Từ xa xưa ông cha ta đã có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Anh em ruột thịt ở xa thì đã có những người hàng xóm tốt bụng để ta nương tựa vào. Hàng xóm là người ở ngay sát vách nhà “tắt lửa tối đèn có nhau”, là người có thể xuất hiện ngay vào lúc ta cần và là người anh em thân tình như cùng chung huyết thống. Có được người hàng xóm thân thiện tốt bụng đồng nghĩa với cuộc sống hằng ngày của ta sẽ bớt tẻ nhạt mà phong phú tươi vui hơn. Trong chương trình tập làm văn lớp 5, các bạn sẽ bắt gặp đề bài tả người hàng xóm. Với dạng đề này, học sinh có thể chọn tả bất kì người hàng xóm nào mà mình yêu quý. Vì đây là một dạng bài tả người nên các bạn chú ý miêu tả từ ngoại hình đến tính cách. Bên cạnh yếu tố miêu tả, tự sự và biểu cảm cũng cần thiết để bộc lộ tình cảm, cảm xúc. Ngoài ra, các bạn có thể lựa chọn sử dụng từ ngữ sao cho sáng tạo để bài văn thêm hấp dẫn. Dưới đây là dàn ý chi tiết hướng dẫn đề bài tả người hàng xóm. Chúc các bạn thành công!
DÀN Ý CHI TIẾT HƯỚNG DẪN LÀM BÀI VĂN TẢ NGƯỜI HÀNG XÓM MÀ EM YÊU QUÝ LỚP 5
I/ Mở bài
- Dẫn dắt giới thiệu về đối tượng miêu tả.
Xung quanh khu phố nhà em có rất nhiều những người hàng xóm tốt bụng. Nhưng em yêu quý nhất là bác Hoa, người ở ngay cạnh nhà em.
II/ Thân bài
a. Tả ngoại hình
- Bác Hoa năm nay tầm năm mươi tuổi.
- Dáng người bác thấp, hơi mập mạp.
- Khuôn mặt tròn luôn toát lên vẻ hiền lành, phúc hậu.
- Nước da ngăm đen vì dãi dầu sương nắng để trang trải cuộc sống.
- Đôi mắt đen láy luôn ánh lên cái nhìn thân thiện. Những nếp nhăn nơi khoé mắt càng ngày càng hiện rõ theo thời gian. Vết chân chim ấy khiến đôi mắt bác lúc nào cũng như đang cười.
- Mái tóc dài đã điểm nhiều sợi bạc được bác búi lên gọn gàng.
- Bàn tay người phụ nữ thường nhẵn nhụi và thon dài nhưng bàn tay của bác Hoa không như vậy. Đó là đôi bàn tay gầy guộc với những đường gân xanh nổi rõ là dấu tích của công việc mưu sinh vất vả.
- Đôi bàn chân với gót chân nứt nẻ cứ trái gió trở trời lại nhức buốt. Bác Hoa bảo đó là do bác đi nhiều nên gót chân mới chai lại như thế. Thỉnh thoảng em lại sang nhà bóp chân cho bác.
b. Tả đặc điểm tính cách
- Không phải là gia đình khá giả nên bác Hoa phải làm việc vất vả để trang trải cuộc sống. Sáng bác gánh hàng ra chợ bán chè. Chè của bác ngon lắm, nào là chè ngô, chè khoai, chè bưởi.. hút hồn bao đứa trẻ con chúng em.
- Tối đến bác lại về nhà làm cơm canh bán cơm bình dân giá rẻ phục vụ công nhân trong xóm.
- Không chỉ chăm chỉ, siêng năng mà bác Hoa còn là người vô cùng tốt bụng. Mấy đứa trẻ con chúng em mua chè mà thiếu mấy nghìn lẻ bác bán rẻ luôn cho, người công nhân có hoàn cảnh khó khăn đến mua cơm, bác sẵn sàng miễn phí. Vì thế bác được mọi người yêu quý và nể trọng.
- Bác Hoa là kho tàng truyện cổ tích và ca dao tục ngữ. Những hôm trăng sáng, em cùng bọn trẻ đến nhà bác, ngồi quây quần bên mảnh chiếu nhỏ nghe bác kể về cô Tấm, về nàng Bạch tuyết, nghe giảng giải về những bài học của truyền thống cha ông.
III/ Kết bài
- Nêu cảm nghĩ về đối tượng miêu tả.
Em yêu quý và coi bác Hoa như bác ruột của em vậy. Bác cũng rất quý em, có gì ngon bác cũng để dành cho em. Em mong tình hàng xóm của nhà em với gia đình bác ngày càng bền chặt.
Mabt79_ Tapchivanhoc.com
Nguồn Internet