[Văn mẫu tuyển chọn] Nghị luận xã hội về an toàn giao thông
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Nêu vấn đề cần nghị luận: an toàn giao thông
– Khái quát chung
2. Thân bài:
* Giải thích:
– An toàn giao thông là cụm từ phản ánh hành vi ứng xử văn hóa trong giao thông: có ý thức tham gia giao thông và chấp hành luật giao thông.
– An toàn giao thông là sự an toàn về tính mạng cho những người tham gia giao thông.
* Hiện trạng:
– Theo Bộ Công an Trung Quốc trong năm 2006, đã có 89.455 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ, con số này tại Việt Nam là 18,000 người. Trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có 24 người chết, hơn 60 người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông, đó là những con số dẫn tới sự ra đời khái niệm “thảm họa quốc gia” – một cụm từ rất đau xót khi nói tới tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay.
– Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.838 người, bị thương hơn 38.000 người; năm 2013 có 29.385 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người; năm 2014 có 25.322 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Năm 2015, tính đến tháng 11 trên toàn quốc đã xảy ra gần 21 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 8.000 người và 19 nghìn người bị thương.
* Tác hại:
– Phá tan đi hạnh phúc gia đình, gieo rắc những vết thương đau.
– Tai nạn giao thông không chỉ gây thiệt hại về tính mạng mà nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và tiền của.
+ Nạn nhân trong tai nạn giao thông phải chịu những đau đớn nhất định về mặt thể xác thậm chí là bỏ mạng.
+Gia đình lo lắng, mất ăn mất ngủ, hao tốn tiền của chạy chữa thuốc thang.
* Nguyên nhân:
– Sự thiếu ý thức của những người tham gia giao thông.
+ Có những người coi việc đội mũ bảo hiểm là phiền toái nên khi đi ở những đường quê không có sự kiểm soát của công an thì sẵn sàng tháo bỏ mũ bảo hiểm và nếu có đội thì không cài quai.
+ Sau những buổi tiệc liên hoan đình đám, nhậu say xỉn làm mất tầm kiểm soát khi tham gia giao thông.
– Chất lượng cầu đường không bảo đảm an toàn, cầu cũ, cầu yếu, cầu có tải trọng thấp quá nhiều, trong khi lưu lượng người và xe qua lại quá lớn.
– Có nhiều người sẵn sàng làm ngơ trước các đối tượng vi phạm luật như dùng phương tiện chuyên chở hàng hóa quá quy định, chạy quá tốc độ cho phép…
* Nhận thức và hành động:
– Nêu cao ý thức về vấn đề an toàn giao thông.
– Cần hiểu biết rõ luật an toàn giao thông khi tham gia lưu thông đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cùng có ý thức tham gia giao thông.
– Tổ chức các buổi tọa đàm, ngoại khóa về vấn đề an toàn giao thông cũng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của mọi người.
– Các cơ quan tổ chức cần sát sao hơn nữa trong việc xử lí các đối tượng gây mất trật tự an toàn giao thông.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận
– Cảm nhận cá nhân
Nghị luận xã hội về an toàn giao thông
Bài văn tham khảo
“Chúng em với an toàn giao thông là hạnh phúc là niềm vui cuộc sống, chúng em với an toàn giao thông là hạnh phúc là niềm vui cho mọi nhà…”. Lời bài hát vang lên như một điệp khúc nhắc nhở mỗi chúng ta cần có ý thức khi tham gia giao thông bởi nó mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người. Vì vậy an toàn giao thông là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người khi tham gia giao thông.
An toàn giao thông trở thành cụm từ phản ánh hành vi ứng xử văn hóa trong giao thông: có ý thức tham gia giao thông và chấp hành luật giao thông. Và an toàn giao thông cũng chính là sự an toàn về tính mạng cho những người tham gia giao thông.
Ngày nay, việc tham gia giao thông thiếu ý thức đã gây ra quá nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tai nạn giao thông đường bộ là tai nạn giao thông xảy ra đối với những phương tiện giao thông đang tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ hay trên đường chuyên dùng và đối với người đi bộ. Đây là loại tai nạn giao thông phổ biến và làm nhiều người thiệt mạng, bị thương nhất ở các quốc gia đang phát triển, khi mà cơ sở hạ tầng cũng như ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông của người dân còn kém. Theo Bộ Công an Trung Quốc trong năm 2006, đã có 89.455 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ, con số này tại Việt Nam là 18,000 người. Trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có 24 người chết, hơn 60 người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông, đó là những con số dẫn tới sự ra đời khái niệm “thảm họa quốc gia” – một cụm từ rất đau xót khi nói tới tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.838 người, bị thương hơn 38.000 người; năm 2013 có 29.385 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người; năm 2014 có 25.322 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Năm 2015, tính đến tháng 11 trên toàn quốc đã xảy ra gần 21 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 8.000 người và 19 nghìn người bị thương.
Tai nạn giao thông là mầm bệnh nguy hiểm bậc nhất dễ dàng phá tan đi hạnh phúc gia đình, gieo rắc những vết thương đau. Tai nạn giao thông không chỉ gây thiệt hại về tính mạng mà nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và tiền của. Nạn nhân trong tai nạn giao thông phải chịu những đau đớn nhất định về mặt thể xác thậm chí là bỏ mạng. Gia đình lo lắng, mất ăn mất ngủ, hao tốn tiền của chạy chữa thuốc thang. Như thế thì không đau lòng sao được?
Gây ra tình trạng mất an toàn giao thông là do có rất nhiều nguyên nhân tác động đến. Trước hết là do sự thiếu ý thức của những người tham gia giao thông. Có những người coi việc đội mũ bảo hiểm là phiền toái nên khi đi ở những đường quê không có sự kiểm soát của công an thì sẵn sàng tháo bỏ mũ bảo hiểm và nếu có đội thì không cài quai. Hay sau những buổi tiệc liên hoan đình đám, nhậu say xỉn làm mất tầm kiểm soát khi tham gia giao thông. Khi tham gia lưu thông trên các nẻo đường, hiện tượng xô đẩy, lấn làn di chuyển gây ra những va chạm không đáng có, nhẹ thì bị xây xước da nhẹ, nặng thì có thể nhập viện, thậm chí là bị thương nặng. Một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng cầu đường không bảo đảm an toàn, cầu cũ, cầu yếu, cầu có tải trọng thấp quá nhiều, trong khi lưu lượng người và xe qua lại quá lớn. Một nguyên nhân nữa là vì tư lợi, có nhiều người sẵn sàng làm ngơ trước các đối tượng vi phạm luật như dùng phương tiện chuyên chở hàng hóa quá quy định, chạy quá tốc độ cho phép…
Trước hiện trạng nhức nhối mỗi người cần nêu cao ý thức về vấn đề an toàn giao thông. Cần hiểu biết rõ luật an toàn giao thông khi tham gia lưu thông đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cùng có ý thức tham gia giao thông. Tổ chức các buổi tọa đàm, ngoại khóa về vấn đề an toàn giao thông cũng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của mọi người. Các cơ quan tổ chức cần sát sao hơn nữa trong việc xử lí các đối tượng gây mất trật tự an toàn giao thông.
Ngay từ ngày hôm nay, mỗi người cần nêu cao khẩu hiệu “an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà”. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, biết rõ về những tác hại khó lường mà mất an toàn giao thông gây ra em và các bạn của mình sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền ý thức tham gia giao thông tới các bạn học sinh trong lớp, trong trường,…Chúng em cũng đã tự giác đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên phương tiện giao thông, chấp hành đúng luật giao thông khi tham gia lưu thông.
Lê Thị Thư