Bình giảng bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu

Bình giảng bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu

Gợi ý

Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới.

Hai tập Thơ Thơ và Gửi hương cho gió đã tạo nên tên tuổi lừng lẫy của Xuân Diệu một thời. Xuân Diệu là nhà thơ của tuổi trẻ, tình yêu và của cái mới. Xuân Diệu đã đem lại những suy nghĩ và cảm xúc mới lạ đối với lớp thanh niên đương thời. Ông cũng đem lại những tình cảm và cảm xúc thẩm mĩ mới về đề tài thiên nhiên. Xuân Diệu có nhiều bài thơ hay viết về mùa xuân, mùa thu. Đây mùa thu tới của Xuân Diệu cùng với Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Thu của Chế Lan Viên là những bài thơ vào loại hay nhất của phong trào Thơ mới.

Miêu tả mùa thu là một vấn đề khó vì cổ kim đã có nhiều thơ hay về thu.

Thơ ca phương Đông có truyền thống miêu tả về mùa thu. Thơ ca phương Tây với Huy-gô, Bồ-đơ-le cũng có nhiều sáng tác hay về mùa thu. Xuân Diệu cũng chịu nhiều ảnh hưởng thơ viết về mùa thư trong thơ Đường, thơ Tống. Mở đầu bài thơ, tác giả miêu tả hình ảnh của một rặng liễu buồn như đứng chịu tang. Cây liễu cũng có thể buồn nhưng đây chủ yếu là nỗi buồn của tâm trạng tác giả đang bế tắc không tìm được lối thoát. Thực ra thơ đã nói nhiều đến hình ảnh đẹp của liễu, dáng liễu, mành liễu, lá liễu.

Như câu thơ của Thế Lữ:

"Gió đào mơn trớn liễu buông tơ"

Hay như câu thơ của Tế Hanh:

"Chắc gì mắt em như lá liễu

Để cắt lòng anh một nét dao"

Xuân Diệu cũng viết nhiều câu thơ đẹp về liễu:

"Tóc liễu buông xanh quá mĩ miều"

"Lá liễu dài như một nét mi"

Những câu thơ đầu của Đây mùa thu tới gợi lên một tâm trạng buồn đến tang tóc ủ dột. Từ ý tưởng đến âm thanh, nhạc điệu đều rất buồn. Nỗi buồn là do cảnh sắc mùa thu hoà hợp với tâm trạng buồn của tác giã. "Xuân, người ta vì ấm mà cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng cần đôi, cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung, những linh hồn cỏ đơn thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau và lòng tôi nghe tất cả du dương của thứ vô tuyến điện ấy". (Xuân Diệu)

Tâm trạng buồn của Xuân Diệu là một nỗi buồn thế hệ, không tìm được lối ra trong cuộc đời cũ, tác giả tìm đến những hình ảnh thiên nhiên có tính tương đồng để biểu hiện xúc cảm. Các cụm từ "đìu hiu", "tóc buồn buông xuống", "lệ ngàn hàng" gợi lên sự hắt hiu, lặng lẽ, gợi cảm giác về sự trôi chảy của tâm trạng buồn mà không có gì ngăn lại được. Hoàng Trung Thông cũng có nhận xét: "Những chữ đìu hiu, chịu tang, tóc buồn, lệ ngàn hàng, run rẩy, khô gầy, mỏng manh, rét mướt, vắng người, u uất, hận chia li, tất cả gợi lên.xa xăm và thương nhớ". Trong cuộc đời cũ, có rất nhiều lí do để buồn, kể cả đứng trước cái đẹp, cái đẹp làm cho con người dễ khát khao nhưng không dễ với tới được và thường rơi vào trạng thái cô đơn, buồn tủi. Mùa thu có nhiều vẻ đẹp, màu sắc khác nhau và Xuân Diệu đã mở rộng sự tiếp nhận, cảm xúc xúc động của mình trước vẻ đẹp, màu sắc của mùa thu:

Xem thêm:  Nghị luận về ý kiến: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ…

"Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng".

Bức tranh về mùa thu luôn thay đổi màu sắc. Một tiếng kêu thầm như reo vui khi cảm nhận mùa thu đang đến. Câu thơ có hai tiết tấu "mùa thu tới" trùng điệp và gây ấn tượng mạnh. Tác giả miêu tả bộ áo mới của mùa thu mang lại cho cỏ cây, tấm áo màu vàng mơ choàng lên cảnh vật. Trong thơ ca có hình ảnh của chiếc lá vàng đã đến trong thơ Nguyễn Khuyên:

"Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo"

Và "bóng vàng" trong thơ Nguyễn Du:

"Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng"

Và gió vàng trong thơ Nguyễn Gia Thiều:

Trái vách quế gió vàng hiu hắt.

Nhưng "gió vàng" đây là "kim phong", tức gió mùa thu.

Trong thơ hiện đại sắc vàng của mùa thu cùng được quan tâm miêu tả. Lưu Trọng Lư với hình ảnh con nai và chiếc lá vàng khô:

"Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô".

Bích Khê với màu vàng chan chứa sắc thu:

"Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông".

Khổ thơ đã thể hiện được chủ đề của bài thơ. Riêng về phía nhà thơ, tuy ở trong tâm trạng buồn nhưng vẫn thiết tha yêu cuộc sống.

Đẹp buồn và tĩnh lặng thường là những chuẩn mực quen thuộc của thơ ca lãng mạn. Khổ thơ đầu đã thể hiện khá đầy đủ đặc trưng đó.

Xuân Diệu nói lên những đổi thay của mùa thu trong cảnh vật thiên nhiên:

"Hơn một loài hoa đã rụng cành".

Nhà thơ Thế Lữ chữa hộ lời thành thơ: "Đã mấy loài hoa rụng dưới cành" và in trên báo, Xuân Diệu lại lấy lại câu thơ của mình vì ông miêu tả một mùa thu đang tới.

Xem thêm:  Lời tri ân thầy cô giáo của học sinh lớp 9

Câu thơ "Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh" nói lên sự lấn dần của màu vàng, màu đỏ với màu xanh của cây cỏ. Có ý cho rằng đây là "màu đỏ rũa màu xanh". Xuân Diệu không tán thành ý trên mà xem "rũa" là lấn dần, ăn mòn dần. Xuân Diệu vận dụng cảm giác quan sát rất tinh tế những đổi thay của cảnh vật. Mùa thu đến, những con gió lạnh đầu mùa làm cho cỏ cây run rẩy: "Những luồng run rẩy rung rinh lá". Cách sử dụng những điệp từ và láy âm góp phần tạo hiệu quả cho câu thơ với người đọc. Trong thơ ca cổ cũng đã có những câu thơ có nghệ thuật láy ý, láy âm tuyệt vời như "Dưới trăng quyên đã gọi hè – Đầu đường lửa lựu lập lòe đơm bông" (Truyện Kiều – Nguyễn Du) hoặc "Lưng giậu phất phơ màn khói nhạt – Làn ao lóng lánh bóng trăng loe" (Thu ẩm – Nguyễn Khuyến). Theo Xuân Diệu, điều quan trọng không chỉ là sự láy âm mà còn ở cái luồng cảm xúc mới của thi nhân, luồng cảm xúc có tính chất hiện đại của những nhà thơ trong một thời kì mới khác với các nhà thơ cổ điển. Câu thơ cuối được miêu tả như những nét phác hoạ trong bức tranh thuỷ mặc của Trung Quốc.

"Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh".

Tác giả mở rộng tầm quan sát đến những cảnh vật ở nơi xa: ngọn núi, vầng trăng, dòng sông, con đò:

"Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ".

Vầng trăng thu có một vẻ đẹp riêng, có khi trong vắt, có khi mờ ảo trong sương khói. Xuâu Diệu đặc biệt nhấn mạnh đến chữ "tự "tự ngẩn ngơ" chứ không phải bị ngẩn ngơ. "Tự ngẩn ngơ’ là trạng thái ngẩn ngơ từ bên trong, nhà thơ đã nhập vào đối tượng miêu tả khác với lối miêu tả khách quan từ bên ngoài trong thơ xưa. Rồi hình ảnh của núi non cũng nhạt nhoà dần trong sương:

"Non xa khởi sự nhạt sương mờ".

Hai chữ "khởi sự’ là nói lên sự bắt đầu và theo Xuân Diệu thì từ ngữ hơi cứng nhưng cũng hòa hợp được với câu thơ. Hai câu thơ được xem là hay nhất trong Đây mùa thu tới miêu tả không khí thu, cái lạnh của mùa thu đã làm cho sinh hoạt của làng quê, của bến sông không còn tấp nập như ngày hè:

"Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò".

Câu thơ giản dị, tự nhiên nhưng cách miêu tả rất nghệ thuật. Chưa hẳn vào mùa đông mà ở đây thỉnh thoảng những con gió mang theo cái rét trở về như luồn đi trong không gian… Chữ "luồn" cũng có một khả năng diễn tả đặc biệt. Huy Cận xem hai câu thơ này là hay nhất trong toàn bài. Xuân Diệu đã miêu tả được không gian rộng lớn của mùa thu với cách cảm nhận chân thực giản dị.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Nhớ rừng của nhà thơ Thế Lữ

Sau những ngày hè nóng nực, không khí của những ngày thu se lạnh dễ làm cho con người đi dần về phía nội tâm với nhiều xao xuyến, xúc động và nghĩ về sự đoàn tụ của gia đình và hiểu thêm về những cảnh ngộ chia li xa cách. Cảnh vật mùa thu cũng mang nhiều hình ảnh của sự chia li xa cách, những cánh chim bay về những vùng quê ấm áp:

Mây vấn từng không chim bay đi

Khí trời u ất hận chia li

ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì".

Khổ thơ kết gợi nhiều về tâm trạng. Xuân Diệu miêu tả tâm trạng buồn một cách tĩnh lặng cho hòa hợp với cảnh thu. Hình ảnh thiếu nữ "tựa cửa nhìn xa" như đang mong đợi, mơ ước một điều gì còn chưa đến. Câu thơ khép lại bằng những hình ảnh đẹp của con người với chiều sâu của nội tâm. "Hai câu cuối cùng nói lên nỗi buồn, một sự ngơ ngác mà tạo ra được một hình ảnh đẹp" (Hoàng Trung Thông).

Đây mùa thu tới là một bài thơ có giá trị, tác giả đã miêu tả được những nét tiêu biểu và gợi cảm nhất của cảnh vật mùa thu với cách cảm nhận có tính chất hiện đại. Mặc dù có những hình ảnh hoa tàn, lá rụng nhưng người đọc vẫn thấy một mùa thu đẹp có sức sông ở bên trong, về phía tác giả, tuy mang một tâm trạng buồn nhưng vẫn bộc lộ kín đáo lòng yêu đời tha thiết, đúng như nhận xét của Hoài Thanh: "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chỗ nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sông cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn đều nồng nàn tha thiết".

Hocvanvanhoc.com

Check Also

52043129 09 1024x682 1 310x165 - Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận đầy đủ hay nhất lớp 11

Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận đầy đủ hay nhất lớp 11

Chúng ta đã học gần như đầy đủ tất cả các kiến thức về các …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *