Bình giảng bài thơ ‘Phong Kiều dạ bạc’ của Trương Kế

Bình giảng bài thơ ‘Phong Kiều dạ bạc’ của Trương Kế

Hướng dẫn

Phong Kiều dạ bạc

(Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều)

Trương Kế

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ.

Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

…Bài thơ tả cảnh Phong Kiều một đêm sương khuya và tâm trạng thao thức của ly khách đang nằm trong thuyền. Trương Kế viết bài thơ theo thể thất 136 ngôn tứ tuyệt Đường luật: luật trác, vần bằng, có 3 vần thơ (thiên – miên – thuyền); gồm 11 chữ (thanh trắc) và 17 chữ (thanh bằng) gợi lên âm điệu mênh mang, lan tỏa… Bản dịch thành thơ lục bát, có 9 chữ (thanh trắc) và 19 chữ (thanh bằng), nhạc điệu trầm buồn, man mác; là một trong những bản dịch thơ Đường hay nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Nhiều tài liệu cho biết bản dịch thơ lục bát này là của Tản Đà thi sĩ (?).

1. Hai câu thơ đầu tả cảnh một đêm khuya trên bến Phong Kiều. Năm chi tiết nghệ thuật, tả ít mà gợi nhiều: trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời, cây phong bên sông, ánh lửa chài. Cảnh vật được liệt kê, nối tiếp xuất hiện, đồng hiện. Một li khách đang mơ ngủ trong con thuyền trên bến sông. Cảnh vừa có màu sắc vừa có âm thanh. Màu vàng của vầng trăng xế, vầng trăng tà. Màu trắng bao la của sương đêm phủ đầy trời. Màu lửa chài le lói trong các khoang thuyền. Lùm cây phong đen sẫm ẩn hiện bên bờ sông. Và có tiếng quạ; quạ giật mình thấy sương trắng phủ đầy trời, ngỡ là trời đã sáng, cất tiếng kêu… Một cảnh buồn trên bến Phong Kiều. Và đó cũng là tâm trạng buồn của li khách đang nằm mơ ngủ trong thuyền. Ba chữ ‘đối sầu miên’ cho thấy không gian nghệ thuật và tâm trạng nghệ thuật đồng hiện. Cảnh buồn, tình buồn; nhịp thơ buồn là vậy. Hãy khẽ đọc lên, ngâm lên:

Xem thêm:  Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện Chiếc lược ngà

‘Nguyệt lạc/ ổ để/ sương mãn thiên,

Giang phong/ ngư hỏa/ đối sầu miên’

(Trăng tà/ chiếc quạ kêu sương,

Lửa chài/ cây bến/ sầu vương giấc hồ)

Thơ chỉ gợi, tạo nên nhiều liên tưởng. Thủ pháp lấy động để tả tĩnh, lấy sáng để tả tối; tiếng quạ kêu sương nghe rõ trong đêm thanh vắng, ánh lửa chài le lói, màn sương trắng bao la đầy trời đã cho thấy bến Phong Kiều mịt mờ, mịt mùng khi trăng xế. Qua đó, ta thấy bút pháp nghệ thuật của Trương Kế rất tinh tế, biểu cảm.

2. Thời gian trôi đi lặng lẽ. Đêm đã về khuya. Khách nằm trong thuyền vẫn mơ màng… Bốn bề Phong Kiều im lìm, vắng vẻ. Bỗng một tiếng chuông, một âm thanh trong vắt từ chùa Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô vọng tới, lay động hồn li khách…:

‘Cô Tô thành ngoại/ Hàn Sơn tự,

Dạ bán/ chung thanh/ đáo khách thuyền’

(Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn)

Chùa Hàn Sơn toạ lạc trên lưng chừng núi. ‘Sư cụ nằm chung với khối mây’ như nhà sư chùa Đọi mà Nguyễn Khuyến đã nhắc tới? Sư cụ thỉnh chuông hay chú tiểu đánh chuông sang canh? Chùa Hàn Sơn cách bến Phong Kiều bao xa? Tiếng chuông ngân vang từ chùa xa vọng tới, li khách nghe rất rõ. Khách chợt tỉnh hồn mai. Nghệ thuật lấy động để tả tĩnh của thi pháp cổ, một lần nữa được Trương Kế sử dụng rất đặc sắc.

Xem thêm:  Phân tích cảnh sông nước mây trời xứ Huế trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử (dàn ý và bài làm chi tiết)

Tiếng chuông chùa Hàn Sơn đã làm rõ thêm cảnh vắng lặng, êm đềm bến Phong Kiều một đêm sương; một đêm thu? Tiếng chuông chùa vẳng lên giữa đêm khuya… còn mang một ý nghĩa thẩm mĩ rất tinh tế. Thi sĩ đã lấy tiếng chuông chùa (ngoại cảnh) để thể hiện tâm cảnh, đó là nỗi buồn nhớ cố hương của người lữ khách. Hai chữ ‘dạ bán’ (nửa đêm) là thời gian nghệ thuật, là thời điểm tiếng chuông chùa Hàn Sơn từ ngoại thành văng vẳng vọng đến con thuyền làm lay động hồn du khách đang mơ màng, đang thao thức.

Hơn một nghìn năm đã trôi qua, ai đã từng đọc thơ Đường, ai đã yêu thơ Đường, nhất là những khách li hương đó đây, vẫn cảm thấy tiếng chuông chùa Hàn Sơn được Trương Kế nói đến vẫn còn làm rung động hồn mình, làm nao nao, làm thổn thức lòng mình?

Bài thơ ‘Phong Kiều dạ bạc’ là một bức tranh tĩnh xinh xắn. Thi phẩm này từng phủ mờ bao lớp sương giai thoại, huyền thoại. Có tiếng quạ kêu buồn. Có tiếng chuông chùa trong canh khuya buồn thấm thía. Trăng đã xế, lửa chài le lói con thuyền, những lùm cây phong mờ tỏ ẩn hiện, màn sương trắng phủ đầy trời. Li khách buồn nhớ cố hương đang thao thức trong con thuyền! Mơ màng và vắng lặng bao trùm cảnh vật và hồn người. Thi liệu chắt lọc, hình tượng gợi cảm, mở ra bao liên tưởng đầy chất thơ. ‘Phong Kiều dạ bạc’ đẹp như một bức tranh thủy mặc của một danh họa; lối vẽ chấm phá, lấy động để tả tĩnh, lấy sáng để tả tối, lấy ngoại cảnh thể hiện tâm cảnh… Cái hồn của cảnh vật, nỗi lòng li khách thấp thoáng hiện lên qua những vần thơ thanh đạm đáng yêu.

Xem thêm:  Tâm trạng nhân vật “tôi” trong truyện “Tôi đi học” – Đề và văn mẫu 8

Hỡi bạn gần xa có còn nghe tiếng quạ kêu sương, tiếng chuông chùa Hàn Sơn từ nghìn xưa vọng về?…

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

chan dung nu sinh truon 49cc1a 310x165 - Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Vốn sống của nhân dân ta một phần dựa vào kinh nghiệm được đúc kết …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *