đất nước mình.
Dưới góc độ về lịch sử:
“Thời gian đằng đẵng
Không gian mệnh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”
Nhắc về đất nước trong quá khứ là nhắc đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Đó là cội nguồn dân tộc. Nhắc về ngày giỗ Tổ là lời nhắc nhở con cháu dù đi đâu xa, làm ăn trăm ngả cũng phải biết về cội nguồn dân tộc mình, hướng về đất tổ, dâng lên những nén nhang thơm thảo tri ân cội nguồn. Lịch sử dân tộc Việt Nam là như vậy, từ thuở cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ cho đến thế hệ các vua hùng, lời thơ thủ thỉ tâm tình tiếp tục trở thành lười căn dặn con cháu mai sau hãy dâng hiến một phần đời mình cho đất nước. Đất nước trong quan điểm của Nguyễn Khoa Điềm còn là sự hài hòa giữa anh và em. Đất nước đã hóa thân, góp mặt trong cuộc đời của mỗi con người bởi những giá trị mà chúng ta đang hưởng thụ cũng đều do đất nước ban tặng.
Và cũng vì vậy mà tương lai đất nước một phần nằm trong tay chúng ta:
“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Nhìn về tương lai của đất nước là nhìn vào sứ mệnh của mỗi cá nhân ngày hôm nay. Gắn bó, san sẻ, mang đất nước ngày một đi xa là một phần trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay.
Tư tưởng đất nước của nhân dân được Nguyễn Khoa Điềm tập trung khai thác trên các phương diện về lịch sử, địa lí, văn hóa, ca dao dân ca thần thoại.
Trong chiều sâu tư tưởng về địa lí đã mở ra dưới ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm những địa danh ngàn đời:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”
“núi Vọng Phu”, “hòn Trống Mái” là sự kết tinh cho tình yêu chung thủy của biết bao cặp vợ chồng trong chiến tranh. Hình ảnh “núi Bút”, “non Nghiên” trở thành dấu ấn cho truyền thống hiếu học ngàn đời của toàn thể dân tộc Việt Nam. Không chỉ dừng lại trong góc độ về ý nghĩa thẳm sâu mà đó còn là những địa danh đã góp mặt làm nên diện mạo ngàn đời của dân tộc. Nhà thơ tiếp tục cảm nhận về cội nguồn của đất nước để thấy rõ hơn ý nghĩa lớn lao của những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đó là hình ảnh đầy anh hùng của Thánh Gióng trong cuộc chiến với giặc Ân, là sự góp công của thế hệ vua Hùng. Tất cả đã làm nên những con cóc, con gà góp mình cho vẻ đẹp của thắng cảnh Hạ Long và cả những cái tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm. Thế nhưng họ – những người làm nên vẻ đẹp muôn đời của đất nước lại chẳng ai nhớ mặt đặt tên. Nguyễn Khoa Điềm tập trung ngòi bút, làm bật lên vẻ đẹp của những địa danh tưởng chừng bình dị, hoang dã nhưng cũng chính trong cái bình dị ấy đã làm nên nét đẹp muôn đời của đất nước, thấm hồn dân tộc.
Trên phương diện về lịch sử:
“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Lời thơ nhẹ nhàng đưa người đọc trở về với bề dày hơn bốn nghìn năm lịch sử của đất nước. Cụm từ “người người lớp lớp” đã khái quát hóa sức mạnh bất chiến bất bại của toàn thể dân tộc ta trong những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đất nước chúng ta là một tập thể, một khối thống nhất mang sức mạnh lớn lao của thời đại. Sự xuất hiện của những người “Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta” là sự hiện diện của thế hệ thanh niên lên đường trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, sức mạnh của tuổi trẻ anh hùng ca. Họ là những người chăm chỉ làm lụng trên mảnh đất quê hương nơi chôn nhau cắt rốn thế nhưng khi đất nước có giặc ngoại xâm tinh thần trong họ sục sôi đến mãnh liệt. Người con trai sẵn sàng góp sức mình nơi tiền tuyến lửa đạn, người con gái lui về hậu phương chăm nom gia đình, nhà cửa trở thành hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần cho tiền tuyến xa xôi. Sự dâng hiến và hi sinh của họ dù lớn lao nhưng với họ đó chỉ là việc cần và nên làm. Những hành động ấy là nghĩa cử cao đẹp hi sinh vì cộng đồng, vì Tổ quốc máu thịt.
Trong chiều sâu về văn hóa, tư tưởng đất nước của nhân dân là khi:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”
Trong cuộc chạy đua với thời gian, với lịch sử, ông cha ta đã truyền lại cho con cháu nhiều nét giá trị văn hóa tốt đẹp. Truyền lại hạt lúa là truyền lại cả một nền văn minh lúa nước lâu đời đã ươm mồng sự sống, nuôi sống con người Việt Nam trong chính những cuộc chiến đầy cam go. Hành động truyền lửa là sự nối tiếp niềm tin và sức sống mãnh liệt của lớp lớp thế hệ muôn đời. Cha ông muốn thắp lên niềm tin yêu trong thế hệ con cháu mai sau về lòng quyết tâm, quả cảm chống giặc ngoại xâm; thắp lên ý chí vượt gian vượt khó trong cuộc sống muôn đời. Truyền lại giọng nói là thái độ nâng niu, trân trọng tiếng nói quê hương, dân tộc mình. Lưu giữ lại tiếng nói cũng chính là lưu giữ cội nguồn và sức sống dân tộc muôn đời. “Gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” là sự xây dựng lên tên làng tên xã, dù di dân nhưng vẫn mang theo để giữ gìn. Và nhân dân luôn anh dũng vùng lên đấu tranh trong bất kì cuộc xâm lược nào dù là giặc trong hay giặc ngoài. Chữ “họ” đã bất tử hóa hình ảnh của cả một thế hệ dân tộc.
Khi nhắc đến đất nước của nhân dân, dòng cảm xúc lại trở về với cội nguồn ban đầu của nó:
“Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
………………………………………………………………………..
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
Đó là đất nước gắn liền với ca dao dân ca. Đoạn thơ đã gợi lên ba nét đẹp truyền thống trong văn hóa của con người Việt Nam: say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa, kiên quyết chống trả giặc ngoại xâm.
“Đất nước” là đoạn thơ trữ tình – chính trị mở ra khái niệm về đất nước trong mối tương quan về chiều sâu địa lí, lịch sử, văn hóa, thần thoại,…Đoạn trích với giọng điệu thủ thỉ tâm tình là chủ đạo đã mở ra chiều sâu về tư tưởng: lời nhắc nhở nhẹ nhàng về nghĩa vụ và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khai mang đất nước đến một tầm cao mới của nền văn minh nhân loại.
Lê Thị Thư